ACBS tăng vốn lên 7.000 tỷ đồng, tiến vào top 5 CTCK có vốn điều lệ lớn nhất thị trường

27/01/2024 - 21:09
(Bankviet.com) HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu vừa được chấp thuận việc tăng vốn điều lệ của Công ty TNHH Chứng khoán ACB năm 2024.

Mới đây, Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) đã nhận được chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính về việc tăng vốn điều lệ thêm 3.000 tỷ đồng, lên thành 7.000 tỷ đồng.

ACBS tăng vốn lên 7.000 tỷ đồng, tiến vào top 5 CTCK có vốn điều lệ lớn nhất thị trường
Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) đã nhận được chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính về việc tăng vốn điều lệ.

Việc tăng vốn này đã đưa ACBS trở thành công ty chứng khoán xếp thứ 5 trong những công ty có vốn điều lệ lớn nhất thị trường sau SSI (15.011 tỷ đồng), VPBankS (15.000 tỷ đồng), VNDirect (12.178 tỷ đồng), SHS (8.132 tỷ đồng). Nguồn vốn góp đến từ chủ sở hữu là Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB).

Theo đại diện ACBS, việc tăng vốn của ACBS nhằm đáp ứng cho nhu cầu nâng cấp hệ thống giao dịch lõi (core), chiếm lĩnh thị phần môi giới cơ sở/ phái sinh và kinh doanh margin.

Về tình hình kinh doanh, lũy kế cả năm 2023, CTCK này mang về 492 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, cao hơn gấp 5 lần so với mức lợi nhuận cả năm 2022. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng gấp 5 lần năm 2022, đạt 396,4 tỷ đồng. Với hiệu suất hoạt động như trên, Chứng khoán ACB đã thực hiện được 93,2% kế hoạch lợi nhuận đề ra hồi đầu năm 2023.

Trong năm 2023, quy mô tổng tài sản của ACBS tăng cao, hơn gấp đôi so với cùng kỳ, đạt xấp xỉ 12.000 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ khi đi vào hoạt động tới nay. Về mảng cho vay margin, dư nợ cho vay của ACBS tăng hơn 123% so cùng kỳ, đạt kỷ lục xấp xỉ 4.600 tỷ đồng. Nguồn cung vốn cho ACBS đến từ đa dạng các tổ chức tài chính với tổng dư nợ vay vốn đạt xấp xỉ 6.000 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán bước vào năm 2024 với nhiều tín hiệu khả quan khi VN Index bứt phá lên 1.150 điểm (tăng 21 điểm so với ngày giao dịch cuối cùng của năm 2023). Cùng với sự mong đợi của thị trường, hệ thống KRX dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2024, trong đó ACBS là một trong những công ty đã hoàn thành hơn 90% việc kiểm thử khả năng giao dịch của KRX.

Bên cạnh đó, năm nay sẽ năm bản lề trong lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên (frontier market) lên thị trường mới nổi (emerging market) theo quyết định chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 của Phó Thủ tướng Phạm Minh Khái ký ban hành. ACBS đã và đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho giai đoạn phát triển mới của thị trường, đặc biệt là về quy mô vốn.

Về tình hình hoạt động, HĐTV ACBS đã bổ nhiệm ông Lê Hoàng Tân giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Công ty, kể từ ngày 12/12/2023. Tham gia Ban Tổng giám đốc, ông Tân trực tiếp quản lý và điều hành mảng hoạt động kinh doanh môi giới cá nhân và tổ chức.

Theo giới thiệu, ông Tân tốt nghiệp Cử nhân Tài Chính Doanh Nghiệp của Đại Học Kinh Tế TP. Hồ Chí Minh và đã có hơn 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và từng đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong bộ phận kinh doanh môi giới, phân tích, tư vấn đầu tư tại công ty chứng khoán.

Ngoài ra, ông từng đảm nhiệm song song vị trí Thành viên HĐQT và Thành viên BKS tại Công ty CP Công nghệ Tiên Phong (HOSE: ITD) và Tổng Công ty Công nghệ Năng lượng Dầu khí Việt Nam – CTCP.

Ở một diễn biến khác, HĐTV ACBS đã thông qua việc vay vốn tại 3 ngân hàng tổng số tiền 9.000 tỷ đồng. Cụ thể, ACBS có kế hoạch vay 5.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – CN Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nhằm bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh, tài trợ vốn cho kinh doanh trái phiếu chính phủ, giấy tờ có giá, chứng khoán khác…Biện pháp bảo đảm là các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn tại đây hoặc tài sản khác được chấp nhận.

Tiếp đó, ACBS có kế hoạch vay 3.000 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) - CN 8, nhằm tài trợ vốn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, mua bán giấy tờ có giá và mục đích khác. Biện pháp bảo đảm là các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn tại đây hoặc tài sản khác được chấp nhận.

Cuối cùng, ACBS muốn vay 1.000 tỷ đồng từ Ngân hàng TNHH Indovina để kinh doanh trái phiếu Chính phủ (TPCP) hoặc trái phiếu Chính phủ bảo lãnh. Khoản vay này không có tài sản bảo đảm hoặc hợp đồng tiền gửi được phát hành bởi IndoVina Bank hoặc tổ chức tín dụng trong nước, chứng chỉ tiền gửi và trái phiếu của tổ chức tín dụng phát hành, TPCP, TPCP bảo lãnh hoặc tài sản đảm bảo khác.

Báo lãi gấp 5 lần, mảng tự doanh của Chứng khoán ACB (ACBS) hoạt động ra sao?

Lũy kế kinh doanh năm 2023, ACBS "bỏ túi" 492 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, cao hơn gấp 5 lần so với mức lợi ...

ACBS nói gì về triển vọng cổ phiếu ngân hàng và bất động sản?

ACBS cho rằng hai ngành có ảnh hưởng lớn nhất tới VN-Index là ngân hàng, bất động sản đang chưa tìm thấy động lực rõ ...

2 kịch bản VN-Index dưới góc nhìn của Chứng khoán ACB

ACBS cho rằng, thị trường chứng khoán có thể diễn biến theo 2 kịch bản với 2 tiềm năng tăng giá rất khác biệt...

Tiểu Vy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán