3 ông lớn bất động sản khu công nghiệp sẽ hợp lực đổ bộ vào tỉnh giàu nhất nước ta
Liên danh 3 ông lớn này sẽ cùng phát triển các khu công nghiệp – đô thị thông minh và hạ tầng trọng điểm giai đoạn 2025 – 2030 tại tỉnh giàu nhất Việt Nam.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương vừa có buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HOSE: GVR) nhằm tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến loạt dự án lớn đang triển khai trên địa bàn. Cùng với việc thúc đẩy tiến độ các dự án hiện hữu, GVR cũng đưa ra nhiều đề xuất mới, trong đó nổi bật là chiến lược đầu tư vào năng lượng tái tạo và các khu công nghiệp thế hệ mới, gắn với quy hoạch tổng thể phát triển tỉnh Bình Dương giai đoạn 2025–2030.

Tại buổi làm việc, đại diện GVR và tỉnh Bình Dương đã cùng rà soát, đánh giá tiến độ triển khai của nhiều dự án trọng điểm như mở rộng Khu công nghiệp Rạch Bắp, Cụm công nghiệp Long Tân, Khu nhà ở Nam Tân Uyên, Khu nhà ở nông thôn An Tây và quy hoạch Khu công nghiệp Tân Bình.
Một trong những khó khăn nổi bật là vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng và tái tạo sản xuất tại các vùng có diện tích cao su bị thu hồi để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. GVR mong muốn tỉnh sớm tháo gỡ các rào cản thủ tục, đặc biệt trong công tác đền bù và cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Ông Lê Thanh Hưng – Tổng Giám đốc GVR khẳng định Tập đoàn sẽ tuân thủ quy hoạch và phối hợp chặt chẽ với các đối tác chiến lược để triển khai các dự án đúng tiến độ. Lãnh đạo GVR bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ tỉnh trong quá trình xử lý các thủ tục hành chính, đặc biệt liên quan đến tái tạo sản xuất.
Không chỉ tập trung vào các dự án hiện hữu, GVR còn đề xuất loạt kế hoạch đầu tư mới tại Bình Dương, đáng chú ý là mô hình vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Long Hòa – Minh Tân, các cụm công nghiệp hiện đại và tổ hợp điện mặt trời.
Đây được xem là bước đi chiến lược nhằm mở rộng lĩnh vực năng lượng sạch, đồng thời tận dụng hiệu quả quỹ đất và cơ sở hạ tầng hiện có của GVR. Việc phát triển điện mặt trời, điện gió và các giải pháp năng lượng tái tạo không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất mà còn phù hợp với định hướng phát triển xanh và bền vững mà Bình Dương đang theo đuổi.
Trước đó, vào ngày 3/4/2025, GVR đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược ba bên với Tổng Công ty Becamex IDC (HOSE: BCM) và Công ty Liên doanh KCN Việt Nam – Singapore (VSIP). Thỏa thuận này hướng đến phát triển đồng bộ hạ tầng công nghiệp, đô thị, nhà ở xã hội, năng lượng và các công trình giao thông trọng điểm quốc gia tại tỉnh Bình Dương.
Trong giai đoạn 2025–2030, liên danh GVR – Becamex – VSIP sẽ cùng triển khai các khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ sinh thái và thông minh, đồng thời phát triển các dự án năng lượng quy mô lớn như trang trại điện mặt trời, điện gió, điện khí. Ngoài ra, liên danh cũng sẽ tham gia đầu tư các công trình hạ tầng then chốt như đường vành đai, tuyến metro, trung tâm dữ liệu và khu công nghiệp sáng tạo, hỗ trợ chuyển đổi số và thu hút nhà đầu tư công nghệ cao.
Kết luận buổi làm việc, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đánh giá cao vai trò của GVR trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ vướng mắc và hỗ trợ GVR đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Đồng thời, lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh việc phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà ở xã hội và dự án năng lượng phải bám sát định hướng quy hoạch và vành đai công nghiệp – đô thị – dịch vụ thế hệ mới. Việc phối hợp đồng bộ giữa GVR với các đối tác chiến lược như Becamex và VSIP được coi là yếu tố then chốt để hình thành các khu chức năng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển dài hạn của Bình Dương.
UBND tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng rà soát tổng thể quy hoạch, nhu cầu sử dụng đất và kế hoạch đầu tư theo từng giai đoạn, nhằm đảm bảo quy trình pháp lý, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện dự án đúng tiến độ, hiệu quả.
Về quy mô kinh tế (GRDP), hai TP trực thuộc trung ương là TP.HCM, Hà Nội vẫn tiếp tục đứng đầu bảng khi có quy mô kinh tế lớn nhất nước, lần lượt đạt mức 1,78 triệu tỷ đồng và 1,43 triệu tỷ đồng. Cùng đó, Hải Phòng là TP trực thuộc trung ương nằm ở vị trí thứ 5 với 445.995 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu là nơi hội tụ nhiều khu công nghiệp, trung tâm sản xuất công nghiệp, năng lượng lớn nhất cả nước, có quy mô kinh tế đều ở mức trên 400.000 tỷ đồng.