Bà Trương Mỹ Lan xin được bán rẻ tài sản để trả tiền cho trái chủ

25/09/2024 - 01:38
(Bankviet.com) Tại phiên tòa sáng 24/9, bị cáo Trương Mỹ Lan nêu nguyện vọng muốn bán rẻ một số dự án bất động sản để trả tiền cho trái chủ.
Xét xử bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm giai đoạn 2: Nhiều lời khai bất ngờ! Cách bà Trương Mỹ Lan ''rửa'' 445.748 tỷ; Khởi tố cựu PCT TP.HCM Nguyễn Thị Hồng TP. Hồ Chí Minh: Ngày mai xét xử bà Trương Mỹ Lan cùng 33 đồng phạm

Ngày 24/9, Toà án nhân dân TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 bị cáo trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB) và các đơn vị liên quan.

Liên quan đến sai phạm trong việc phát hành các gói trái phiếu khống, lừa bán cho 35.824 trái chủ chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, bị cáo Trương Mỹ Lan là người chi phối, chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; đưa ra chủ trương sử dụng các công ty thuộc tập đoàn để phát hành trái phiếu. Thực hiện việc này, bà Lan đã họp bàn với các nhân sự chủ chốt của Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, Công ty chứng khoán Tân Việt - TVSI chọn và sử dụng 4 công ty thuộc tập đoàn là: An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra phát hành 25 mã trái phiếu khống với tổng khối lượng 308.691 triệu trái phiếu để huy động vốn, chiếm đoạt tiền.

Bà Trương Mỹ Lan xin được bán rẻ tài sản để trả tiền cho trái chủ
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên toà. (Anh: Hoàng Triều)

Tuy nhiên, tại phiên toà hôm qua (23/9) bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát không có nhu cầu phát hành trái phiếu vì không liên quan đến lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Bị cáo Lan khai nhận, Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó Tổng giám đốc SCB) đề xuất Trương Mỹ Lan cho mượn các công ty để phát hành trái phiếu nhằm cứu Ngân hàng SCB đang gặp khó khăn. Nếu không cho mượn tài sản để phát hành trái phiếu thì SCB sẽ sập đổ hết.

Cũng theo bị cáo Trương Mỹ Lan, việc phát hành trái phiếu Công ty An Đông, Nguyễn Phương Hồng là người chủ động làm và nắm rõ hết, thủ tục được bàn với Nguyễn Tấn Thành. Số tiền phát hành trái phiếu, bản thân bị cáo Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát không sử dụng dòng tiền phát hành này.

"Dù không sử dụng tiền, giúp điều tra rõ ai là người ra chủ trương, nhưng bị cáo vẫn nhận trách nhiệm khắc phục hậu quả hằng ngày cho người dân", bà Trương Mỹ Lan nói.

Trong phiên toà sáng nay (ngày 24/9), bị cáo Trương Mỹ Lan khai, gia đình bà và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã nộp được hơn 386 tỷ đồng, và tiếp tục đề nghị tòa thu hồi hơn 17.000 tỷ đồng mà một số ngân hàng đã thụ hưởng - có nguồn gốc từ tiền phát hành trái phiếu.

"Việc thu hồi số tiền này có thể giúp khắc phục cho các trái chủ nhanh nhất. Còn nếu có phát sinh tranh chấp mà các tổ chức tín dụng này với Ngân hàng SCB thì tôi chịu trách nhiệm đứng ra giải quyết sau", bà Lan nói.

Cùng với đó, bị cáo Trương Mỹ Lan có nguyện vọng muốn sử dụng tài sản là các dự án bất động sản có giá trị lớn để khắc phục thiệt hại cho trái chủ, trong đó có dự án Amigo (khu tứ giác Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế - Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng tại quận 1).

Theo bị cáo Lan, đây là dự án đã đền bù suốt 30 năm qua và "chỉ còn khoảng mười mấy % nữa là hoàn tất, dự kiến sẽ là một công trình tầm cỡ quốc tế. Bị cáo đồng ý mang dự án Amigo ra để khắc phục hậu quả vụ án", bà Lan nói.

"Bấy lâu nay bị cáo tính số tiền bồi thường cũng đã được khoảng 40.000 tỷ đồng rồi, nhưng tiền chưa tới tay bị hại. Bị cáo không muốn người mua trái phiếu phải lo lắng nên đồng ý bán rẻ dự án để có tiền khắc phục cho trái chủ", bà Lan nói thêm.

Đối với tòa nhà Vietcombank (khu Công trường Mê Linh) trước đây có giá 2.000 tỷ đồng, nhưng theo bị cáo Lan hiện nay giảm chỉ còn khoảng một nửa và chấp nhận bán rẻ cho ngân hàng này. Thỏa thuận mua bán đã được thực hiện chỉ còn hoàn thiện thủ tục và chờ tiền về.

Một dự án khác theo bà Lan "rất có giá trị" đó là dự án 6A rộng khoảng 26ha tại khu Trung Sơn, huyện Bình Chánh đã được Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đền bù giải phóng mặt bằng 20 năm nay, chỉ còn khoảng một héc-ta.

"Trước đây nhiều đối tác đã tìm hỏi mua với giá 30.000-50.000 tỷ nhưng bị cáo không bán, cố gắng đợi hoàn thiện chút nữa. Nhưng giờ bị cáo không muốn người dân lo lắng nên chấp nhận bán rẻ”, bà Lan khai.

Ngoài ra, bà Lan cũng cho biết, tòa nhà 29 Liễu Giai - "tòa nhà đẹp nhất Hà Nội có giá trị một tỷ USD" và đang nợ ngân hàng nước ngoài 250 triệu USD. Hiện có người trả giá 330 triệu USD nhưng phải ưu tiên trả nợ cho ngân hàng nước ngoài nên cũng không còn được bao nhiêu. "Bị cáo đang mong muốn tìm nhà đầu tư trả mức giá cao hơn để khắc phục hậu quả".

Đồng Lê

Theo: Báo Công Thương