9 tháng cố đô Huế đón 2,58 triệu lượt khách, thu về gần 5000 tỷ đồng

18/10/2024 - 21:49
(Bankviet.com) 2,58 triệu lượt du khách đã ghé thăm TP. Huế trong 9 tháng đầu năm 2024, mang về gần 5.000 tỷ đồng doanh thu cho địa phương.

UBND TP. Huế (Thừa Thiên Huế) vừa tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 9 để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong 9 tháng đầu năm 2024. Kết quả cho thấy TP. Huế đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch và các hoạt động văn hóa.

Trong 9 tháng qua, ngành du lịch của TP. Huế tiếp tục ghi nhận những con số ấn tượng với tổng lượng khách đạt 2,58 triệu lượt và doanh thu du lịch lên đến 4.958 tỷ đồng, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy trong 9 tháng, bình quân mỗi ngày TP. Huế thu về hơn 18,3 tỷ đồng từ du lịch.

Điều này cho thấy sự tăng trưởng ổn định và tiềm năng lớn của du lịch Huế. Ngoài ra, giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố đạt 1.970 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,23% so với cùng kỳ.

Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và thể thao trên địa bàn thành phố cũng diễn ra sôi động, thu hút sự quan tâm của người dân và du khách. Đặc biệt, các sự kiện và hoạt động văn hóa được tổ chức liên tục, gắn liền với những ngày lễ lớn, góp phần làm tăng sự phong phú và đa dạng cho đời sống văn hóa của thành phố.

2,58 triệu lượt du khách đã ghé thăm TP. Huế trong 9 tháng đầu năm 2024, mang về gần 5.000 đồng doanh thu cho địa phươn
2,58 triệu lượt du khách đã ghé thăm TP. Huế trong 9 tháng đầu năm 2024, mang về gần 5.000 tỷ đồng doanh thu cho địa phương

Bên cạnh đó, các đề án quan trọng như chính sách hỗ trợ và bảo vệ nhà vườn đặc trưng, cũng như đề án nhà rường cổ Bao Vinh, tiếp tục được đôn đốc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Về giáo dục, TP. Huế không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của xã hội.

Tại phiên họp, ông Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND TP. Huế biểu dương những nỗ lực của các phòng, ban và đơn vị trực thuộc thành phố trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Ông cũng nhấn mạnh rằng, các cơ quan cần rà soát kỹ lưỡng và giải quyết dứt điểm các công việc tồn đọng, đồng thời chủ động đề xuất các giải pháp để đảm bảo thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024.

Một nhiệm vụ quan trọng được nhắc đến là việc triển khai Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, phấn đấu đạt các thành tích cao nhất theo kế hoạch phát triển của thành phố.

Sức hút từ các sản phẩm du lịch mới

Sau 4 năm triển khai Nghị quyết 03 của Thành ủy Huế về phát triển du lịch và dịch vụ, Huế đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới nhằm nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các trải nghiệm cho du khách. Những sản phẩm tiêu biểu như phố đi bộ, phố đêm, phố ẩm thực đã góp phần phát triển kinh tế đêm và tạo thêm sức hút cho ngành du lịch Huế.

Phố đêm Huế luôn đông kín khách, nhất là dịp lễ và những ngày cuối tuần
Phố đêm Huế luôn đông kín khách, nhất là dịp lễ và những ngày cuối tuần

Trong đó, các dự án như chợ đêm Đông Ba, phố ẩm thực tại đường Trương Định, phố đi bộ Chu Văn An - Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu, phố đêm Hoàng thành, phố đi bộ Hai Bà Trưng đều đã hoàn thành hoặc đang trong quá trình hoàn thiện.

Đặc biệt, việc phát triển khu vực di tích Kinh thành Huế, chỉnh trang hai bờ sông Hương, và khôi phục các điểm du lịch như cồn Dã Viên và đồi Vọng Cảnh đã nâng tầm diện mạo thành phố, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế du lịch bền vững.

Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, thành phố Huế cũng chú trọng đến việc bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống như làng nghề đúc đồng, tranh làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên, kết hợp với ẩm thực Huế để gia tăng sức cạnh tranh. Đồng thời, Huế còn tập trung quảng bá sản phẩm du lịch qua các kênh số như TikTok, Facebook, nhằm đưa thương hiệu du lịch Huế vươn ra quốc tế.

Huế tiếp tục hướng đến phát triển du lịch xanh, du lịch thông minh, kết hợp với các phương tiện giao thông công cộng như xe đạp, ô tô điện, đồng thời đẩy mạnh quảng bá hình ảnh qua các nền tảng thương mại điện tử để đưa du lịch Huế lên tầm cao mới.

Kiều Linh

Kiều Linh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán