Đáng chú ý, thông qua nguồn vốn ưu đãi, nguồn vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bạc Liêu tiếp tục tác động tích cực, trên diện rộng, thật sự trở thành công cụ hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả, không chỉ bởi sự ưu đãi về lãi suất cho vay, thủ tục vay vốn mà còn ở chỗ tạo khả năng tiếp cận vốn thuận tiện giúp hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác mạnh dạn đầu tư mở rộng các mô hình sản xuất, tạo việc làm, góp phần tích cực vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Nhờ dòng chảy vốn tín dụng chính sách chung sức và đồng hành cùng hộ nghèo, nên tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 giảm nhanh, đến cuối năm 2023, số hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 3.886 hộ (chiếm tỷ lệ 1,71% so với tổng số hộ dân trên địa bàn); còn 6.911 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 3,04%).
Qua đồng vốn vay từ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Giá Rai đã giúp gia đình chị Huỳnh Thúy Kiều, ngụ phường 1, thị xã Giá Rai có nguồn lực để đầu tư thêm máy móc phát triển nghề làm bánh mì truyền thống.
Chị Kiều chia sẻ: “Trước đây, do thiếu vốn đầu tư nên một số công đoạn phải làm thủ công vừa mất thời gian mà hiệu quả kinh tế lại không cao. Nay nhờ có đồng vốn vay từ tín dụng chính sách ưu đãi, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư, mua sắm trang thiết bị nên hiệu suất kinh doanh phát triển hơn, mỗi ngày có thể cho ra lò 2.000-3.000 ổ bánh mì. Việc mở rộng quy mô sản xuất không chỉ tăng lợi nhuận mà còn tạo được việc làm thường xuyên cho 2 lao động địa phương”.
Kinh tế gia đình từng thuộc diện khó khăn, nhưng nhờ sử dụng hiệu quả đồng vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, đến nay kinh tế gia đình chị Đặng Thị Ven ở ấp Năm Căn, xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi ngày càng khởi sắc. “Gia đình tôi chủ yếu làm ruộng và trồng rẫy, dù cật lực lao động nhưng cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau. Đến năm 2021, nhờ vay ưu đãi 40 triệu đồng từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Vĩnh Lợi nên tôi có điều kiện đầu tư cải tạo đất rẫy và chăn nuôi bò. Từ 2 con bò giống ban đầu, hiện đàn bò đã phát triển lên 12 con. Hiện kinh tế gia đình tôi không còn khó khăn như trước”, chị Ven chia sẻ.
Được biết, NHCSXH tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện nhiều giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, từ đó bảo đảm nguồn vốn vay đúng mục đích, đúng đối tượng. Đến nay, ngân hàng đang triển khai thực hiện 16 chương trình tín dụng với tổng dư nợ đạt 3.057 tỷ đồng và 95.393 khách hàng còn dư nợ, dư nợ bình quân 32,1 triệu đồng/khách hàng.
Để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, phục vụ hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách ngày càng tốt hơn, thời gian tới, NHCSXH tỉnh tiếp tục tham mưu cho chính quyền địa phương các cấp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách; cũng như tham mưu cho UBND tỉnh, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh giao kế hoạch và chỉ đạo thực hiện hiệu quả các giải pháp thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn để tạo nguồn vốn cho vay quay vòng.
Bên cạnh đó, rà soát lại nhu cầu vốn, chủ động đề xuất với lãnh đạo địa phương và tỉnh linh động bố trí nguồn vốn phù hợp. Tiếp tục thực hiện các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, các điểm giao dịch tại xã.
Đẩy mạnh công tác thông tin và truyền thông kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách tín dụng, ưu đãi đối với các đối tượng người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát trước, trong và sau cho vay nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, sai sót...
Hiện nay, Bạc Liêu sẽ tiến hành triển khai thực hiện rà soát hộ nghèo, cận nghèo và xác định hộ có mức sống trung bình làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp một cách đầy đủ, chính xác, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp giảm nghèo, nhất là giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, bổ sung các chính sách giảm nghèo đặc thù, phù hợp với điều kiện của tỉnh. Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo. Thực hiện lồng ghép yếu tố giới và trẻ em trong chính sách giảm nghèo. Đồng thời, tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả các dự án và tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo và Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Cùng với đó là huy động, sử dụng và giám sát hiệu quả mọi nguồn lực cho các chương trình và chính sách giảm nghèo của tỉnh. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, các đối tượng chính sách xã hội và các đối tượng dễ bị tổn thương khác…
ThS. Trần Trọng Triết