ATIGA - "cuộc chơi" của những doanh nghiệp sẵn sàng đón nhận cơ hội và thách thức

28/12/2023 - 22:27
(Bankviet.com) Trong khi một số doanh nghiệp mía đường tỏ ra lép vế trước áp lực “dỡ bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường” theo cam kết tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đang đến gần (1/1/2020) thì một số doanh nghiệp lại nhận thức rất rõ xu thế tất yếu này.
Chính sách cho ngành mía đường: Bài toán khó giải? Kỳ 2: Chính sách tại các nước khác trên thế giới Chính sách cho ngành mía đường: Bài toán khó giải? Kỳ 1: Chính sách tại các nước khu vực Đông Nam Á

Đầu tư vùng nguyên liệu: Cái gốc thành công của QNS

Cách đây 4 năm, trong chuyến đi thực tế về Nhà máy đường An Khê (Gia Lai), thuộc Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi (QNS), liên quan đến hội nhập quốc tế của ngành mía đường, ông Nguyễn Văn Hòe - Giám đốc Nhà máy đường An Khê - khi đó đã thẳng thắn chia sẻ với chúng tôi: “Khi hội nhập, cơ hội và thách thức phát triển đan xen. Muốn hội nhập thành công, không có con đường nào khác là doanh nghiệp mía đường phải nâng cao năng lực cạnh tranh. QNS đã xác định, nguyên liệu là cái gốc của ngành mía đường Việt Nam, muốn nâng cao được năng lực cạnh tranh, trước tiên phải đầu tư cho vùng nguyên liệu”.

atiga cuoc choi cua nhung doanh nghiep san sang don nhan co hoi va thach thuc
Cơ giới hóa trồng mía tại vùng nguyên liệu Nhà máy đường An Khê - QNS

Lý do khiến QNS xác định như vậy là bởi, người nông dân trồng mía ở Việt Nam vẫn chủ yếu canh tác thủ công, sản xuất lạc hậu dẫn đến chi phí cao, khiến giá mía nguyên liệu cao hơn Thái Lan và một số nước khác khoảng 30%, kéo theo giá thành sản xuất và giá đường thương mại của Việt Nam cao, khó cạnh tranh quốc tế. Để giảm giá thành nguyên liệu mía, ông Hòe khẳng định, chỉ còn cách là phải cơ giới hóa sản xuất, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng để nâng cao năng suất, chất lượng mía, giảm chi phí, cải thiện thu nhập cho nông dân.

Từ nhận thức đó, QNS đã vận động người nông dân dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất sản xuất mía theo mô hình cánh đồng lớn để QNS đầu tư máy móc, cung cấp dịch vụ làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch… bằng máy với giá cả hợp lý cho nông dân; đồng thời tăng cường đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng thông qua hỗ trợ vốn, cung cấp giống, vật tư, phân bón.., sau đó mới trừ vào tiền thu mua mía. Cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân với mức giá đôi bên đều chấp nhận được theo cơ chế thị trường.

Nhờ áp dụng mô hình cánh đồng lớn, năng suất mía đã tăng từ 50-60 tấn/ha lên 70-80 tấn/ha, chi phí sản xuất giảm, thu nhập từ trồng mía được cải thiện, bà con nông dân phía Đông tỉnh Gia Lai thuộc vùng nguyên liệu của Nhà máy đường An Khê đã không bỏ mía mà gắn bó với cây trồng này trong nhiều năm qua. Diện tích mía nguyên liệu của Nhà máy đường An Khê vì thế cũng ngày càng được mở rộng, từ khoảng 5.000 ha ban đầu, nay đã đạt khoảng gần 30.000 ha.

atiga cuoc choi cua nhung doanh nghiep san sang don nhan co hoi va thach thuc
Đưa mía nguyên liệu vào sản xuất tại Nhà máy đường An Khê - QNS

Song song với đầu tư cho vùng nguyên liệu, để phát huy lợi thế kinh tế về quy mô, tiết giảm chi phí chế biến, QNS đã đầu tư cải tiến công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng công suất Nhà máy đường An Khê từ 5.000 tấn mía/ngày ban đầu lên 10.000 tấn mía/ngày và hiện nay đã đạt công suất tới 18.000 tấn mía/ngày, trở thành nhà máy đường có công suất ép mía lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Theo cam kết ATIGA, Việt Nam phải xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ các nước ASEAN từ ngày 1/1/2018. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho phép lùi thời hạn thực hiện cam kết ATIGA 2 năm nhằm giúp các doanh nghiệp mía đường và người nông dân có thêm thời gian chuẩn bị để thích ứng, cam kết này sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020.

Cùng với đổi mới công nghệ, QNS đã tích cực đa dạng hóa sản phẩm, tận dụng phế phụ phẩm để phát triển các sản phẩm sau đường và bên cạnh đường, nhằm gia tăng giá trị cho chuỗi sản xuất. Điển hình là QNS đã đầu tư và đưa vào vận hành một nhà máy điện sinh khối bã mía có công suất 110 MW với vốn đầu tư lên đến 2.000 tỷ đồng, ngoài cung cấp điện cho Nhà máy đường An Khê hoạt động, sản lượng điện dư đã được bán lên lưới điện quốc gia.

Mới đây, chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Võ Thành Đàng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc QNS - đã tự tin khẳng định: “Công ty đang hướng tới mục tiêu trở thành nhà sản xuất hàng đầu, chiếm khoảng 30% tổng sản lượng đường trong nước để cung ứng ra thị trường”. Rõ ràng rằng, doanh nghiệp này đã sẵn sàng cho "cuộc chơi" ATIGA đang dần đến.

Củng cố nội lực: Bài học chủ động từ TTC

Khi mốc thời gian thực thi cam kết ATIGA đang ngày càng ngắn lại, nhiều doanh nghiệp mía đường than khó, kêu khổ với Nhà nước, mong muốn Chính phủ tiếp tục cho kéo dài thêm thời gian bảo hộ, thì ngoài QNS, còn có những doanh nghiệp khác, như Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) nhận thức rất rõ lộ trình thực thi cam kết ATIGA là khó có thể đảo ngược và họ đang chủ động củng cố nội lực để sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng trong “cuộc chơi” hội nhập.

atiga cuoc choi cua nhung doanh nghiep san sang don nhan co hoi va thach thuc
Hệ thống tưới mía cơ giới hóa tại Nông trường Thành Long - TTC Biên Hòa

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Hồng Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Biên Hòa) - cho rằng, ATIGA có hiệu lực là cơ hội cho doanh nghiệp đường Việt Nam tiếp cận thị trường ASEAN với qui mô 630 triệu dân và khoảng gần 120.000 doanh nghiệp đối tác. Song, thách thức với mía đường Việt Nam hiện nay là năng lực cạnh tranh còn thua kém các nước cả về giá cả, chất lượng, chính sách phát triển. Vấn đề này, các doanh nghiệp đường và Nhà nước cần nhìn nhận thẳng thắn để có các giải pháp xử lý phù hợp thì mía đường Việt Nam hội nhập mới không bị thua thiệt.

Ông Phạm Hồng Dương nhận định, TTC nhận thức là không có gì bền vững phát triển bằng việc cải tiến năng lực của mình và đã tiến hành cải tiến đồng bộ từ khâu nông nghiệp (sản xuất nguyên liệu mía), sản xuất đường (khâu công nghiệp) đến tiếp cận thị trường (phân phối lưu thông).

atiga cuoc choi cua nhung doanh nghiep san sang don nhan co hoi va thach thuc
Mỗi sản phẩm đều phải được kiểm định kỹ trước khâu sản xuất

Đối với khâu nông nghiệp, cũng như QNS, TTC đã đầu tư phát triển vùng mía nguyên liệu theo mô hình cánh đồng lớn, hướng nông dân ở Gia Lai và Phan Rang thuộc vùng nguyên liệu của TTC liên kết dồn điền, đổi thửa, tăng quy mô diện tích canh tác để áp dụng cơ giới hóa, tăng hiệu quả kinh tế, năng suất mía đã tăng từ 65 tấn/ha lên 85 tấn/ha. Đặc biệt, "mục sở thị" Nông trường Thành Long trực thuộc TTC Biên Hòa (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh), chúng tôi thực sự ấn tượng với những cách đồng mía lớn trải rộng hàng vài trăm ha, quy trình sản xuất, canh tác từ làm đất, trồng, chăm sóc, bón phân, tưới và thu hoạch 100% được áp dụng cơ giới hóa. Chị Nguyễn Thị Bích Chi - Trợ lý Chủ tịch, Công ty TNHH Hải Vi, đại diện Nông trường Thành Long - đưa ra con số: Năng suất mía tăng khoảng 20-30% so với sản xuất thủ công, đạt từ 75-80 tấn/ha, chất lượng mía (chữ đường - CCS) tăng lên, đạt từ 9,5-10 CCS.

Một thành viên của Ban Chấp hành Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, trong số các thành viên của VSSA hiện nay, một số doanh nghiệp khác như: Công ty Mía đường Việt Nam, Công ty Mía đường Lam Sơn… cũng có năng lực sản xuất, công nghệ… đủ khả năng có thể trụ vững và cạnh tranh phát triển trong bối cảnh thực thi cam kết ATIGA.

Hộ nông dân trồng mia Nguyễn Văn Chuốt - xã Thành Long, huyện Châu Thành - chia sẻ thêm: Trước đây, sản xuất mía thủ công, chi phí nhân công rất cao. Từ khi tham gia sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, sử dụng các dịch vụ làm đất, chăm bón, thu hoạch… bằng máy do Nông trường Thành Long cung cấp, chi phí sản xuất giảm 50%, thu nhập (lãi) từ mỗi ha mía tăng gấp đôi.

Đối với khâu chế biến, từ cách đây 3 năm, TTC đã tiến hành nâng công suất những nhà máy nhỏ từ 2.000-3.000 tấn mía/ngày lên ít nhất đạt 6.000 tấn mía/ngày để phát huy lợi thế kinh tế về quy mô và kết hợp đồng phát nhiệt điện. Ông Lê Đức Tồn - Giám đốc Nhà máy đường TTCS Tây Ninh (TTC Biên Hòa) - cho hay: Đây là nhà máy trọng điểm về phát triển mía đường của TTC, công nghệ đầu tư theo tiêu chuẩn châu Âu, công suất ép mía đạt 9.800 tấn mía/ngày, chất lượng sản phẩm đáp ứng đủ các tiêu chuẩn xuất khẩu. Dự kiến thời gian tới, nhà máy sẽ tiếp tục được nâng công suất để đạt sản lượng 300.000 tấn thành phẩm/năm (tương đương khoảng 1.000 tấn đường/ngày).

Từ nền tảng công nghệ hiện đại của các nhà máy, theo ông Phạm Hồng Dương, khi thực thi cam kết ATIGA, bên cạnh sản xuất đường từ mía, TTC có thể nhập khẩu đường thô với giá cạnh tranh từ các nước ASEAN về để tinh luyện đường.

atiga cuoc choi cua nhung doanh nghiep san sang don nhan co hoi va thach thuc
Đóng gói sản phẩm trước khi xuất xưởng

Ngoài ra, TTC đang chú trọng đa dạng hóa sản phẩm như sản xuất đường phèn, đường thiên nhiên, đường hữu cơ… bên cạnh đường tinh luyện cao cấp, nhằm phục vụ đa dạng nhu cầu thị trường. Tất cả các phế phụ phẩm từ sản xuất đường cũng đã được tận dụng để phát triển các sản phẩm khác nhằm gia tăng giá trị cho chuỗi sản xuất đường, trong đó bã mía đã được sử dụng vào việc đồng phát nhiệt - điện, bã bùn được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh (TTC đang đầu tư một nhà máy phân bón vi sinh từ bã bùn có công suất 50.000 tấn/năm).

Đối với khâu phân phối lưu thông, ngoài chú trọng khai thác thị trường các hộ sản xuất công nghiệp lớn (nước giải khát, thực phẩm, sữa, kem…) với phương châm cung ứng tốt nhất cho khách hàng cả về dịch vụ và chất lượng sản phẩm, giá cả, TTC cũng chú trọng khai thác mảng thị trường bán lẻ, bằng cách đưa ra những sản phẩm có chất lượng, khối lượng, mẫu mã, bao bì đa dạng.

Với nỗ lực cải tiến và củng cố năng lực nội tại, ông Phạm Hồng Dương khẳng định: “Mía đường của TTC nói chung và TTC Biên Hòa nói riêng, tự tin có đủ khả năng cạnh tranh, phát triển, hội nhập cùng khu vực ASEAN và thế giới”.

Ngọc Quỳnh - Cấn Dũng

Theo: Báo Công Thương