Áp dụng chính sách thương mại linh hoạt – chủ động để giảm thách thức thuế quan mới từ Hoa Kỳ

13/05/2025 - 10:27
(Bankviet.com) Trong bối cảnh Hoa Kỳ gia tăng thuế nhập khẩu, Việt Nam cần có chính sách thương mại linh hoạt – chủ động – chuẩn hóa, vừa bảo vệ lợi ích quốc gia, vừa giữ được sự ổn định trong quan hệ với cả Hoa Kỳ, cũng như các đối tác thương mại trong khu vực và trên thế giới.

Đó là chia sẻ của ông Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) tại Diễn đàn hợp tác kinh doanh Việt Nam - Hàn Quốc, diễn ra ngày 9/5. Theo ông Phan Hữu Thắng, chính sách thuế quan đối ứng mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bất ngờ tuyên bố hôm 2/4/2025 đã gây ra cú sốc khắp thế giới, không chỉ ảnh hưởng mạnh mẽ đến các đối tác lớn như Trung Quốc, EU, mà còn tác động dây chuyền đến nhiều quốc gia khác có liên kết chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Việc Hoa Kỳ gia tăng hoặc điều chỉnh thuế quan đối ứng gây ra những thay đổi lớn trong dòng chảy thương mại, đầu tư và cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu.

z6584262486156_ade365921501795022dc25e0fd0db53a.jpg
Các diễn giả tham gia phiên thảo luận tại diễn đàn

Hướng về một kết quả đàm phán tốt đẹp, công bằng với Hoa Kỳ

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Phan Hữu Thắng cho biết, trước chính sách thuế đối ứng mới của Hoa Kỳ, Việt Nam đã vào cuộc một cách rất kịp thời và chủ động. Từ các nhà lãnh đạo đất nước, tinh thần nhất quán được thể hiện là Việt Nam luôn có sự tôn trọng và cầu thị trong ngoại giao kinh tế, đặc biệt là trong mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ.

Đồng thời, Việt Nam vẫn đang rất tích cực trong trao đổi với phía Hoa Kỳ về các biện pháp để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, hướng đến thương mại công bằng, bền vững, hài hòa lợi ích của các bên. “Chính phủ Việt Nam đang rất tích cực thực hiện những giải pháp cần thiết để giải quyết với phía Hoa kỳ, trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, ông Phan Hữu Thắng cho biết.

Cụ thể, một mặt Việt Nam cơ bản đã và đang giải quyết những vấn đề quan tâm của phía Hoa Kỳ, đặc biệt là chủ động giảm 23 dòng thuế nhập khẩu (nhiều dòng thuế có thuế suất 0%, hoặc thấp hơn mức thuế quan Hoa Kỳ áp với Việt Nam), tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Mặt khác, nỗ lực thúc đẩy cân bằng cán cân thương mại hai nước thông qua các hợp đồng mua hàng hóa từ Hoa Kỳ.

Đồng thời, lắng nghe ý kiến tham vấn từ các doanh nghiệp; giảm thuế đối với một số nhóm mặt hàng, ngành hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam, rà soát để xem xét, gỡ bỏ các rào cản kỹ thuật; ứng phó với vấn đề chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; tăng cường nhập khẩu hàng hóa xuất xứ từ Hoa Kỳ… Hàng loạt biện pháp Việt Nam đã và đang tích cực triển khai nhằm sớm tìm được tiếng nói chung trong giải quyết vấn đề áp thuế nhập khẩu hàng hóa. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty từ Hoa Kỳ tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam…

Những nỗ lực ngoại giao kinh tế của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đang hướng về một kết quả đàm phán tốt đẹp, công bằng, hài hòa với lợi ích của hai nước – hai Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ với gần 30 năm cùng xây dựng quan hệ ngoại giao tốt đẹp.

Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, hướng đến thương mại công bằng, bền vững, hài hòa lợi ích của các bên

Trước những thách thức từ thị trường Hoa Kỳ, ông Phan Hữu Thắng “hiến kế” chính sách của Việt Nam trước việc Hoa Kỳ có thể áp thuế cao tập trung vào 3 mục tiêu chiến lược chính, cụ thể:

Thứ nhất, duy trì quan hệ kinh tế – thương mại ổn định với Hoa Kỳ. Điều này bao gồm việc tăng cường đối thoại song phương để minh bạch hóa nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tránh bị hiểu lầm là “lẩn tránh thuế”. Việt Nam cam kết tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc xuất xứ và các chuẩn mực về lao động, môi trường theo yêu cầu từ phía Hoa Kỳ. Đồng thời, Việt Nam sẽ tích cực phản biện qua kênh WTO nếu các biện pháp của Mỹ vi phạm luật thương mại quốc tế.

Thứ hai, nâng cao năng lực cạnh tranh nội tại. Đây là yếu tố then chốt. Chúng ta đang đẩy mạnh chuyển đổi công nghệ, số hóa và xanh hóa sản xuất nhằm tăng giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu. Mục tiêu là hạn chế sự phụ thuộc vào gia công, tiến tới sản xuất những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, có khả năng đứng vững dưới thương hiệu Việt.

Thứ ba, đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng. Việt Nam tích cực thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết như CPTPP, EVFTA, RCEP để mở rộng khả năng tiếp cận các thị trường khác ngoài Mỹ. Đồng thời, Việt Nam cũng mở rộng hợp tác với các quốc gia và khu vực, như Nhật Bản, Ấn Độ, châu Âu, và các nước ASEAN nhằm giảm thiểu rủi ro do tập trung vào một thị trường.

Ngoài ra, tiếp tục mở rộng quan hệ thương mại với các quốc gia, khu vực, đặc biệt là các đối tác lớn khác trong khu vực như Hàn Quốc và Trung Quốc. Ví như với Hàn Quốc - một trong những Đối tác Chiến lược toàn diện của Việt Nam, Chủ tịch VIPFA nhìn thấy nhiều tiềm năng hợp tác để cùng ứng phó với các thách thức thương mại và Hàn Quốc có thể đóng vai trò “cầu nối” chính sách thương mại với Mỹ, hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các thị trường cao cấp.

Đồng thời, Việt Nam và Hàn Quốc cùng thúc đẩy đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá lớn vào Mỹ, cũng như tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà hai nước cùng tham gia như CPTPP, RCEP, EVFTA… để tìm đầu ra thay thế.

Còn với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam chủ trương chủ động cân bằng cán cân thương mại, tăng tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh như nông sản, thực phẩm chế biến, công nghiệp nhẹ sang thị trường Trung Quốc. Thúc đẩy hợp tác biên mậu theo hướng quy chuẩn hóa, hiện đại hóa, giảm lệ thuộc vào các kênh thương mại “phi chính thức để đảm bảo tính bền vững và minh bạch.

“Trong bối cảnh Hoa Kỳ gia tăng thuế nhập khẩu, Việt Nam cần có chính sách thương mại linh hoạt – chủ động – chuẩn hóa, vừa bảo vệ lợi ích quốc gia, vừa giữ được sự ổn định trong quan hệ với cả Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc – 3 đối tác chiến lược then chốt”, ông Phan Hữu Thắng nhấn mạnh.

Đoàn Hằng

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ