Một doanh nghiệp ngành dệt may lập đỉnh doanh thu nhờ chuyển mình khỏi mô hình truyền thống
Một doanh nghiệp dệt may vượt đáy thuế Mỹ, ghi nhận doanh thu bán niên cao nhất 4 năm nhờ chiến lược chuyển dịch sang mô hình kinh doanh mới.
Lập kỷ lục doanh thu bán niên nhờ chuyển dịch mô hình kinh doanh
Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2025 với doanh thu ước đạt 4.073 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 50% kế hoạch năm. Đây là mức doanh thu bán niên cao nhất của doanh nghiệp trong vòng 4 năm qua, đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ giữa bối cảnh ngành dệt may Việt Nam khởi sắc trở lại.

Riêng trong tháng 6, doanh thu của TNG đạt 970 tỷ đồng, tăng mạnh gấp đôi so với 2 tháng đầu năm. Tăng trưởng doanh thu đến trong bối cảnh toàn ngành dệt may ghi nhận sự hồi phục tích cực, với kim ngạch xuất khẩu đạt 17,8 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2025, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2024.

Theo báo cáo từ Chứng khoán FPT (FPTS), cơ cấu đơn hàng của TNG đang chuyển dịch rõ rệt sang phương thức FOB cấp 1 (FOB I), chiếm tới 85% tổng doanh thu. Đây là bước chuyển quan trọng từ mô hình truyền thống CMT (gia công đơn thuần) sang mô hình có giá trị gia tăng cao hơn.
Với FOB I, TNG chủ động toàn bộ chuỗi cung ứng, từ nguyên phụ liệu, sản xuất đến giao hàng giúp kiểm soát chất lượng và thời gian giao hàng tốt hơn, đồng thời tăng biên lợi nhuận.
Cụ thể, theo FPTS, trong khi gia công CMT thường chỉ mang lại biên lợi nhuận gộp khoảng 10-12%, thì phương thức FOB có thể nâng biên lên 14-18% nhờ đơn giá cao gấp 3-4 lần.
Tuy nhiên, chiến lược này cũng kéo theo áp lực lớn về vốn lưu động, khi doanh nghiệp phải ứng trước toàn bộ chi phí nguyên vật liệu và sản xuất trước khi nhận thanh toán từ khách hàng.
Huy động nghìn tỷ phục vụ chiến lược mới, được nhà đầu tư săn đón trở lại
Để đảm bảo dòng vốn hoạt động cho chiến lược mở rộng theo mô hình FOB, HĐQT TNG đã thông qua chủ trương vay tối đa 1.200 tỷ đồng từ Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Thái Nguyên.
Khoản vay ngắn hạn này sẽ được sử dụng cho các mục đích bổ sung vốn lưu động, mở thư tín dụng (LC), phát hành bảo lãnh, chiết khấu chứng từ và tài trợ thương mại.
Trước đó, vào cuối năm 2024, TNG cũng đã phát hành thành công 400 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Tính chung, tổng nguồn vốn huy động phục vụ sản xuất trong năm 2025 đã lên tới 1.600 tỷ đồng, cho thấy quyết tâm đẩy mạnh phương thức sản xuất FOB và đón đầu xu hướng hàng kỹ thuật cao trên thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, báo cáo của FPTS cũng lưu ý rằng chỉ số thanh toán hiện hành của TNG vẫn dưới 1 - mức cảnh báo về rủi ro thanh khoản. Dù vậy, trong nửa đầu năm 2025, doanh nghiệp đã thu hồi được 376 tỷ đồng công nợ từ khách hàng lớn là TCP, góp phần cải thiện dòng tiền kinh doanh.
Đồng thời, hiệu quả quản lý công nợ cũng được cải thiện với hệ số vòng quay khoản phải thu ngắn hạn tăng từ 6,3 lần (năm 2024) lên 6,7 lần tính đến cuối quý II/2025.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TNG đã có đà hồi phục ấn tượng sau giai đoạn giảm sâu đầu tháng 4/2025 do lo ngại về rủi ro thuế quan từ thị trường Mỹ.
Tính đến đầu tháng 7/2025, mã TNG đã tăng 8 phiên liên tiếp và đạt mức 21.500 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 54% so với đáy dưới 14.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu quý II. Thanh khoản bình quân đạt gần 1,8 triệu đơn vị mỗi phiên, cho thấy sự quan tâm trở lại của nhà đầu tư đối với cổ phiếu ngành dệt may.