AI sẽ đưa báo chí lên tầm cao mới
Trí tuệ nhân tạo (AI) mở ra những khả năng vượt bậc trong lĩnh vực báo chí truyền thông. Việc nghiên cứu, ứng dụng và từng bước triển khai trí tuệ nhân tạo trong mô hình quản trị tòa soạn thông minh là hướng đi phù hợp, cần thiết và tất yếu.
Hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ngày 15/5, báo Kinh tế & Đô thị tổ chức Hội thảo "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn thông minh" với sự góp mặt của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực báo chí - truyền thông, nhà quản lý, các diễn giả là đại diện những doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ thông tin.

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết cơ quan báo chí cần quan tâm đến đạo đức nghề nghiệp trong thời đại số.
Việc sử dụng Al trong báo chí phải đi đôi với việc đảm bảo tính minh bạch, chính xác và nhân văn của thông tin. Công nghệ là công cụ, con người chủ thể quyết định cách thức vận hành, kiểm soát và định hướng Al phục vụ lợi ích xã hội và cộng đồng.
Theo ông Lợi, AI mở ra những khả năng vượt bậc trong lĩnh vực truyền thông và báo chí. Việc nghiên cứu, ứng dụng và từng bước triển khai trí tuệ nhân tạo trong mô hình quản trị tòa soạn thông minh là hướng đi phù hợp, cần thiết và tất yếu.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, tòa soạn hiện nay không còn là một không gian vật lý cố định, mà trở thành nền tảng số linh hoạt, nơi mọi khâu trong quy trình làm báo - từ thu thập, xử lý, sản xuất đến phân phối nội dung - đều được số hóa, tự động hóa và tối ưu hóa nhờ các công nghệ hiện đại như AI, Big Data, Cloud Computing, Blockchain. IoT. AI không thay thế con người, mà hỗ trợ nhà báo làm việc nhanh hơn, chính xác hơn, sâu sắc hơn và gần gũi hơn với độc giả.

Theo PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị, chuyển đổi số báo chí trở thành xu thế tất yếu ở tất cả cơ quan báo chí. Tuy nhiên, quá trình này không dễ dàng do yêu cầu cao về công nghệ, nguồn nhân lực cũng như sự thay đổi trong tư duy vận hành. Theo ông, nội dung hay là chưa đủ, báo chí hiện đại cần tạo ra trải nghiệm số hóa mới mẻ, tương tác hơn với độc giả.
TS. Lê Anh Văn, Giám đốc nền tảng VNPT Generative AI, cho biết hiện có khoảng 25% cơ quan báo chí tại Việt Nam đã ứng dụng AI trong các hoạt động tòa soạn, đặc biệt ở khâu sản xuất nội dung. Khoảng 35% nhà báo sử dụng các công cụ số, trong đó có AI, trong tác nghiệp hàng ngày.
AI đang hỗ trợ mạnh mẽ từ khâu bóc băng phỏng vấn bằng công nghệ nhận diện giọng nói, biên tập tự động, định dạng văn bản, dịch thuật, kiểm lỗi, đến gợi ý tiêu đề và từ khóa SEO. Trong lĩnh vực marketing, AI giúp cải thiện hiệu suất tìm kiếm, tạo mô tả, cá nhân hóa nội dung và tăng doanh thu quảng cáo.
Tuy nhiên, ông Văn cũng cảnh báo rủi ro khi AI “bịa” thông tin. Nội dung do AI tạo ra có thể được trình bày rất thuyết phục nhưng lại không chính xác. Nếu không được kiểm duyệt kỹ lưỡng, điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cơ quan báo chí.

TS. Cao Minh Thắng, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông CDIT (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Bộ Khoa học và Công nghệ) đề xuất một số nguyên tắc ứng xử với nội dung do AI tạo ra. Thứ nhất, người sử dụng cần đảm bảo AI được huấn luyện từ nguồn thông tin có kiểm duyệt, chính thống. Thứ hai, nhà báo khi sử dụng Al cần tránh các kho dữ liệu bị thiên lệch hoặc chứa nhiều tin đồn. Con người vẫn cần đọc lại và kiểm tra ngữ cảnh, logic và áp dụng nguyên tắc: AI đề xuất - con người phê duyệt.
Trong bối cảnh cạnh tranh thông tin ngày càng khốc liệt, việc tận dụng AI là bước đi tất yếu để nâng cao chất lượng, tốc độ và tính cá nhân hóa trong hoạt động báo chí. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, AI cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là về đạo đức nghề nghiệp, quyền kiểm soát và tính xác thực của thông tin.
Điều quan trọng nhất vẫn là giữ vững bản lĩnh người làm báo: lấy sự thật làm nền tảng, lấy bạn đọc làm trung tâm và lấy công nghệ làm công cụ hỗ trợ – không phải thay thế.