Hé lộ về chủ nợ chính của DSD
Theo báo cáo tài chính giữa niên độ 2022 vừa công bố, chiếm phần nhiều ở cả khoản nợ ngắn hạn và dài hạn của DSD là vay và nợ thuê tài chính. Chủ nợ lớn nhất cho các khoản vay tài chính cả ngắn hạn và dài hạn của DSD là Ngân hàng TMCP Á Châu – Chi nhánh Đà Nẵng.
Trong ngắn hạn, DHC Suối Đôi hiện nợ hơn 83,1 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính. Trong đó, khoản vay ngắn hạn là hơn 34 tỷ đồng; vay dài hạn đến hạn phải trả là hơn 49 tỷ đồng. Cả hai khoản này đều chung một chủ nợ là Ngân hàng TMCP Á Châu – Chi nhánh Đà Nẵng.
Về dài hạn, sự hiện diện của Ngân hàng TMCP Á Châu – Chi nhánh Đà Nẵng trong bức tranh tài chính của DSD càng rõ nét hơn. Nhà băng này đang tài trợ vốn cho DHC Suối Đôi thông qua ít nhất 6 hợp đồng cấp tín dụng với tổng nguồn vốn cho vay hàng trăm tỷ đồng. Mục đích vay của các hợp đồng này chủ yếu là để sử dụng đầu tư dự án Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài.
Ngân hàng TMCP Á Châu là chủ nhiều khoản nợ của DHC Suối Đôi |
Để được cấp vốn, DHC Suối Đôi lần lượt thế chấp các tài sản tại ngân hàng này bao gồm: Bất động sản tại xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang (Khu du lịch sinh thái Suối Đôi và mỏ nước khoáng nóng), tài sản này được ngân hàng định giá hơn 188 tỷ đồng.
Bất động sản tại thửa 10, tờ bản đồ số 21 (Khu dịch vụ du lịch ven sông Hàn, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) được định giá hơn 78 tỷ đồng. Đáng chú ý, tài sản này thuộc sở hữu của bà Trần Thị Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP DHC Suối Đôi và chồng Lê Minh Đức, thành viên HĐQT DHC Suối Đôi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư DHC (cổ đông chính của DHC Suối Đôi).
Trong kỳ báo cáo giữa niên độ 2022, DHC Suối Đôi có 4 lần ký sửa đổi, bổ sung để gia hạn các khoản vay tại Ngân hàng TMCP Á Châu – Chi nhánh Đà Nẵng. Các hợp đồng này lần lượt được gia hạn trả nợ gốc từ 3-5 năm.
DHC Suối Đôi đang làm ăn ra sao
Sau khoảng thời gian đóng cửa do dịch bệnh, nửa đầu năm 2022 DSD ghi nhận sự tăng trưởng rõ nét về cả doanh thu và lợi nhuận. Doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 78,4 tỷ đồng, tăng nhiều lần so với con số 15,7 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021.
Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 34 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí tài chính (chi phí lãi vay) lớn khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ đạt hơn 14 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế TNDN đạt 13,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng dịch bệnh nên lợi nhuận ở mức âm 32,6 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu tăng so với đầu kỳ (237,6 tỷ đồng so với 223,8 tỷ đồng) tuy nhiên vẫn còn chênh lệch khá xa so với vốn góp của chủ sở hữu (311 tỷ đồng). Trong quý báo cáo, lợi nhuận sau thuế đạt 13,8 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế ở quý trước là -87,1 tỷ đồng, khiến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế của DSD đang ở mức -73, 3 tỷ đồng.
Số liệu giao dịch của cổ phiếu DSD. Nguồn: HNX |
Tại Nghị quyết ĐHĐCĐ 2022, DSD đặt mục tiêu năm 2022 đạt doanh thu 150 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 17,9 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp này đang triển khai xây dựng nhiều hạng mục tại Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài.
Năm 2017, UBND TP Đà Nẵng đã có quyết định phê duyệt đầu tư dự án Liên kết mở rộng Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài của DHC Suối Đôi. Dự án này có tổng số vốn đầu tư 706 tỷ đồng. Trong năm 2022, DHC Suối Đôi dự kiến bố trí 100 tỷ đồng vào việc đầu tư xây dựng tại Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, gồm Nhà đón (30 tỷ đồng), bãi xe cảnh quan (30 tỷ đồng), rừng phong lan, dòng sông Kayak (20 tỷ đồng) và các khu vực phụ trợ (20 tỷ đồng).
Hệ sinh thái DHC Công ty CP Đầu tư DHC (DHC Group) có trụ sở tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Doanh nghiệp này có các công ty thành viên: Công ty CP DHC Sông Hàn, Công ty CP DHC Suối Đôi, Công ty CP DHC Dream Home và Công ty CP DHC Services. DHC Group hiện là cổ đông lớn nhất của DHC Suối Đôi khi nắm 10,48 triệu cổ phiếu DSD (chiếm 33,7%). Ông Lê Minh Đức, Chủ tịch HĐQT DHC Group là chồng bà Trần Thị Hương. Bà Trần Thị Hương hiện giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty CP DHC Suối Đôi, bà cũng nắm giữ hơn 10,2 triệu cổ phiêu DSD, chiếm 33,03%. |
Cao Thái