Đây là lần thứ 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính có mặt tại 2 dự án này. Thủ tướng đã đi thực địa nắm bắt tình hình triển khai dự án và tặng quà động viên các lực lượng tham gia dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh tại vị trí điểm cuối giai đoạn 1 dự án (xã Hạnh Phúc, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng) và tại hầm số 2-hầm Đông Khê (xã Thụy Hùng, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng).
Các dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng) và Hữu Nghị-Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) được đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP), liên danh các nhà đầu tư do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu.
Dự án Đồng Đăng-Trà Lĩnh có tổng chiều dài 121 km, được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng. Giai đoạn 1 được đầu tư hơn 93 km, tổng mức đầu tư 14.114 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước chiếm hơn 69%. Giai đoạn 2 sẽ đầu tư tiếp gần 28 km còn lại.
Dự án khởi công ngày 1/1/2024, dự kiến tổng sản lượng trong năm 2024 đạt 1.010 tỷ đồng, tổng giải ngân các nguồn vốn đạt 2.000 tỷ đồng, làm nền tảng cho việc quyết tâm thông tuyến trong năm 2025 để hoàn thành toàn bộ dự án vào cuối năm 2026.
Dự án Hữu Nghị-Chi Lăng dài 60 km, với tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án 5.495 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư thu xếp 5.529 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2024-2026.
Dự án khởi công tháng 4/2024, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đạt 67%, phấn đấu đến hết tháng 12/2024 sẽ bàn giao 100% mặt bằng. Dự án đã huy động 570 nhân sự, 350 đầu xe máy móc thiết bị, triển khai 30 mũi thi công theo các phân đoạn mặt bằng được bàn giao. Dự kiến tổng sản lượng hoàn thành trong năm 2024 là 595 tỷ đồng, tổng giải ngân các nguồn đạt 1.450 tỷ đồng.
Tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Cao Bằng và nhà đầu tư 2 dự án nêu một số kiến nghị liên quan tới điều chỉnh chủ trương đầu tư, cơ chế tài chính hợp tác công tư, vay vốn tín dụng từ các ngân hàng…
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thống nhất với phương án đầu tư giai đoạn 2 dự án Đồng Đăng-Trà Lĩnh theo hình thức PPP, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70% tổng mức đầu tư, nhà đầu tư thu xếp 30% còn lại (tương tự giai đoạn 1).
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 2 dự án cao tốc dài hơn 150 km rất quan trọng để kết nối hai tỉnh, kết nối vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô với miền núi phía Bắc; kết nối quốc gia, nối tuyến cao tốc từ Cao Bằng-Lạng Sơn tới Hà Nội, thông tuyến cao tốc từ Bắc vào Nam tới tận mũi Cà Mau, góp phần thực hiện mục tiêu tới năm 2025, cả nước có ít nhất 3.000 km cao tốc và năm 2030 có 5.000 km cao tốc; đồng thời kết nối quốc tế với Trung Quốc, mở ra không gian phát triển mới rất rộng lớn.
Hai tuyến cao tốc này cũng đi qua những địa điểm lịch sử, như nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng sau hơn 30 năm ở nước ngoài, nơi diễn ra chiến dịch Đông Khê…
Do đó, việc triển khai 2 dự án có 6 ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; mệnh lệnh của trái tim; quyết tâm của khối óc; kỳ vọng của nhân dân; yêu cầu, đòi hỏi của sự phát triển, sự kết nối hai nền kinh tế Việt Nam-Trung Quốc; trách nhiệm trước nhân dân, trước đất nước.
Vì vậy, phải coi trọng thời gian, trí tuệ, tinh thần tự lực, tự cường, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và người dân để làm 2 dự án. "Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân; đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để tiến lên, phát triển", Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng yêu cầu, phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, chỉ bàn làm, không bàn lùi, triển khai chủ trương của Đảng, yêu cầu của lãnh đạo cấp trên với tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong thực tiễn, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng các dự án, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm.
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá cao sự quyết tâm, quyết liệt của 2 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng với việc 2 đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban chỉ đạo triển khai; hoan nghênh các nhà đầu tư, nhà thầu đã tích cực triển khai dự án; cảm ơn nhân dân đã nhường mặt bằng, nơi ở, nơi thờ tự, đất sản xuất, kinh doanh. Đến nay, giải phóng mặt bằng cơ bản xong, 2 dự án đã lên hình hài, đặc biệt là có 4 hầm đang triển khai thi công tích cực.
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư, nhà thầu huy động thêm máy móc, nhân lực, triển khai công việc với tốc độ nhanh hơn, xây dựng lại đường găng tiến độ, tổ chức thi công với quyết tâm "vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió", "ăn tranh thủ ngủ khẩn trương", "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm", thi công "3 ca 4 kíp", "làm việc xuyên lễ Tết, xuyên ngày nghỉ"…
Đồng thời, hợp tác, huy động thêm các nhà thầu tại địa phương tham gia triển khai dự án với tinh thần "cùng lắng nghe, thấu hiểu", "cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động", "cùng làm, cùng thắng và cùng phát triển", "cùng hưởng niềm vui, hạnh phúc và tự hào".
Thủ tướng yêu cầu các chủ thể có liên quan (các bộ ngành, 2 địa phương) tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo với tinh thần "chỉ bàn làm không bàn lùi", thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó làm, nếu không làm thì đứng sang một bên để người khác làm. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội, lực lượng quân đội, công an, người dân, thanh niên, phụ nữ… phải cùng vào cuộc, tham gia, không để các chủ đầu tư, nhà thầu cô đơn trên công trường.
Cho ý kiến giải quyết các đề xuất, kiến nghị, Thủ tướng yêu cầu thần tốc hoàn thành 2 dự án trong năm 2025, góp phần thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau trong năm 2025, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường, đời sống người dân và phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Thủ tướng nhất trí triển khai ngay giai đoạn 2 dự án Đồng Đăng-Trà Lĩnh trong năm 2026 theo hình thức PPP với 4 làn hoàn chỉnh; đồng thời cần đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền khẩn trương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quy định của pháp luật hiện hành.
Thủ tướng nêu rõ: "Phải đột phá về hạ tầng thì mới có thể tăng trưởng kinh tế 2 con số mỗi năm, mới hoàn thành được 2 mục tiêu 100 năm đã đề ra".
H.P