Nhật Bản – Đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam
Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam, với kim ngạch thương mại song phương năm 2024 đạt 48,18 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 24,59 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2023. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm dệt may, dầu thô, thủy sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, than đá, giày dép... Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản các sản phẩm phục vụ sản xuất công nghiệp như máy móc, thiết bị, linh kiện điện tử, vải, nguyên phụ liệu dệt may, hóa chất và linh kiện ô tô…
![]() |
ẢNh minh họa |
Mặc dù trị giá nhập khẩu hàng hóa từ Nhật Bản giảm 0,2% xuống còn 21,59 tỷ USD, cán cân thương mại giữa hai nước vẫn nghiêng về phía Việt Nam với mức xuất siêu 3 tỷ USD, cao hơn đáng kể so với mức 1,7 tỷ USD của năm 2023. Điều này cho thấy sự tăng trưởng ổn định của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Nhật Bản.
Cơ hội rộng mở cho doanh nghiệp Việt Nam
Tại hội thảo “Kết nối chuỗi cung ứng và đáp ứng thị trường”, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định rằng Nhật Bản là quốc gia có nền công nghiệp phát triển nhưng lại phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nông, thủy sản do sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu tiêu thụ. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc cung cấp các sản phẩm phù hợp với thị trường Nhật Bản.
Nhật Bản là một trong những thị trường có nhu cầu nhập khẩu lớn đối với các sản phẩm nông thủy sản - thực phẩm nước ngoài như cá và các sản phẩm chế biến từ cá, tôm, lươn, thịt và sản phẩm từ thịt, đậu nành, ngũ cốc, rau quả tươi và chế biến, cà phê… Với lợi thế cạnh tranh về nguồn cung, Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế tại thị trường này, đặc biệt với các sản phẩm như thanh long, xoài, sầu riêng, dừa, vải thiều, nhãn, chuối – những mặt hàng được người tiêu dùng Nhật Bản ưa chuộng.
Không chỉ dừng lại ở sản phẩm nông sản, các mặt hàng thực phẩm chế biến của Việt Nam cũng đang xuất hiện ngày càng nhiều trên các kệ hàng tại các hệ thống siêu thị lớn của Nhật Bản như AEON, Donkihote, Itoyokado, và các chuỗi cửa hàng đồng giá 100 Yên. Sự hiện diện ngày càng rõ nét của hàng Việt tại thị trường Nhật Bản cho thấy tiềm năng phát triển bền vững nếu doanh nghiệp biết cách tận dụng lợi thế.
Thách thức và chiến lược tiếp cận thị trường
Mặc dù có nhiều cơ hội, nhưng việc chinh phục thị trường Nhật Bản không phải là điều dễ dàng. Người tiêu dùng Nhật Bản có sự nhạy cảm cao với sự thay đổi giá cả, đồng thời đặt ra yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, để xuất khẩu ổn định vào Nhật Bản, doanh nghiệp Việt cần đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế về kiểm định chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chú trọng đến việc cải tiến thiết kế mẫu mã, đa dạng hóa hương vị sản phẩm để phù hợp với khẩu vị người Nhật. Ngoài ra, chiến lược quảng bá thương hiệu cũng cần được đẩy mạnh để tăng khả năng cạnh tranh tại thị trường này.
Trước những tín hiệu tích cực từ triển lãm Supermarket Trade Show 2025, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã có cơ hội kết nối với các nhà nhập khẩu lớn tại Nhật Bản, thúc đẩy các hợp đồng hợp tác về gạo, bún, phở ăn liền, bánh đa nem, nước mắm, gia vị, cà phê, rượu, bia, sữa và nước dừa. Đây là nền tảng quan trọng giúp mở rộng thị phần hàng Việt Nam tại Nhật Bản trong thời gian tới.
Với những tiềm năng phát triển mạnh mẽ, nếu doanh nghiệp Việt Nam có chiến lược phù hợp và cải tiến liên tục, thị trường Nhật Bản chắc chắn sẽ là một điểm đến hấp dẫn, mang lại nguồn thu lớn và cơ hội tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
![]() | Mặt hàng này của Việt Nam đang khiến các nước "mở hầu bao", xuất khẩu tăng kỷ lục 237% Tháng 1/2025 ghi nhận sự bùng nổ trong xuất khẩu phân bón của Việt Nam sang Lào với mức tăng trưởng hơn 200%. Bên cạnh ... |
![]() | Ngành dệt may 2025: Tăng trưởng chậm lại do áp lực đơn hàng nhỏ và giá thấp Ngành dệt may Việt Nam tiếp tục hồi phục mạnh trong quý IV/2024, với xuất khẩu tăng 17,2% nhờ nhu cầu từ Mỹ và EU. ... |
![]() | Xuất khẩu phụ tùng ô tô Việt Nam tăng vọt: Cơ hội nào đang chờ phía trước? Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu linh kiện, phụ ... |
Tuệ Nhi