AG&P LNG công bố đầu tư 49% vào kho cảng LNG Cái Mép

09/03/2024 - 23:03
(Bankviet.com) AG&P LNG và Công ty TNHH Hải Linh vừa công bố hợp tác chiến lược thành lập liên doanh kinh doanh và phân phối LNG tại Việt Nam.
Cảng Cái Mép được đánh giá là cảng hiệu quả thứ 13 toàn cầu Hơn 1.414 tỉ đồng nâng cấp tuyến luồng Cái Mép-Thị Vải đón tàu trọng tải 200.000DWT Thủ tướng phát lệnh làm hàng đầu xuân tại cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép

AG&P LNG, công ty hàng đầu về kho cảng và cơ sở hạ tầng LNG hạ nguồn, một công ty con của tập đoàn Nebula Energy, hôm nay thông báo đã mua 49% cổ phần kho cảng LNG Cái Mép tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Kho cảng này do Công ty TNHH Hải Linh, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu hàng đầu tại Việt Nam làm chủ đầu tư, đã hoàn thiện xong phần đầu tư xây dựng, sẵn sàng đưa vào chạy thử và vận hành thương mại vào tháng 9 tới.

Liên doanh đầu tiên, hướng vào thị trường phía Nam

Ông Lê Văn Tám, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Linh cho biết, do LNG còn khá mới mẻ ở thị trường Việt Nam, đây cũng là liên doanh đầu tiên giữa doanh nghiệp Việt Nam với một đối tác nước ngoài trong thị trường này, hứa hẹn mở ra một khởi đầu tốt. Với sự hợp tác này, chúng tôi có thể đẩy nhanh hơn quá trình khởi động, vận hành cảng và các hoạt động kho cảng LNG, cũng như phục vụ nhu cầu ngày càng tăng về LNG tại Việt Nam.

Ông Lê Văn Tám, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Linh (trái) và ông Karthik Sathyamoorthy, Giám đốc Điều hành AG&P LNG tại lễ ký kết
Ông Lê Văn Tám, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Linh (trái) và ông Karthik Sathyamoorthy, Giám đốc Điều hành AG&P LNG tại lễ ký kết.

Ước tính giá trị đầu tư của kho cảng Cái Mép là 500 triệu USD và AG&P LNG hiện nắm 49% cổ phần.

Ông Sam Abdalla, Giám đốc điều hành Nebula Energy kiêm Phó chủ tịch AG&P LNG nhớ lại quá trình trao đổi, hợp tác hai bên về thành lập liên doanh, ông gọi quá trình thương thảo đó là “một khoảng thời gian kỷ lục!”, bởi chúng tôi mang đến cho nhau sự chân thành, sự trung thực và cả những khát khao về việc phát triển thị trường khí LNG tại Việt Nam. Càng tìm hiểu sâu về nhau, chúng tôi thấy ở nhau có nhiều điều hay, ý đẹp chứ không có rào cản hay vướng mắc gì.

“Trong cuộc đời của mình tôi cũng đã thực hiện nhiều giao dịch đàm phán như thế này, nhưng với công ty Hải Linh, cá nhân ông Lê Văn Tám và cộng sự của ông thì tôi dám chắc rằng, đây là giao dịch tốt nhất mà tôi từng có” – ông Sam Abdalla nói và cho biết, phía AG&P LNG rất phấn khích khi trở thành một phần của tiến trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam. Theo ông Sam Abdalla, Việt Nam là một thị trường lớn và có tốc độ tăng trưởng cao, việc trở thành một phần của nền kinh tế uy tín tại châu Á là điều hết sức tự hào, bởi ngoài đem lại giá trị cho đối tác sẽ đem lại giá trị cho cả đất nước Việt Nam nói chung, thông qua việc cung cấp một nguồn năng lượng sạch, góp phần bảo vệ môi trường.

Kho cảng LNG Cái Mép được kết nối qua tuyến ống với tổ hợp các nhà máy điện có quy mô lớn nhất Việt Nam, khu công nghiệp Phú Mỹ, với công suất điện khí là 3,9 GW. Cảng này có vị trí chiến lược gần Đồng bằng sông Cửu Long và có ba bể chứa trên bờ với tổng sức chứa 220.000 m3 LNG, có hệ thống giao nhận có thể nạp LNG vào bồn chứa và xuất LNG cho các tàu nhỏ hơn. Với 14 trạm nạp xe bồn cho CNG và LNG, kho cảng LNG Cái Mép kết nối thuận tiện với nhiều đường cao tốc để có thể cung cấp nguồn LNG đáng tin cậy cho một số khu vực trọng điểm gần đó.

Dự án LNG Hải Linh
Dự án LNG Hải Linh

Ông Karthik Sathyamoorthy, Giám đốc điều hành AG&P LNG chia sẻ, nằm ở vị trí chiến lược, kho cảng LNG Cái Mép sẽ cung cấp nguồn LNG đáng tin cậy cho nhiều nhà máy điện trong khu vực lân cận, bao gồm nhà máy điện Hiệp Phước do công ty Hải Linh đang xây dựng, và các ngành công nghiệp tại khu vực phía Nam. Đồng thời cho biết, hiện đội ngũ cán bộ hai bên đang làm việc chặt chẽ với nhau để có thể đưa cảng đi vào vận hành dự kiến từ tháng 9/2024.

Ông Sam Abdalla, Giám đốc điều hành Nebula Energy kiêm Phó Chủ tịch AG&P LNG, cho biết: “Sau khi tập đoàn Nebula mua lại lượng lớn cổ phần của AG&P LNG, chúng tôi rất vui mừng đầu tư vào một trong những cảng LNG hàng đầu tại Việt Nam – cảng nhập LNG Cái Mép với công suất 3 triệu tấn/năm. Thương vụ đầu tư này giúp thương mại hóa chuỗi cung cấp, vận chuyển và giao nhận LNG thông qua hệ sinh thái LNG tích hợp của chúng tôi. Khi đi vào hoạt động, kho cảng Cái Mép sẽ phục vụ cho nhiều nhà máy điện và các ngành công nghiệp trong khu vực nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về năng lượng sạch, đáng tin cậy của Việt Nam”.

Người dẫn đầu biến khó khăn thành cơ hội

LNG được mua bán phổ biến trên thị trường quốc tế và sử dụng tương tự như khí khô phục vụ cho nhu cầu khí của các nhà máy điện, hộ công nghiệp, khu đô thị. Ở nhiều nước, LNG được sử dụng làm nhiên liệu cho các phương tiện giao thông vận tải như tàu biển, tàu hỏa và xe vận tải nặng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, các nước châu Âu và Bắc Mỹ… coi đây là nguồn năng lượng quan trọng. Nhật Bản là quốc gia nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới với sản lượng mỗi năm khoảng 80 triệu tấn; trong khi các nước xuất khẩu LNG nhiều nhất thế giới thuộc khu vực Trung Đông, Đông Nam Á (Malaysia, Indonesia), Australia, Nga…

Kho cảng Cái Mép
Kho cảng Cái Mép

Tuy nhiên, ở Việt Nam LNG là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ bởi LNG là mặt hàng đặc thù, nhập khẩu hoàn toàn nên việc sản xuất/bán điện khí sẽ phụ thuộc vào giá LNG thế giới.

“Thách thức chính của các dự án điện khí LNG tại Việt Nam hiện nay là các khung pháp lý, các văn bản quy phạm pháp luật còn đang trong quá trình xây dựng và chưa đầy đủ, nhưng chúng tôi cũng coi đây như là một cơ hội, cơ hội được là những người đầu tiên trên thị trường khá mới mẻ này, được đóng góp ý kiến, tham gia vào việc xây dựng khung khổ pháp lý đối với lĩnh vực khí hóa lỏng này” - ông Karthik Sathyamoorthy đồng thời đánh giá, Việt Nam có tiềm năng lớn về sử dụng khí nói chung, khí làm nhiên liệu, sản xuất công nghiệp, năng lượng và giao thông vận tải. Chính phủ cũng đã ban hành quy hoạch xây dựng năng lượng đến năm 2030, ước tính nhu cầu khí thiên nhiên hóa lỏng là từ 10-15 triệu tấn/năm, chúng tôi mong muốn đóng góp vào con số này khoảng 5 triệu tấn/năm.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã xác định, nguồn nhiệt điện khí tái hóa từ LNG (hay gọi tắt là “khí LNG”) chiếm tỷ trọng khoảng hơn 14,9% tổng công suất toàn hệ thống phát điện quốc gia vào năm 2030 và là một trong các nguồn giúp đảm bảo cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia.

Do đó, Việt Nam đã thực hiện việc đầu tư và phát triển khí LNG (Liquefied Natural Gas - khí thiên nhiên hóa lỏng) từ rất sớm, ngay từ đầu năm 2012 với hàng loạt các dự án lớn, phục vụ nhu cầu sản xuất công nghiệp và người dân.

Hiện Việt Nam đã xây dựng được hệ thống đường ống dẫn khí ở khu vực phía Nam gồm 3 tuyến đường ống chính, với tổng chiều dài trên 1.000km; các nhà máy xử lý khí và các kho cảng khí hóa lỏng LNG.

Ngày 10/7/2023, người “anh cả” của ngành dầu khí - PV Gas đã hoàn thành dự án kho chứa LNG 1 triệu tấn tại Thị Vải và đón chuyến tàu khí LNG 70.000 tấn nhập khẩu đầu tiên từ Indonesia.

Đại diện PV Gas cho biết, thời gian tới họ sẽ khởi công giai đoạn 2 của Kho LNG Thị Vải với công suất nâng lên 3 triệu tấn/năm, dự kiến vận hành vào năm 2026. Bên cạnh đó, triển khai dự án kho cảng trung tâm LNG Sơn Mỹ tại Bình Thuận với tổng công suất 6 triệu tấn/năm; đồng thời triển khai các dự án đầu tư kho cảng LNG trung tâm tại khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ.

Ngày 15/3 tới đây, PV GAS cũng sẽ chính thức triển khai cung cấp LNG phục vụ sản xuất công nghiệp theo mô hình kinh doanh tích hợp LPG (Liquefied Petroleum Gas - khí dầu mỏ hóa lỏng), CNG (Compressed Natural Gas - khí thiên nhiên nén) và LNG.

Ngoài dự án LNG Thị Vải - Bà Rịa Vũng Tàu do PV GAS làm chủ đầu tư và dự án LNG Cái Mép của công ty Hải Linh tại Bà Rịa Vũng Tàu như đã nói ở trên, có thể kể đến các dự án lớn khác như: Dự án LNG Bạc Liêu công suất 3.200MW; dự án LNG Quảng Ninh công suất 1500 MW; dự án LNG Thái Bình công suất 1500 MW; dự án LNG Nghi Sơn công suất 2250 MW; dự án LNG Quảng Trạch công suất 2250 MW; dự án LNG Cà Ná công suất 2250 MW; dự án LNG Long Sơn công suất 2250 MW…

Với sự chuẩn bị phong phú và nguồn lực dồi dào như vậy, chắc chắn LNG sẽ là một nguồn nguyên liệu sạch để thay thế các nguồn nguyên liệu truyền thống (than đá, thủy điện…) vốn sẽ cạn kiệt trong tương lai. Đặc biệt, phù hợp với cam kết của các nước tại COP28, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đáp ứng yêu cầu sử dụng năng lượng xanh của nhà nhập khẩu. Hơn thế nữa, “Sử dụng khí LNG để làm điện khí, Việt Nam sẽ không xảy ra tình trạng thiếu điện như vừa rồi” – ông Tám nói.

LNG (Liquefied Natural Gas) là khí thiên nhiên được hóa lỏng khi làm lạnh sâu đến âm 162 độ C sau khi đã loại bỏ các tạp chất, LNG có thành phần chủ yếu là methane.

Sau khi được vận chuyển đến nơi tiêu thụ, LNG được chuyển trở lại trạng thái khí khi đi qua thiết bị tái hóa khí sau đó được bơm vào đường ống vận chuyển đến các nơi tiêu thụ.

Hoàng Thu

Theo: Báo Công Thương