Thúc đẩy tài trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Góc nhìn từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

16/05/2025 - 15:10
(Bankviet.com) Bài viết tìm hiểu thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2024, cùng những chính sách hỗ trợ của ngành Ngân hàng dưới góc nhìn của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ, thúc đẩy khả năng tiếp cận vốn tín dụng của đối tượng doanh nghiệp này.

Tóm tắt: Tại Việt Nam hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm đến gần 98% tổng số doanh nghiệp của cả nước. DNNVV có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện thu nhập cho người lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước và tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, khu vực này vẫn gặp nhiều khó khăn thách thức để có thể phát triển thực chất, bền vững, trong đó có các vướng mắc, rào cản liên quan đến tiếp cận vốn, nhất là nguồn vốn tín dụng. Bài viết tìm hiểu thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2024, cùng những chính sách hỗ trợ của ngành Ngân hàng dưới góc nhìn của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ, thúc đẩy khả năng tiếp cận vốn tín dụng của đối tượng doanh nghiệp này.

Từ khóa: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp cận vốn, tín dụng ngân hàng

Promoting financing for small and medium enterprises: A view from the Vietnam Banks Association

Abstract: At present, small and medium-sized enterprises (SMEs) account for nearly 98% of the total number of enterprises in Vietnam. SMEs play an important role in job creation, poverty reduction, improving workers' income, contributing to the state budget and economic growth. However, this sector still faces many difficulties and challenges, including obstacles and barriers related to capital accessibility, especially credit capital. The article explores the current situation of Vietnamese enterprises in 2024, along with supporting policies of the banking sector from the perspective of the Vietnam Banks Association, thereby proposing a number of solutions to remove obstacles and promote access to credit capital for this group of enterprises.

Keywords: Small and medium enterprises, capital access, bank credit

1. Thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp năm 2024 và các chính sách hỗ trợ của ngành Ngân hàng

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối năm 2024, cả nước có 940.078 doanh nghiệp đang hoạt động (tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa (chiếm đến 98%), các doanh nghiệp lớn chỉ chiếm khoảng 2%. Số doanh nghiệp thành lập mới là 157.240 doanh nghiệp, giảm 1,39% so với cùng kỳ năm 2023; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động năm 2024 đạt 76.179 doanh nghiệp.

Mặc dù chiếm tỷ trọng gần 98% tổng số doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chỉ có tổng nguồn vốn 16,6 triệu tỷ đồng, chiếm chưa đến 30% tổng nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Dư nợ tín dụng cho DNNVV năm 2024 chỉ đạt gần 17,6%.

DNNVV có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện thu nhập cho người lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước và tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, khu vực này vẫn gặp nhiều khó khăn thách thức, để phát triển thực chất, bền vững, trong đó có các vướng mắc, rào cản liên quan đến tiếp cận vốn, nhất là nguồn vốn tín dụng, điều này đòi hỏi phải tiếp tục có các giải pháp để tháo gỡ, thúc đẩy khả năng tiếp cận vốn tín dụng của đối tượng doanh nghiệp này.

00000000000000000000000010.jpg
Thời gian qua, cơ chế chính sách về tín dụng và hỗ trợ tín dụng cho các DNNVV luôn đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi tiếp cận vốn tín dụng

Tại Việt Nam, thời gian qua, cơ chế chính sách về tín dụng và hỗ trợ tín dụng cho các DNNVV luôn đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi tiếp cận vốn tín dụng như:

- DNNVV là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng, theo đó được các TCTD ưu tiên bố trí nguồn vốn cho vay, được vay vốn ngắn hạn bằng VND với lãi suất thấp hơn lãi suất các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường (hiện nay là 4%/năm) khi khách hàng có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.

- DNNVV là đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi như:

+ Chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP; Chính sách cho vay phát triển công nghiệp hỗ trợ theo Nghị định 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ; Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm, thủy sản (lãi suất thấp hơn từ 1% - 2%/năm); Chương trình cho vay liên kết thực hiện Đề án 01 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long (lãi suất thấp hơn 1%); Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ (hiện số vốn đăng ký đã trên 145 nghìn tỷ đồng)…

+ Chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước tại Ngân hàng Chính sách xã hội: Cho vay giải quyết việc làm từ Quỹ Quốc gia việc làm, Cho vay thương nhân vùng khó khăn, ...

+ Chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khi gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng bởi bão lũ, thiên tai, dịch bệnh thời gian qua.

- Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước triển khai các giải pháp tạo thuận lợi tiếp cận tín dụng cho DNNVV: (i) Điều hành lãi suất giảm dần, chỉ đạo TCTD giảm mặt bằng lãi suất cho vay; (ii) Đổi mới công tác điều hành tín dụng theo hướng giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm để các TCTD chủ động đáp ứng vốn cho nền kinh tế; (iii) Hoàn thiện các cơ chế cấp tín dụng của TCTD đối với khách hàng, trong đó có đối tượng là DNNVV, nhất là các văn bản hướng dẫn Luật Các TCTD năm 2024; (iv) Ban hành 16 văn bản chỉ đạo công tác tín dụng, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng; (v) Tổ chức nhiều Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại Trung ương và các địa phương; (vi) Yêu cầu TCTD tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng phù hợp từng loại hình, nhu cầu sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Đến ngày 31/12/2024, có 100 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng đối với DNNVV đạt 2.746.308 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2023 (cuối năm 2023 tăng 13,52%), chiếm 17,6% dư nợ nền kinh tế, có 208.992 DNNVV còn dư nợ. Đến cuối tháng 1/2025, dư nợ DNNVV đạt 2.751.845 tỷ đồng, tăng 0,2% so với cuối năm 2024 (các năm trước đây dư nợ đối với DNNVV các tháng đầu năm đều tăng trưởng âm).

2. Khó khăn, vướng mắc của DNNVV tiếp cận nguồn vốn ngân hàng

Về phía các DNNVV:

- Hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNVV chịu ảnh hưởng lớn bởi khó khăn chung của nền kinh tế và ảnh hưởng bởi tác động tiêu cực của dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu. Nguồn lực của doanh nghiệp bị cạn kiệt dẫn tới việc các doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng.

- Nhiều DNNVV có tài sản thế chấp gặp vướng mắc pháp lý, chưa có giấy chứng nhận, quy hoạch treo, tranh chấp…, dẫn đến không đáp ứng được điều kiện vay vốn.

- Các DNNVV là đối tượng được ưu tiên áp dụng chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn, nhưng để được tiếp cận chính sách ưu tiên theo quy định, DNNVV phải đáp ứng được điều kiện về tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh. Tuy nhiên, hầu hết DNNVV hiện nay không đáp ứng được các điều kiện trên. Phần lớn DNNVV có quy mô nhỏ, năng lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, số liệu tài chính thiếu minh bạch, chính xác, chứng từ kế toán không đáp ứng các chuẩn mực theo quy định nên ngân hàng khó xem xét cấp tín dụng...

- Sức cạnh tranh DNNVV chưa cao, chưa có nhiều doanh nghiệp có đủ khả năng tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việc tiếp cận thông tin cũng như khả năng nắm bắt cơ hội thị trường hạn chế.

Về phía các TCTD:

- Các TCTD không thể tự ý hạ tiêu chuẩn, giảm các quy định, điều kiện cho vay, mà vẫn phải theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quản trị rủi ro, an toàn hệ thống. Đặc biệt, trong bối cảnh thực hiện quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại hoạt động ngân hàng, các TCTD đang ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch.

- Mặc dù các TCTD đã giảm lãi suất cho vay, song tốc độ tăng trưởng tín dụng tại các TCTD chưa cao, cùng với khó khăn từ thị trường vốn và thị trường bất động sản dẫn đến chất lượng tài sản ngân hàng suy giảm, nợ xấu tăng.

- Trong khi đó, việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ gặp nhiều vướng mắc, nhiều khách hàng bất hợp tác, cá biệt có hiện tượng lập nhóm bùng nợ tràn lan trên mạng xã hội kêu gọi không trả nợ, nhất là nhóm khách hàng vay tiêu dùng. Việc xử lý nợ thông qua thủ tục tố tụng mất rất nhiều thời gian, chi phí và không có hiệu quả.

- Việc triển khai một số chương trình tín dụng ưu đãi đặc thù (như gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực bất động sản, gói 120.000 tỷ đồng tín dụng tiêu dùng) còn nhiều khó khăn.

- Việc tiếp cận thông tin về các DNNVV còn hạn chế do hiện nay các TCTD chủ yếu khai thác thông tin thông qua việc tìm hiểu trực tiếp doanh nghiệp và qua Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC), chưa khai thác được tối đa các thông tin từ các hiệp hội, ngành nghề, cơ quan thuế, cơ quan hải quan...

- Bên cạnh đó là các rủi ro tội phạm công nghệ liên quan tới quá trình chuyển đổi số do ứng dụng công nghệ trong giao dịch và quản lý thông tin, dữ liệu khiến ngân hàng trở thành đối tượng chú ý của tội phạm công nghệ với quy mô và mức độ ngày càng tinh vi hơn, phức tạp…

3. Vai trò của Hiệp hội Ngân hàng việt nam trong việc thúc đẩy tài trợ vốn cho DNNVV

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các DNNVV tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, thời gian qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tích cực triển khai các giải pháp sau:

- Tham gia phản biện, đưa ra các ý kiến đóng góp cho các dự thảo văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động cấp tín dụng, các chính sách liên quan đến doanh nghiệp, giúp các cơ quan quản lý nhà nước có cái nhìn toàn diện và khách quan để từ đó ban hành các chính sách này phù hợp với thực tiễn hoạt động ngân hàng và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nói chung và DNNVV trong việc tiếp cận vốn.

- Tham gia các hội thảo, diễn đàn để tham luận, thảo luận về các vấn đề liên quan đến tài trợ vốn cho DNNVV, đồng thời đưa ra các kiến nghị, đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước, với các TCTD và các DNNVV.

- Kêu gọi các TCTD hội viên trên cơ sở cân đối nguồn lực tài chính xem xét giảm lãi suất cho vay, đồng thời xem xét giảm phí, lệ phí và các dịch vụ khác… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo đúng chủ trương, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.

- Khuyến khích các ngân hàng phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính mới, phù hợp với đặc thù của DNNVV, như cho vay tín chấp, cho vay theo chuỗi giá trị, cho vay dựa trên nền tảng công nghệ.

000000000000000000000000xxxx.jpg
Khuyến khích các ngân hàng phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính mới, phù hợp với đặc thù của DNNVV

- Cung cấp thông tin về các sản phẩm, dịch vụ tài chính của các TCTD trên các phương tiện truyền thông của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, Website, Facebook,…) phù hợp với DNNVV, giúp họ có sự lựa chọn tốt nhất.

- Tạo điều kiện để các ngân hàng và các công ty Fintech hợp tác, phát triển các giải pháp tài chính số, giúp DNNVV tiếp cận vốn nhanh chóng và thuận tiện hơn.

- Tăng cường hợp tác giữa các TCTD thành viên và các hiệp hội doanh nghiệp, tạo ra một hệ sinh thái tài chính hỗ trợ DNNVV hiệu quả.

- Thúc đẩy hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các nước có nền kinh tế phát triển, áp dụng các mô hình tài chính tiên tiến vào Việt Nam.

4. Đề xuất, kiến nghị

Nhằm tháo gỡ những rào cản, giúp DNNVV tiếp cận vốn tín dụng hiệu quả để mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, việc thiết lập, xây dựng một hệ thống giải pháp phản ứng chính sách phù hợp, mạnh mẽ cho các DNNVV là điều cần thiết, trong đó một số giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới gồm:

4.1. Đối với Chính phủ:

- Tăng cường phối hợp chính sách, cải thiện môi trường đầu tư (thuế, hải quan, thủ tục hành chính…), tạo lập thị trường ổn định cho các DNNVV hoạt động.

- Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương:

+ Đề xuất chính sách kích cầu tiêu dùng đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, tiêu thụ hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết hàng tồn kho, làm động lực kích thích sản xuất phát triển, tăng cường hấp thụ vốn của nền kinh tế.

+ Hỗ trợ các DNNVV về thông tin thị trường trong và ngoài nước, thông lệ quốc tế và pháp luật có liên quan đến giao dịch thương mại, các biện pháp xúc tiến thương mại, khuyến khích xuất khẩu hàng hóa.

+ Có chính sách trợ giúp các DNNVV nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, xây dựng các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng được thuận lợi.

4.2. Đối với Bộ Tài chính:

- Chỉ đạo Quỹ Phát triển DNNVV tích cực triển khai hoạt động cho vay trực tiếp đối với DNNVV, tạo thêm kênh cung ứng vốn cho DNNVV.

- Rà soát, đánh giá các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Nghị định số 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV theo hướng tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn trong hoạt động của các Quỹ Bảo lãnh DNNVV hiện nay, xem xét xây dựng cơ chế tạo nguồn quỹ dự phòng rủi ro của Quỹ, đảm bảo khi xảy ra rủi ro Quỹ có khả năng xử lý mà vẫn bảo toàn vốn điều lệ.

- Sớm nâng cấp Cổng thông tin quốc gia về hỗ trợ DNNVV, tích hợp với cổng thông tin DNNVV của ASEAN và của các bộ, ngành (Thuế, Hải quan…) tạo cơ sở hình thành kho dữ liệu về DNNVV, giúp các TCTD giảm thời gian thu thập thông tin và thẩm định cho vay đối với DNNVV.

4.3. Đối với Ngân hàng Nhà nước:

- Tiếp tục nghiên cứu, triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từ đó tăng cường sự tham gia phát triển sản xuất kinh doanh của DNNVV.

- Tích cực hoàn thiện chính sách về xử lý nợ xấu và triển khai các giải pháp phòng ngừa nợ xấu gia tăng.

- Chỉ đạo các TCTD tăng cường tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, các ngành nghề tiềm năng có tính lan tỏa cao, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội; Khuyến khích các TCTD mở rộng mạng lưới hoạt động ở những nơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

- Tiếp tục triển khai các chương trình cho vay liên kết, chuỗi cung ứng; Tích cực triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng với chính quyền các địa phương trực tiếp tháo gỡ đồng bộ những khó khăn, vướng mắc của DNNVV.

4.4. Đối với UBND các tỉnh, thành phố

- Tiếp tục phối hợp với ngành Ngân hàng tích cực triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để nắm bắt và xử lý kịp thời các khó khăn của người dân, doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng.

- Đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất, thủ tục giao dịch bảo đảm và các thủ tục hành chính liên quan nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong quan hệ với ngân hàng.

- Quan tâm cấp vốn và đẩy nhanh việc kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Quỹ bảo lãnh cho DNNVV tại địa phương.

4.5. Đối với các TCTD:

- Rà soát, đẩy mạnh cho vay các gói tín dụng, mở rộng các kênh bán hàng và kênh liên kết với đối tác; thiết kế các sản phẩm cho vay đặc thù phù hợp với đối tượng khách hàng là DNNVV theo từng nhóm ngành nghề để từ đó có các giải pháp đáp ứng yêu cầu khách hàng một cách linh hoạt.

- Để khắc phục khó khăn đối với DNNVV luôn thiếu tài sản bảo đảm khi muốn tiếp cận nguồn tín dụng, TCTD nghiên cứu áp dụng linh hoạt điều kiện tài sản bảo đảm cho từng nhóm đối tượng khách hàng DNNVV, cho vay theo chuỗi cung ứng dựa trên uy tín và mức độ rủi ro của một doanh nghiệp trung tâm (khách hàng lớn và truyền thống của ngân hàng). Với cách thức này có thể giúp DNNVV khắc phục được khó khăn khi thiếu tài sản bảo đảm – một trong những vướng mắc lớn nhất của các DNNVV hiện nay.

0000000000000000000000001.jpg
TCTD nghiên cứu áp dụng linh hoạt điều kiện tài sản bảo đảm cho từng nhóm đối tượng khách hàng DNNVV, cho vay theo chuỗi cung ứng dựa trên uy tín và mức độ rủi ro của một DN trung tâm

- Tiếp tục tái cơ cấu, hoàn thiện và kiện toàn tổ chức, giảm thiểu chi phí và thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục cho vay, yêu cầu cung cấp các thông tin phù hợp với thực tế và có tư vấn, hướng dẫn chi tiết để các DNNVV có thể nắm bắt và thực hiện được. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, từng bước ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn vào quản lý các hoạt động của TCTD, từ đó giúp TCTD có thể nắm bắt được thông tin về hoạt động kinh doanh của DNNVV có hiệu quả không, đồng thời kịp thời đánh giá chính xác được mức độ tín dụng của khách hàng.

- Tiếp tục kiểm soát chất lượng, hiệu quả tín dụng, đẩy mạnh triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm giảm nợ xấu, đảm bảo kiểm soát và hạn chế phát sinh nợ xấu mới.

- Chú trọng công tác thông tin truyền thông để thu hút và xây dựng mối quan hệ hợp tác tốt đẹp, chặt chẽ và lâu dài giữa TCTD và khách hàng là các DNNVV.

- Đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát nội bộ đi đôi với đào tạo, nâng cao chất lượng để có nguồn nhân lực đảm bảo năng lực thẩm định cho vay ngày càng vững vàng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của TCTD và khách hàng, giảm thiểu rủi ro đạo đức kinh doanh.

4.6. Đối với các DNNVV:

- Thực hiện quyết liệt tái cơ cấu cả về chiến lược, cơ cấu tổ chức, hoạt động, tài chính và quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng về tài sản, minh bạch tài chính và thông tin hoạt động, làm cơ sở để các TCTD thẩm định cho vay.

- Cần lựa chọn các phương án kinh doanh hiệu quả, tập trung vào những lĩnh vực khai thác được lợi thế so sánh của doanh nghiệp, đồng thời thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung đầu tư để nâng cấp công nghệ lõi, đầu tư và ứng dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến; Chú trọng tăng cường năng lực quản trị công nghệ, tạo dựng nền tảng phát triển mạnh các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, hiệu quả.

- Chủ động tiếp cận thông tin về các gói tín dụng, quy định về vay vốn; Nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật, quy chế cho vay; Tăng cường mở rộng hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

- Chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, mở rộng các kênh phân phối, bán hàng, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh; Tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất lao động

- Củng cố, tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ nhân viên, phát triển văn hóa doanh nghiệp.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số tháng 4 năm 2025

TS. Nguyễn Quốc Hùng

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ