Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có Công văn số 31/CV-VASEP gửi tới các bộ, ngành: Tài chính, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư; Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính và Tổng cục Thuế góp ý về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi và dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi.
Theo đó, với quy định mức thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ xuất khẩu, theo quy định tại Khoản 1, Điều 9 của dự thảo, tất cả các dịch vụ xuất khẩu sẽ áp dụng thuế giá trị gia tăng 10% ngoại trừ một số dịch vụ được quy định chi tiết tại khoản này.
Theo VASEP, quy định này chưa hợp lý, bởi theo thông lệ quốc tế, các quốc gia khác đều áp thuế suất 0% cho dịch vụ xuất khẩu và cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào. Đồng thời, các nước này thường áp dụng nguyên tắc doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm, cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm.
Việc áp thuế suất 10% cho dịch vụ xuất khẩu sẽ khiến doanh nghiệp gặp bất lợi |
"Việc đánh thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ xuất khẩu là không phù hợp với thông lệ, xu hướng của thế giới, tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu so với các nước", VASEP nêu rõ.
Bên cạnh đó, khi áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ xuất khẩu, các doanh nghiệp sản xuất hàng nội địa vẫn được khấu trừ. Thậm chí, thủ tục hoàn thuế sẽ càng đơn giản hơn vì được khấu trừ cho dịch vụ xuất khẩu. Cơ chế khấu trừ thuế này là rất tốt.
“Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp không thuộc đối tượng kê khai thuế, họ lại không có cơ chế được hoàn thuế. Vì vậy, việc áp dụng thuế đối với dịch vụ xuất khẩu gây ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp chế xuất và doanh nghiệp sản xuất hàng nội địa, bởi cùng là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xuất khẩu nhưng một bên được khấu trừ thuế đối với dịch vụ xuất khẩu, một bên không được khấu trừ. Đồng thời, khi áp dụng đối với doanh nghiệp chế xuất là sai với nguyên tắc thu thuế và đối tượng chịu thuế”, VASEP nêu bất cập.
Theo phân tích của Hiệp hội này, đối với các doanh nghiệp chế xuất, toàn bộ khoản thuế phải nộp sẽ phải tính vào chi phí. Điều này dẫn đến giá thành của sản phẩm xuất khẩu bị đội lên rất nhiều.
Kết quả dẫn đến doanh nghiệp chế xuất tại Việt Nam bị giảm sức cạnh tranh so với các đối thủ ở các quốc gia khác, giảm kim ngạch xuất khẩu. Từ đó không giữ chân được nhà đầu tư hiện tại cũng như không thu hút được nhà đầu tư mới do chính sách thuế bất lợi hơn các quốc gia khác.
Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế định hướng xuất khẩu. Từ giai đoạn đổi mới đến nay, xuất khẩu hàng hoá luôn là động lực tăng trưởng quan trọng của đất nước, với tốc độ tăng trung bình gần 15% mỗi năm.
“Kết quả này có được không thể không kể đến vai trò của việc đơn giản hóa thủ tục hải quan đối doanh nghiệp chế xuất bằng việc xem doanh nghiệp chế xuất là khu phi thuế quan, giúp doanh nghiệp giảm bớt quy trình, thủ tục hải quan, doanh nghiệp thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ với khối lượng lớn nhanh chóng. Đây là cơ chế ưu việt, cạnh tranh và rất tốt của Chính phủ Việt Nam về thu hút đầu tư so với nước khác. Do đó, áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ xuất khẩu không những giảm sự cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp chế xuất mà còn tạo thêm nhiều thủ tục về thuế cho doanh nghiệp chế xuất. Điều này cũng đi ngược lại với chính sách khuyến khích đầu tư, khuyến khích xuất khẩu và chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia của Chính phủ ”, VASEP nêu rõ.
Trước những bất cập kể trên, VASEP đề nghị giữ nguyên quy định về thuế cho dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% như quy định hiện hành. Đồng thời, giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp phân loại dịch vụ xuất khẩu và dịch vụ tiêu dùng trong nước.
Hà Linh