ACBS gợi ý 2 nhóm ngành có triển vọng tích cực trong ngắn hạn

13/06/2023 - 20:29
(Bankviet.com) Việc NHNN hạ lãi suất cơ bản 3 lần kể từ đầu năm có thể tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường chứng khoán nhờ kỳ vọng dòng tiền nhàn rỗi sẽ chuyển dịch sang thị trường chứng khoán khi lãi suất huy động giảm... Trong ngắn hạn, ACBS kỳ vọng tích cực với nhóm chứng khoán và bất động sản khu công nghiệp...

Công ty chứng khoán ACB (ACBS) đánh giá, VN-Index hồi phục lên 1.075 điểm vào cuối tháng 5 sau khi mất 1,5% trong tháng 4, nhưng vẫn chưa vượt qua đỉnh 1.124 điểm kể từ đầu năm 2023. Thanh khoản tiếp tục cải thiện với khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày tăng 9,7% so với tháng 4 nhưng vẫn thấp so với cùng kỳ năm trước (khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày giảm 53,8% so với cùng kỳ).

ACBS gợi ý 2 nhóm ngành có triển vọng tích cực trong ngắn hạn
ACBS hạ dự báo tăng trưởng EPS của VN-Index cho năm 2023 xuống 8,3% và P/E dự phóng là 11,4

Khối ngoại tiếp tục bán ròng tháng thứ 2 liên tiếp, kéo giá trị mua ròng lũy kế từ đầu năm 2023 xuống chỉ còn 2,5 triệu USD trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu trầm lắng khi thời hạn nợ của Mỹ sắp đến. Bên cạnh đó, Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã công bố chỉ số GDP điều chỉnh của quý I/2023 cho thấy nền kinh tế nước này bước vào suy thoái về mặt kỹ thuật do giá cả cao và tiêu dùng yếu.

Trong khi lãi suất thế giới tiếp tục ở mức cao thì trong nước, VN-Index được hỗ trợ bởi việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ lãi suất điều hành lần thứ ba trong năm để hỗ trợ doanh nghiệp và tiêu dùng và việc Quy hoạch điện VIII đã được thông qua vào ngày 15/5 sau hơn hai năm bị hoãn.

Nguồn: FiinPro, ACBS
Nguồn: FiinPro, ACBS

Khối ngoại bán ròng nhiều nhất ở nhóm Ngân hàng với giá trị bán ròng của cổ phiếu CTG là 866 triệu USD và EIB là 779 triệu USD và mua ròng nhiều nhất là ngành Phần mềm và Dịch vụ (giá trị mua ròng FPT là 310 triệu USD), Bất động sản (mua ròng VIC là 332 triệu USD, VRE là 236 triệu USD), F&B (mua ròng STG là 1,28 tỷ USD), Vật liệu (mua ròng HPG là 209 triệu USD).

P/E của VN-Index cuối tháng 5 ở mức 14,6, duy trì cao hơn mức trung bình 15,2 của các thị trường Asean nhưng khoảng cách P/E của VN-Index và trung bình Asean đang được thu hẹp sau khi VN-Index hồi phục trong tháng 5.

Theo đó, ACBS hạ dự báo tăng trưởng EPS của VN-Index cho năm 2023 xuống 8,3% và P/E dự phóng là 11,4, thấp hơn mức trung bình 12,8 của các thị trường Asean.

Các điều kiện chung của nền kinh tế vẫn ổn định với lãi suất và tỷ giá hối đoái ổn định, lạm phát chậm lại và duy trì dưới ngưỡng mục tiêu của Chính phủ và ACBS nhận thấy những nỗ lực của các cơ quan quản lý nhằm tháo gỡ những khó khăn hiện tại của nền kinh tế bằng cách cắt giảm lãi suất trong bối cảnh lãi suất toàn cầu vẫn ở mức cao, phê duyệt Quy hoạch điện VIII sau hơn 2 năm bị trì hoãn.

So với các thị trường khác trong danh sách theo dõi của ACBS, định giá của VN-Index vẫn đủ hấp dẫn để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu ở mức giá hợp lý. ACBS kỳ vọng, một số quy định quan trọng sẽ được xem xét tại kỳ họp Quốc hội tháng 5 sẽ tác động tích cực đến đầu tư công và nhiều lĩnh vực khác như bất động sản, xây dựng, y tế, cung ứng vật liệu.

Việc NHNN hạ lãi suất cơ bản 3 lần kể từ đầu năm có thể tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường chứng khoán nhờ kỳ vọng dòng tiền nhàn rỗi sẽ chuyển dịch sang thị trường chứng khoán khi lãi suất huy động giảm, lãi suất thấp cũng có thể cải thiện lợi nhuận của các công ty sử dụng nhiều nợ và thúc đẩy việc mở rộng kinh doanh nhờ tăng cường vay vốn để nắm bắt cơ hội trong bối cảnh nhu cầu yếu từ cả thị trường bên trong và bên ngoài.

Lo ngại của nhà đầu tư hiện nay đến từ bên ngoài với nỗi lo suy thoái do giá cả tăng cao, bất ổn địa chính trị thế giới và sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, từ bên trong với tình trạng thiếu điện làm gián đoạn hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Đồng thời rủi ro ngắn hạn trên thị trường trái phiếu vẫn còn do lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào quý II, III/2023. Tuy nhiên, áp lực này đang giảm dần sau khi nhiều ngân hàng đã mua lại lượng lớn trái phiếu sau khi thông tư 03/2023/TT-NHNN được ban hành.

Do đó, trong ngắn hạn, ACBS kỳ vọng tích cực với nhóm cổ phiếu chứng khoán và bất động sản khu công nghiệp. Do việc hạ lãi suất điều hành cũng như lãi suất huy động của NHNN sẽ tác động tích cực đến nhóm chứng khoán.

Thị trường vốn của Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển và còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, đặc biệt là lĩnh vực tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp, qua đó mở ra nhiều cơ hội từ mảng kinh doanh giàu tiềm năng này cho các công ty chứng khoán. Lĩnh vực môi giới chứng khoán mặc dù có nhiều dư địa tăng trưởng nhưng đồng thời có mức độ cạnh tranh rất cao. Tại Việt Nam có rất nhiều công ty chứng khoán trong khi sản phẩm ít có sự khác biệt.

Đối với nhóm bất động sản khu công nghiệp, các doanh nghiệp sẽ hưởng lợi từ xu hướng mở rộng, di dời hoặc đa dạng hoá cơ sở sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Dự kiến nguồn cung đất công nghiệp ở phía Bắc nhiều hơn phía Nam nhờ cơ sở hạ tầng phát triển. KCN thông minh, KCN sinh thái, sản phẩm có thể linh hoạt chuyển đổi giữa nhà xưởng và nhà kho, nhà xưởng/nhà kho nhiều tầng sẽ ngày càng phổ biến và giá thuê đất có thể tiếp tục tăng, nhưng với tốc độ chậm hơn.

Trong dài hạn, ACBS kỳ vọng vào nhóm ngân hàng; bất động sản khu công nghiệp; hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng (FMCG, dệt may, bán lẻ) và năng lượng điện sẽ được hưởng lợi..

Về thị trường chứng khoán, kết phiên 12/6, VN-Index đóng cửa cao nhất ngày khi tăng 8,49 điểm (tương đương 0,77%). Thanh khoản trên hai sàn niêm yết đạt 17.398,81 tỉ đồng, duy trì trên mức trung bình, khối lượng giao dịch VN-INDEX giảm 13,51% so với phiên trước cho thấy thanh khoản vẫn đang cải thiện.

Nhóm cổ phiếu có diễn biến tích cực trong phiên đầu tuần là nhóm bán lẻ khi nhiều mã tăng giá hết biên độ, thanh khoản gia tăng mạnh như DGW (+6,91%), FRT (+6,88%), PET (+4,66%), MWG (+3,86%)...

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đa số cũng có diễn biến tich cực khi bật tăng trở lại vào phiên chiều là động lực hỗ trợ cho thị trường, nhưng thanh khoản đa số dưới mức trung bình như EIB (+3,14%), ABB (+2,30%), TCB (+0,93%), VPB (+0,51%), VCB (+0,50%)...

Các cổ phiếu nhóm bất động sản phân hóa, nhiều mã vẫn tiếp tục tăng giá vượt vùng đỉnh cũ, thanh khoản gia tăng như ITC (+6,92%), QCG (+6,60%), PDR (+4,73%), HDG (+2,93%)... trong khi nhiều mã tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh với TDH (-4,36%), DIG (-3,11%), CEO (-2,69%), DXG (-1,38%)...

Các cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán cũng có diễn biến tương tự với WSS (+5,33%), PSI (+3,66%), SHS (+2,36%)... vượt đỉnh cũ; trong khi đa số mã chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản dưới trung bình là VDS (-2,03%), FTS (-1,91%), VIX (-1,79%), AGR (-1,56%), HCM (-0,75%)...

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 13/6, xu hướng tăng tiếp tục duy trì, VN-Index bật tăng và tiến lên thử thách ngưỡng cản 1.120 điểm. Thị trường giao dịch theo xu hướng thận trọng với điểm nhấn từ nhóm cổ phiếu chứng khoán và sắc xanh đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng. Không ngạc nhiên khi nhóm ngành chứng khoán dẫn dắt đà tăng trong những phiên gần đây khi mà dòng tiền chảy vào thị trường đã cải thiện đáng kể.

Tính tới 10h30, VN-Index tăng gần 4 điểm. HNX-Index tăng nhẹ 0,6 điểm. Lực mua vẫn đang chiếm ưu thế trên toàn thị trường. Độ rộng thị trường lúc này nghiêng hẳn về số mã tăng, 445 mã tăng so với 217 mã giảm.

Cổ phiếu VCB đang là "đầu tàu" kéo chỉ số khi đóng góp tới 1,8 điểm tăng cho VN-Index. Tuy nhiên nhóm ngân hàng lại đang phân hóa, nhóm này chia thành một nửa tăng gồm VCB, BID, TCB, SSB, HDB, SHB và một nưa giảm gồm MBB, CTG, STB, VIB, TPB, MSB, LPB, VIB.

Nhóm chứng khoán thiên về xu hướng tăng. SSI, SHS, MBS, FTS, AGR, APS… tăng điểm. Tuy nhiên vẫn có phân nửa cổ phiếu chứng khoán đang ở tham chiếu.

Nhóm xây dựng, bất động sản có diễn biến tích cực trong sáng nay. Sắc xanh là màu chủ đạo của nhóm này. Tuy nhiên, mức tăng chung của cả nhóm không quá mạnh.

Thanh khoản bùng nổ tỷ đô, chứng khoán liệu có tăng bền vững?

Trả lời câu hỏi về việc thanh khoản trung bình các phiên giao dịch gần đây ở mức cao, các chuyên gia chứng khoán đã ...

Nhận định chứng khoán ngày 13/6: Áp lực chốt lời sẽ gia tăng khi VN-Index hướng đến vùng 1.120-1.125 điểm

Lực cầu bất ngờ về cuối phiên đến từ nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc VN30 đã giúp cho thị trường đảo chiều lấy ...

Cổ phiếu ngân hàng - lựa chọn an toàn cuối con sóng tăng

Diễn biến tăng giá "điềm đạm" và những câu chuyện riêng trong dài hạn của ngành ngân hàng khiến thị trường kỳ vọng, nhóm ngành ...

Đức Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán