Theo Tổng cục Hải quan, trong Tết Âm lịch năm 2022 (9 ngày từ ngày 29/1-6/2/2022), trên phạm vi cả nước có tất cả 2.462 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa, cao 2,56 lần so với con số này trong dịp Tết Tân Sửu năm 2021.
Cũng trong thời gian trên, có tất cả 20,46 nghìn tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu đã đăng ký với cơ quan Hải quan, cao gần 2 lần so với số tờ khai đăng ký trong dịp Tết Tân Sửu năm 2021.
Trong thời gian 9 ngày nghỉ Tết Âm lịch vừa qua, tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước đạt 3,05 tỷ USD, tăng mạnh 83% so với dịp Tết Tân Sửu năm 2021. Trong đó xuất khẩu hàng hóa đạt 1,47 tỷ USD, cao gấp 2 lần, chiếm 48% tổng trị giá xuất nhập khẩu; nhập khẩu hàng hóa đạt 1,58 tỷ USD, chiếm 52% tổng trị giá xuất nhập khẩu, tăng 68%.
Thống kê sơ bộ cộng dồn của Tổng cục Hải quan tính từ đầu năm đến hết ngày 6/2/2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước ước đạt 61,85 tỷ USD, giảm 10,5% so với cùng thời gian năm 2021. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt gần 31,26 tỷ USD, giảm 12,7% so với cùng thời gian năm 2021 và nhập khẩu hàng hóa đạt 30,59 tỷ USD, giảm 8,2%. Như vậy, tính từ đầu năm đến hết ngày 6/2/2022, Việt Nam có thặng dư thương mại đạt 680 triệu USD.
Trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu bao gồm điện thoại các loại và linh kiện; mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; mặt hàng máy móc, thiết bị…
Cũng trong thời gian 9 ngày Tết Âm lịch năm nay, hàng hóa của Việt Nam đã xuất khẩu sang tất cả 109 nước, vùng lãnh thổ (trong dịp Tết Tân Sửu năm 2021 hàng hóa Việt Nam chỉ có mặt ở 80 nước, vùng lãnh thổ). Trong đó, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Trung Quốc với trị giá 400 triệu USD. Tiếp theo là thị trường Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản...
Năm 2022 được dự báo là năm tiếp tục có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Cụ thể, đại dịch Covid-19 có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài và phát sinh những biến thể mới. Tăng trưởng kinh tế thế giới chưa vững chắc và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó có những tác động của Covid-19 chưa bộc lộ hết. Bên cạnh đó, xu hướng gia tăng các hàng rào bảo hộ thương mại phi thuế quan tại nhiều khu vực thị trường lớn, diễn biến giá cả hàng hóa toàn cầu trở nên khó dự đoán, hay nguy cơ lạm phát, rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng... cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã có sự thích ứng nhất định với tình hình dịch bệnh và xây dựng được những kịch bản để ứng phó với rủi ro.
Trong bối cảnh khó khăn và thách thức đan xen, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương khuyến cáo, các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sản phẩm chất lượng cao để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường thế giới.