55 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 12/2023

14/01/2024 - 17:31
(Bankviet.com) Tính đến ngày 31/12/2023, có tới 55 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 12/2023, với tổng giá trị lên đến 42.806 tỷ đồng.
Tháng 12/2023, phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tăng gần 2.428% so cùng kỳ Ngân hàng rầm rộ phát hành 176.006 tỷ đồng trái phiếu

Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) vừa công bố Báo cáo tháng 12 cho biết, trong tháng 12/2023, tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 31/12/2023 có tới 55 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị lên đến 42.806 tỷ đồng. Các đợt phát hành có lãi suất trung bình 7,06%/năm, kỳ hạn trung bình là 5,97 năm.

Tính cả năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 311.240 tỷ đồng, gồm 29 đợt phát hành ra công chúng trị giá 37.071 tỷ đồng (chiếm 11,9% tổng giá trị phát hành) và 286 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 275.028 tỷ đồng (chiếm 88,1% tổng số).

55 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 12/2023
Trong tháng 12, đã có 55 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Trong đó, ngân hàng là nhóm ngành phát hành nhiều nhất với 176.006 tỷ đồng (tương đương chiếm 56,5% tổng giá trị phát hành), theo sau là nhóm bất động sản với 73.202 tỷ đồng (chiếm 23,5%).

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) có 4 đợt phát trái phiếu trong tháng 12/2023, huy động tổng cộng 9.750 tỷ đồng. Các lô trái phiếu có kỳ hạn từ 2 - 3 năm, lãi suất dao động từ 5,1 - 6%/năm.

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng có 4 đợt huy động trái phiếu trong tháng cuối năm, đem về 8.000 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng huy động được 7.941 tỷ đồng trái phiếu trong tháng cuối năm. Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tổng huy động 7.000 tỷ đồng…

Số trái phiếu chậm trả lãi trong tháng đã giảm so với đầu năm, chỉ có 6 mã trái phiếu mới công bố chậm trả lãi/gốc với tổng giá trị 545,7 tỷ đồng trong tháng 12. Trong tháng cũng có 8 mã trái phiếu được gia hạn với thời gian đáo hạn được kéo dài chủ yếu từ 1 đến 2 năm.

Trong tháng 12, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 32.677 tỷ đồng, giảm 50,4% so với cùng kỳ năm 2022. Năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 277.065 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong đó, 41% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với gần 113.486 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với gần 54.497 tỷ đồng (chiếm 20%).

Ngọc Ngân

Theo: Báo Công Thương