Công ty Chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp (Agriseco) mới đây vừa công bố báo cáo nhận định về tình hình thế giới và kinh tế Việt Nam trong năm 2024.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu của Agriseco chỉ ra lãi suất cao sẽ vẫn là yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Các ngân hàng trung ương (NHTW) như Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được dự báo sẽ bắt đầu quá trình cắt giảm lãi suất trong năm 2024.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã hạ lãi suất từ năm 2023 và tiếp tục được kỳ vọng duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Riêng Nhật Bản có thể kết thúc chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm 2024.
Tuy nhiên mức cắt giảm lãi suất nhìn chung vẫn sẽ thận trọng khi nhiều chuyên gia lo ngại rủi ro kinh tế toàn cầu suy thoái sau quá trình gia tăng lãi suất. Việc duy trì lãi suất cao sẽ ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng.
Xuất khẩu của Việt Nam có thể đương đầu với thách thức khi mà diễn biến nền kinh tế của các nước bạn hàng lớn của Việt Nam có những diễn biến trái chiều.
Dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 ở hầu hết các khu vực đều thấp so với năm 2023. Ngoại trừ khu vực châu Âu được kỳ vọng sẽ cải thiện nhưng ở mức khiêm tốn so với năm 2023 lên mức 1,7% do kỳ vọng nới lỏng dần chính sách tiền tệ từ cuối năm 2024 tuy nhiên triển vọng tăng trưởng vẫn bất định khi xung đột chính trị leo cao.
Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều được dự báo GDP chưa cải thiện trong năm 2024 do tác động của lạm phát và các bất ổn kinh tế chính trị. GDP của Trung Quốc dự báo năm 2024 tăng 4,5% do khủng hoảng bất động sản và nhu cầu toàn cầu suy yếu mặc dù Trung Quốc đang đưa ra các biện pháp để cải thiện tình hình.
Các nhà nghiên cứu thuộc Agriseco đặc biệt băn khoăn về triển vọng của Trung Quốc. Rủi ro một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản, tài chính của Trung Quốc sụp đổ là có.
Nhà đầu tư vì vậy không khỏi lo ngại ảnh hưởng lan tỏa tới kinh tế toàn cầu và thị trường chứng khoán Việt Nam từ sự sụp đổ của một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản và tài chính của Trung Quốc như Evergrande (nộp đơn bảo hộ phá sản); Country Garden (chậm thanh toán lãi trái phiếu); Zhongzhi Enterprise Group - một trong những tổ chức quản lý tài sản tư nhân lớn nhất của Trung Quốc (chậm thanh toán đối với các sản phẩm đầu tư). Nguyên nhân đến từ việc Trung Quốc có các chính sách siết tình trạng đầu cơ bất động sản từ cuối năm 2020 dẫn đến quả bom nợ và bong bóng bất động sản xì hơi. TTCK Trung Quốc liên tục giảm mạnh hơn 50% từ năm 2021 đến nay. Chỉ số giá cổ phiếu nhóm bất động sản cũng liên tục dò đáy.
Thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn tồn tại rủi ro các nhà phát triển nguy cơ không trả được nợ khi giá trị các khoản nợ vay và trái phiếu đáo hạn gia tăng. Theo đó, Moody cũng hạ triển vọng tín nhiệm Trung Quốc. Hiện, tỷ lệ nợ của Trung Quốc gấp gần 3 lần GDP của nước này. Theo dữ liệu của Dealogic, trong sáu tháng tới, khoảng 60,5 tỷ USD trái phiếu bất động sản của Trung Quốc sẽ đáo hạn, với ít nhất một phần ba trong số đó là trái phiếu nước ngoài.
Dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ chững lại trong 2 năm tới quanh mức 4,5% khi các khó khăn của thị trường bất động sản vẫn lớn. Kinh tế Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào sự phát triển của bất động sản (chiếm đến 20% -25% GDP). Chỉ số giá nhà ở Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 11 cho thấy thị trường bất động sản vẫn còn yếu.
Kinh tế Trung Quốc tiếp tục gánh chịu thiệt hại nặng nề khi các chỉ số kinh tế thấp (lạm phát thấp, chỉ số sản xuất tiếp tục suy yếu mặc dù kinh tế có dấu hiệu chạm đáy và dần phục hồi sau một loạt các chính sách hỗ trợ kinh tế và giải cứu thị trường bất động sản. Kinh tế Trung Quốc suy yếu sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu, dòng vốn đầu tư FDI, hoạt động du lịch của Việt Nam.
Đăng Tuấn