Chiến lược kinh tế Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump

13/05/2025 - 12:26
(Bankviet.com) Ngày 20/1/2025, Tổng thống Donald Trump đã nhậm chức chính thức cương vị Tổng thống thứ 47 của Mỹ. Đây là nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông, sau nhiệm kỳ thứ nhất, Tổng thống thứ 45 của Mỹ (2017-2020). Bài viết tìm hiểu những nét chính về chiến lược kinh tế trong nhiệm kỳ thứ hai này của Tổng thống Donald Trump.
tac-dong-thue-quan-trump-2.0.png
Chiến lược kinh tế Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Sự thay đổi trong chính sách kinh tế Mỹ trong nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Trump

Sau khi đắc cử tổng thống Mỹ, Tổng thống Donald Trump vẫn kiên trì với mục tiêu nước Mỹ trên hết. Có thể tóm lược lại cách tiếp cận để đạt đến mục tiêu trên thông qua 4 nhóm biện pháp tác động trực tiếp vào 4 yếu tố quan trọng cấu thành nên tổng cầu của nền kinh tế Mỹ.

Trước hết, đối với biến số tiêu dùng, các biện pháp của Tổng thống Trump thực hiện bao gồm: Giảm nhập cư bất hợp pháp, điều này sẽ làm giảm cung lao động và tăng giá dịch vụ, tăng lạm phát; Gia hạn các điều khoản từ đạo luật cắt giảm thuế và việc làm (TCJA) dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng; Giảm cung hàng hóa do giảm nhập khẩu hàng hóa trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ có thể thúc đẩy giá hàng hóa lên cao, điều này có thể làm gia tăng lạm phát. Tất cả các biện pháp này hướng đến mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy chuyển sang tiêu dùng hàng nội địa, từ đó hướng tới thúc đẩy sản xuất trong nước.

Đối với biến số đầu tư, các biện pháp tập trung vào thúc đẩy sản xuất kinh doanh, gia tăng năng suất như tăng cường các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A), thúc đẩy gia tăng năng suất nhờ sự phát triển của AI, công nghệ. Đối với chi tiêu Chính phủ, chính quyền mới sẽ tập trung giảm chi lãng phí, tăng độ hiệu quả của chi tiêu chính phủ bằng cách cắt giảm các khoản chi không hiệu quả trong chi thường xuyên như chi lương, chi cho hoạt động quân sự; tăng chi đầu tư phát triển trong các lĩnh vực AI, công nghệ; gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng; gia tăng chi tiêu chính phủ thông qua các chính sách giảm thuế.

Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, chính quyền mới đặt mục tiêu giảm thâm hụt thương mại, đem sản xuất trở lại Mỹ và tạo ra một môi trường thương mại công bằng hơn cho nước Mỹ bằng cách gia tăng các biện pháp thuế quan. Không những thế, thuế quan sẽ được xem như một công cụ đàm phán để đạt được các mục tiêu chính trị của Tổng thống Trump, các chính sách thuế sẽ có mục tiêu khác nhau giữa các quốc gia.

Trong khi những chính sách tác động đến các cấu phần như tiêu dùng, đầu tư, chi tiêu Chính phủ vẫn còn chưa rõ ràng, thì trong gần 4 tháng đầu nắm quyền, chính quyền mới đang thể hiện sự thay đổi rõ rệt trong các chính sách thương mại, tập trung vào các biện pháp thuế quan. Chỉ trong 4 tháng đầu năm đã diễn ra hàng loạt các diễn biến mới liên quan đến thuế quan giữa Mỹ và các quốc gia khác có mức thâm hụt cao với Mỹ.

Đáng chú ý nhất là vào ngày 2/4/2025, Tổng thống Donald Trump công bố sắc lệnh áp dụng thuế đối ứng với 180 nền kinh tế. Theo đó, một mức thuế 10% sẽ được áp dụng chung cho tất cả các quốc gia từ ngày 5/4/2025. Các quốc gia có thâm hụt thương mại lớn nhất với Mỹ sẽ phải chịu mức thuế đối ứng cao hơn, có hiệu lực từ ngày 9/4/2025.

Mặc dù sau đó Tổng thống Mỹ đã tạm hoãn 90 ngày việc áp các mức thuế đối ứng để các quốc gia có thêm thời gian đàm phán một mức thuế hợp lý với Mỹ nhưng điều này cho thấy các chính sách thuế quan hiện nay sẽ được coi như một công cụ để đàm phán giữa Mỹ và các quốc gia khác chứ không hoàn toàn mang nghĩa làm gia tăng các căng thẳng thương mại.

Chiến lược kinh tế trong nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Trump

Với sự thay đổi trong các nhóm chính sách kinh tế theo định hướng như trên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế Mỹ dự kiến sẽ trải qua 2 giai đoạn tăng trưởng khác nhau, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của chính quyền đương nhiệm trong từng thời kỳ, cụ thể như sau:

Trong giai đoạn đầu (có thể diễn ra trong 1 năm rưỡi đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, trước khi diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của chính quyền đương nhiệm), ưu tiên chính sách của Chính phủ sẽ là thực thi các thay đổi trong chính sách thương mại với trọng tâm là chính sách thuế quan, nâng cao vị thế của Mỹ trong đàm phán với các quốc gia khác thông qua thuế quan; thực thi cắt giảm chi tiêu công và tinh gọn chi thường xuyên; giảm tình trạng nhập cư nền kinh tế.

Với các chính sách này, Mỹ có thể phải đối mặt với những tổn thất ngắn hạn. Trước hết, sự gia tăng thuế quan sẽ khiến cho thương chiến giai đoạn đầu mở rộng, từ đó làm gia tăng nguy cơ lạm phát trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, việc Mỹ thắt chặt chi đầu tư công, tinh gọn chi thường xuyên sẽ làm giảm tốc tăng trưởng trong nửa đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Sự suy yếu của kinh tế Mỹ cũng sẽ làm giảm sức mạnh của đồng USD, cũng như có thể gây áp lực làm gia tăng lợi suất trên thị trường trái phiếu Chính phủ.

Mặc dù giai đoạn đầu nền kinh tế có thể đối mặt với nhiều tổn thất, nhưng chính quyền đương nhiệm kỳ vọng những kết quả tích cực sẽ đến trong giai đoạn tiếp theo (khoảng 2,5 đến 3 năm sau của nhiệm kỳ). Theo đó, Chính quyền kỳ vọng sau khi các cuộc đàm phán thương mại song phương đã đạt được các mục tiêu kinh tế và chính trị mong muốn như bảo vệ biên giới, gia tăng sản xuất nội địa,… giá hàng hoá sẽ bình ổn trở lại, lạm phát giảm xuống, tạo điều kiện cho Ngân hàng Dự trữ liên bang (FED) có thể hạ lãi suất hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, việc chính quyền Trump sẽ bắt tay vào thực hiện các cải cách nguồn cung như tăng cung năng lượng, giảm chi phí đầu vào, tăng đầu tư phát triển; đồng thời với các biện pháp tăng kích cầu đầu tư tiêu dùng thông qua giảm thuế, lúc này kinh tế Mỹ sẽ đạt lại vị thế của mình cả bình diện kinh tế lẫn chính trị.

Những khó khăn có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện chiến lược kinh tế của chính quyền đương nhiệm

Quá trình thực hiện chiến lược kinh tế như định hướng đề ra của chính quyền Tổng thống Trump có thể sẽ không thực sự suôn sẻ, đặc biệt trong bối cảnh sự bất định vĩ mô ngày càng gia tăng, bắt nguồn từ chính các thay đổi trong chính sách kinh tế. Dựa trên kết quả khảo sát từ các nhà kinh tế do Wall Street Journal thực hiện, chính sách thuế quan của chính quyền Trump đang gây ra những lo ngại về sự ổn định của nền kinh tế ở mức độ sâu sắc hơn so với các dự báo mà chính quyền đương nhiệm có thể lường trước. Theo khảo sát trên, ước tính trung bình cho thấy GDP Mỹ chỉ tăng 0,8% trong năm nay so với cùng kỳ năm trước, giảm mạnh so với mức dự báo 2% vào tháng 1 vừa qua. Đáng chú ý, các nhà kinh tế cũng đã tăng ước tính khả năng suy thoái trong 12 tháng tới lên 45%, tăng gấp đôi so với mức 22% được đưa ra vào tháng 1 năm nay.

tang-truong-gdp-thuc-te.png
Tăng trưởng GDP thực tế và GDP dự báo của Mỹ đang có xu hướng sụt giảm. (Nguồn: AFA Capital)

Bên cạnh sự suy giảm của tăng trưởng, các nhà kinh tế dự báo giá tiêu dùng sẽ tăng 3,6% vào tháng 12/2025 so với cùng kỳ năm trước, tăng so với mức 2,7% vào tháng 1. Điều này có thể gây áp lực lên FED trong việc đưa ra quyết định về lãi suất. Mặc dù các nhà kinh tế dự báo FED sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm 2025 và năm 2026, nhưng triển vọng này có thể bị ảnh hưởng bởi áp lực lạm phát. Ngoài ra, các nhà kinh tế cũng nâng dự báo trung bình về tỷ lệ thất nghiệp cuối năm nay lên 4,7% từ mức 4,3% vào tháng 1.

lam-phat.png
Lạm phát kỳ vọng tại Mỹ tăng cao nhất từ năm 2020. (Nguồn: AFA Capital)

Như vậy, nền kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ rơi vào nguy cơ đình lạm nếu chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục kiên trì với các chính sách thuế quan hiện hành. Không những thế, sự bất ổn trong kinh tế cũng kéo theo lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh trong khi đồng USD giảm giá. Điều đó khiến niềm tin của nhà đầu tư vào đồng USD suy giảm cũng như gây ra tình trạng bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ, từ đó tạo áp lực lên tình hình ổn định tài chính tại Mỹ.

dien-bien-lai-suat.png
Diễn biến lãi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 30 năm và tỷ giá USD index. (Nguồn: AFA Capital)

Cuối cùng, một điểm đáng chú ý là trong chiến lược kinh tế đã được xác định ở trên, việc đưa sản xuất về nội địa là một mục tiêu quan trọng của Mỹ nhằm tăng cường khả năng tự chủ, bảo vệ an ninh kinh tế và tạo thêm việc làm cho người dân. Tuy nhiên, con đường hiện thực hóa mục tiêu này còn nhiều rào cản, đặc biệt là về mặt chi phí cũng như nguồn nhân lực. Tại Mỹ, doanh nghiệp phải trả mức lương trung bình cao gấp nhiều lần, cộng với các chi phí bảo hiểm, thuế và quy định an toàn lao động khắt khe. Điều này dẫn đến chi phí tăng cao, khiến doanh nghiệp sản xuất tại Mỹ gặp khó khi cạnh tranh về giá với hàng hóa sản xuất ở nước ngoài. Ngoài ra, nước này cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề, đặc biệt trong các ngành công nghiệp chế tạo và kỹ thuật. Nhiều lao động trẻ có xu hướng chọn các ngành nghề dịch vụ, công nghệ hoặc tài chính, thay vì làm việc trong nhà máy sản xuất. Mặt khác, dù Mỹ có hệ thống hạ tầng giao thông và logistics hiện đại nhưng việc phục hồi sản xuất đòi hỏi đầu tư lớn vào cơ sở vật chất công nghiệp. Tái thiết toàn bộ chuỗi cung ứng trong nước sẽ mất nhiều năm và đòi hỏi đầu tư khổng lồ cả về tài chính lẫn công nghệ.

Ths. Nguyễn Thị Minh Ngọc

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ