Hoạt động kiểm toán kịp thời phát hiện các tiêu cực, rủi ro của hệ thống ngân hàng Kiểm toán kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý tài chính 25,8 tỷ đồng |
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Thông tư Quy định về kiểm toán độc lập đối với ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô, chi nhánh ngân hàng nước ngoài...
Theo Ngân hàng Nhà nước, Thông tư 39/2011/TT-NHNN (Thông tư 39) ngày 25/12/2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về kiểm toán độc lập đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xây dựng, ban hành theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Đến nay, một số nội dung quy định tại Thông tư 39 không còn phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Do vậy, việc ban hành thông tư thay thế Thông tư 39 là cần thiết nhằm đảm bảo phù hợp với các quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, Dự thảo Thông tư mới tuân thủ quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 và các quy định pháp luật liên quan; kế thừa một số quy định còn phù hợp của Thông tư 39, sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật.
Đáng chú ý, Khoản 9 Điều 11 Thông tư 39 quy định Điều kiện đối với tổ chức kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã được bãi bỏ tại Dự thảo lần này.
Theo đó, Khoản 9 Điều 11 Thông tư 39 quy định tổ chức kiểm toán độc lập “Không thực hiện định giá tài sản, tư vấn quản lý, tư vấn tài chính, tư vấn quản lý rủi ro cho ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó trong năm trước liền kề và năm kiểm toán”.
12 điều kiện đối với tổ chức kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán ngân hàng |
Như vậy, thay vì 13 điều kiện theo quy định tại Điều 11 Thông tư 39, Dự thảo lần này yêu cầu tổ chức kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đáp ứng 12 điều kiện.
Thứ nhất, đã thành lập và có thời gian hoạt động kiểm toán tại Việt Nam tối thiểu 3 năm.
Thứ hai, có vốn chủ sở hữu, vốn được cấp từ 10 tỷ đồng trở lên.
Thứ ba, có số lượng kiểm toán viên hành nghề từ 10 người trở lên.
Thứ tư, có ít nhất 5 kiểm toán viên hành nghề tham gia kiểm toán một tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trong đó, phải có ít nhất 3 kiểm toán viên hành nghề có từ 2 năm kinh nghiệm kiểm toán trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng trở lên.
Thứ năm, các kiểm toán viên hành nghề và người đại diện tổ chức kiểm toán độc lập tham gia kiểm toán tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn quy định.
Thứ sáu, không có quan hệ mua trái phiếu, mua tài sản, góp vốn, liên doanh, mua cổ phần với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kiểm toán.
Thứ bảy, không là khách hàng đang được cấp tín dụng và được cung cấp các dịch vụ khác với điều kiện ưu đãi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kiểm toán.
Thứ tám, không kiểm toán độc lập chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó trong thời gian 5 năm liên tiếp liền kề trước năm kiểm toán.
Thứ chín, không bị xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập trong 2 năm liền kề trước năm kiểm toán.
Thứ mười, tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề thực hiện kiểm toán tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc danh sách tổ chức kiểm toán và danh sách kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng theo công bố của Bộ Tài chính cho giai đoạn thực hiện kiểm toán.
Mười một, trường hợp tổ chức tín dụng là đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán thì tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề thực hiện kiểm toán cho tổ chức tín dụng phải thuộc danh sách tổ chức kiểm toán và danh sách kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán theo công bố của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho giai đoạn thực hiện kiểm toán.
Mười hai, không thuộc những trường hợp không được kiểm toán theo quy định tại Điều 30 Luật Kiểm toán độc lập; đáp ứng các quy định khác về kiểm toán độc lập quy định tại các văn bản hướng dẫn Luật Kiểm toán độc lập.