Bài 1: Bài học từ câu chuyện thiếu điện mùa khô 2023, giá điện và các luận điệu xuyên tạc, kích động

13/04/2024 - 03:50
(Bankviet.com) Việc giữ nước ở các hồ thủy điện để đảm bảo cung ứng điện cho mùa khô năm 2024 là bài học được rút ra từ điều hành cung ứng điện năm 2023.
EVN: Không để thiếu điện mùa khô Chủ tịch EVN: Cam kết không để thiếu điện trước mọi tình huống Bộ Công Thương cam kết không thiếu điện trong năm 2024

Việc giữ nước ở các hồ thủy điện để đảm bảo cung ứng điện cho mùa khô là bài học được rút ra từ điều hành cung ứng điện năm 2023 bởi tình trạng thiếu nước, cộng thêm thiếu than và nhiều nhà máy gặp sự cố đã khiến nguồn điện cung ứng không được đảm bảo

23 ngày miền Bắc thiếu điện

Trong những ngày cao điểm nắng nóng vào tháng 5 và 6/2023, tại miền Bắc hiện tượng cắt điện đã diễn ra diện rộng ở nhiều địa phương. Phải đến ngày 23/6 tình hình cắt điện luân phiên ở miền Bắc mới chấm dứt nhờ những trận mưa lớn đã góp phần cải thiện mực nước về các hồ thủy điện.

Nguyên nhân xảy ra thiếu điện đã được chỉ ra, đầu tiên phải kể đến hiện tượng thủy văn bất thường của lưu vực các hồ thủy điện.

Bài 1: Bài học từ câu chuyện thiếu điện mùa khô 2023, giá điện và các luận điệu xuyên tạc, kích động
Hồ Thủy điện Sơn La ngày 6/6/2023 ở mực nước chết (Ảnh: EVN)

Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến ngày 6/6/2023, hầu hết các hồ thủy điện lớn miền Bắc đã về mực nước chết, gồm: Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bản Chát, Hủa Na, Thác Bà. Hai hồ thủy điện Lai Châu và Sơn La đã phải chạy phát điện xuống dưới mực nước chết.

Trong khi đó, trong cơ cấu nguồn cung cấp điện cho miền Bắc, thủy điện chiếm tỷ trọng lớn (43,6%). Tổng công suất không huy động được của các nguồn thủy điện miền Bắc ở mức 5.000 MW và có thể lên đến 7.000 MW khi hồ thủy điện Hòa Bình về mực nước chết. Như vậy, tính đến ngày 6/6/2023, công suất khả dụng của thuỷ điện là 3.110 MW, chỉ đạt 23,7% công suất lắp đặt.

Công suất phát của Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình lệ thuộc rất nhiều vào độ biến thiên cột nước. Vào cuối mùa khô, thường là tháng 5, khi phía thượng lưu của mực nước chết và vào tháng 7, tháng 8 hàng năm, khi mực nước thượng lưu trong phạm vi quy định của Ban Phòng chống lụt bão Trung ương, đồng thời phía hạ lưu có mức nước tối đa, mỗi tổ máy của Thuỷ điện Hoà Bình chỉ có khả năng được phát khoảng 2/3 công suất thiết kế. Nhà máy Thuỷ điện Trị An và Thác Bà cũng có hiện tượng tương tự.

Đặc điểm trên đã tác động rất mạnh vào hệ thống điện khi lưu lượng nước về các hồ Hoà Bình và Thác Bà trong tháng 5 và tháng 6 đột ngột giảm thấp so với cùng kỳ nhiều năm.

Bài 1: Bài học từ câu chuyện thiếu điện mùa khô 2023, giá điện và các luận điệu sai trái
Nhà máy Thủy điện Hòa Bình gánh trách nhiệm “điều tần, điều áp” đảm bảo an toàn hệ thống điện quốc gia (Ảnh: Thu Hường)

Tại miền Bắc, ở các nhà máy thuỷ điện lớn, như: Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Tuyên Quang, lưu lượng nước về 4 tháng đầu năm 2023 chỉ bằng khoảng 60-70% so với trung bình nhiều năm: Thuỷ điện Sơn La ngày 7/5/2023, ở mức 181 m, cao hơn mực nước chết 6 m và thấp hơn mực nước dâng bình thường 33 m; Thuỷ điện Lai Châu cũng ở tình trạng thiếu nước khi mực nước trong hồ ở mức 267 m và xấp xỉ ở mực nước chết.

Về nhiệt điện, với sự nỗ lực của các đơn vị có liên quan, việc cung ứng than cho các nhà máy điện được đảm bảo. Các nhà máy đã vận hành với công suất huy động cao. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, một số nhà máy nhiệt điện than do phải huy động 100% thiết bị để bù vào công suất thiếu hụt từ thuỷ điện nên đã xảy ra sự cố với tổng cộng khoảng 2.900 MW.

Hệ thống đã thiếu năng lượng, thời điểm đó lại thiếu công suất một cách trầm trọng vào tất cả các giờ trong ngày. Kết quả, vào đầu tháng 6/2023, hầu như ngày nào cũng phải sa thải phụ tải. Nếu tiếp tục phát điện khi các hồ thuỷ điện ở dưới mực nước chết, đường điều tiết của các nhà máy thuỷ điện sẽ bị phá vỡ và sẽ mất không ít thời gian để phục hồi.

Trong khi đó, khả năng truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc qua đường dây 500 kV Bắc - Trung luôn ở ngưỡng giới hạn cao (giới hạn tối đa từ 2.500 MW đến 2.700 MW) dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ sự cố.

Tổng công suất khả dụng của hệ thống điện miền Bắc (bao gồm cả điện nhập khẩu) có thể huy động để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện chỉ đạt mức 17.500 -17.900 MW (khoảng 59,2% công suất lắp đặt). Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc ước tính lên mức 23.500 - 24.000 MW trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm.

Hệ thống điện miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các giờ trong ngày. Để đảm bảo ổn định và an toàn cho hệ thống, EVN đã phải huy động tất cả các loại nguồn điện, kể cả nguồn đắt tiền từ dầu diesel, dầu FO.

Theo ông Hà Đăng Sơn - Chuyên gia Năng lượng, tình trạng thiếu điện đã cảnh báo cách đây 2 năm và được nhắc nhiều hơn từ năm 2022, đặc biệt ở khu vực phía Bắc. Các tính toán đều nói rủi ro lớn trong cung ứng điện cho miền Bắc trong năm 2023 - 2024. Nguyên nhân vì miền Bắc gần như không có nguồn mới. Ngay cả Nhiệt điện Thái Bình 2 cũng xây dựng gần 10 năm mới được hòa lưới thành công.

Báo cáo của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), năm 2023 miền Bắc chỉ đóng điện được thêm 84,5 MW nguồn điện lớn và 141,5 MW thủy điện nhỏ, tổng công suất đặt tăng thêm là 226 MW. Trong khi năng lực truyền tải của đường dây 500 kV Trung - Bắc đã tới hạn, một số dự án truyền tải chậm tiến độ, thậm chí kéo dài 4-5 năm mà nguyên nhân là do vấn đề bồi thường và giải phóng mặt bằng.

Bài 1: Bài học từ câu chuyện thiếu điện mùa khô 2023, giá điện và các luận điệu xuyên tạc, kích động
Đường dây 500 kV Nghi Sơn- Hà Tĩnh 1,2 luôn trong tình trạng tới hạn vào thời điểm tháng 5-6/2023, Công nhân Truyền tải điện Hà Tĩnh thường xuyên phải soi phát nhiệt, kịp thời phát hiện sớm nguy cơ sự cố

Trong báo cáo gửi Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Công Thương nêu rõ, nguyên nhân chủ yếu vì đơn giá bồi thường Nhà nước chưa phù hợp, chưa thống nhất giữa nhiều địa phương nên người dân không đồng thuận, hiện cũng không có quy định với diện tích đất mượn tạm thi công cho các công trình đầu tư lưới điện. Trong khi tỷ lệ xây dựng lưới điện 220 kV theo Quy hoạch VII điều chỉnh trong giai đoạn 2016-2020 đạt 91% kế hoạch, thì lưới 500 kV chỉ đạt 72% và trạm 500 kV đạt 88%.

Cùng với việc phát triển lưới điện không theo kịp nhu cầu truyền tải, báo cáo của Bộ Công Thương cũng nêu rõ phần lớn nhà đầu tư và địa phương khi triển khai các dự án điện tái tạo chỉ quan tâm đến lưới điện cục bộ của dự án mà thiếu cái nhìn tổng thể về hệ thống điện khu vực và liên miền. Vì thế, hệ quả không thể tránh khỏi là các nhà máy phải giảm phát điện gió và điện mặt trời. Đường dây đầy tải nên cũng phải giảm công suất truyền tải để đảm bảo an toàn.

Cùng với đó, việc phát triển lưới truyền tải chậm so với quy hoạch là giá truyền tải được cho là quá thấp chỉ được 79,09 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT), chiếm khoảng 4% trong cơ cấu giá thành sản xuất điện của EVN năm 2022.

Ước tính nhu cầu đầu tư hàng năm của EVN hơn 100.000 tỷ đồng. Vốn ngân sách gần như không có nên nguồn lực chủ yếu là vốn vay nước ngoài và vay thương mại. Song, việc thu xếp vốn vay, theo EVN, cũng khó khăn bởi Chính phủ không còn bảo lãnh vay nước ngoài cho các dự án điện, còn ngân hàng thương mại chỉ cho dự án điện vay tối đa 15% vốn điều lệ (tính theo ngân hàng lớn nhất hiện nay thì con số này khoảng 7.500 tỷ đồng) nên chỉ đáp ứng một phần nhỏ so với nhu cầu.

Thiếu nước để sản xuất điện do ảnh hưởng của thời tiết, các tổ máy nhiệt điện phải vận hành 100% công suất trong một thời gian dài dẫn đến sự cố phải dừng để sửa chữa, nguồn điện mới hầu như không có, các dự án truyền tải thì chậm tiến độ không thể đưa vào khai thác để có thể truyền tải từ khu vực miền Trung ra miền Bắc trong khi nhu cầu điện ở miền Bắc tăng cao... tất cả các yếu tố đã gây nên khủng hoảng thiếu điện ở miền Bắc.

23 ngày thiếu điện ở miền Bắc không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân và doanh nghiệp, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư và tạo cơ hội cho các thế lực thù địch xuyên tạc, kích động người dân.

Lợi dụng thiếu điện nhiều thế lực thù địch sử dụng mạng xã hội để kích động người dân

Trong cao điểm mùa nắng nóng năm 2023 (tháng 5 và 6) do thiếu điện, ở một số nơi của khu vực miền Bắc phải cắt điện để đảm bảo an toàn hệ thống điện quốc gia.

Trong 23 ngày miền Bắc thiếu điện, việc cắt điện luân phiên tại nhiều địa phương của khu vực miền Bắc trong cái nóng oi bức của mùa hè trên 40 độ C là điều không ai muốn, kể cả Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Sự bức xúc của người dân và cả doanh nghiệp, chúng ta hoàn toàn có thể hiểu và thông cảm nhưng các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã nhân cơ hội để bôi nhọ, xuyên tạc, kích động người dân thông qua các trang mạng xã hội.

Trên trang của Việt Tân đã đăng nhiều bài viết xuyên tạc, kích động với nhiều thông tin bịa đặt trắng trợn như: "EVN dư điện nhưng nó vẫn cúp. Chính quyền biết EVN dư điện vẫn để nó cúp”; hay: "EVN được lãnh đạo Cộng sản Việt Nam cho độc quyền, chống lưng nên tha hồ hô phong hoán vũ, liên tục tăng giá điện, khi mà Thái Lan hạ giá điện thì EVN lại tăng, ấy vậy mà vẫn thường xuyên thua lỗ để lấy tiền bỏ túi …”.

Chúng “uốn lượn từ ngữ” nhằm kích động người dân vốn đang bức xúc vì mất điện trong hoàn cảnh nắng nóng trên 40 độ C như: "Thay vì vào hang tránh nắng vì bị EVN cắt điện, chúng ta cùng nhau hãy yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương từ chức!”.....Và trên mạng xã hội cũng không ít bài viết, lời bình phụ họa hùa theo.

Bài 1: Bài học từ câu chuyện thiếu điện mùa khô 2023, giá điện và các luận điệu xuyên tạc, kích động
Lợi dụng mạng xã hội, trang Việt Tân thường xuyên đăng tin, bài kích động người dân (Ảnh chụp màn hình)

Thông qua các nền tảng không gian mạng, mạng xã hội, chúng sử dụng những tin, bài về tình hình cắt điện, thiếu điện đang diễn ra tại một số nơi ở một số địa phương, hình ảnh người dân sinh hoạt trong cảnh nóng bức của mùa hè… Sau đó, chúng tô vẽ thêm bớt, đưa ra những nội dung thật giả lẫn lộn, sai lệch để tung lên mạng xã hội.

Chúng lập ra những tài khoản cá nhân danh nghĩa là người dân bị ảnh hưởng để đăng các bài viết, ý kiến nhằm lôi kéo, kích động công chúng đồng thời ngụy tạo các bài viết dưới những tiêu đề giật gân liên quan đến việc thiếu điện.

Những thủ đoạn lợi dụng nền tảng số nêu trên của các thế lực thù địch, phản động, phần tử bất mãn đã dẫn dụ và lừa dối được một bộ phận người dân, nhất là những người đang bức xúc do bị cắt điện, sinh hoạt trong điều kiện nóng bức….

Đồng thời, với bản chất lưu manh, chúng lợi dụng sự hiểu biết chưa đầy đủ của một bộ phận người dân về vấn đề điện vì đây là vấn đề rất kỹ thuật, nếu không phải những người làm trong ngành hoặc những người liên quan đến các lĩnh vực hoạt động của ngành điện thì không phải ai cũng hiểu rõ được căn nguyên.

Nhìn lại quá trình đất nước đấu tranh, giải phóng dân tộc, khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh rồi tiến hành công cuộc đổi mới nền kinh tế đất nước, xây dựng nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Đến nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về nông thủy sản, bước vào ngưỡng thu nhập trung bình và hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới.

Trong quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập đó không thể không nói đến vai trò to lớn của ngành điện. Từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu bởi chiến tranh tàn phá khi tiếp quản Thủ đô vào tháng 10/1954 với vẻn vẹn 31,5 MW công suất, sản lượng điện khoảng 53 triệu kWh/năm, đến hết năm 2010, tổng công suất nguồn điện cả nước đã lên đến 20.900 MW.

Và từ năm 2001 đến năm 2020, chúng ta chứng kiến tốc độ tăng trưởng thần kỳ của nền kinh tế Việt Nam với tỷ trọng GDP tăng trưởng trung bình lên đến 13%/năm. Theo đó, năng lượng là nhân tố thiết yếu nhất để đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế bền bỉ suốt thời gian qua, thật vậy, nhu cầu tiêu thụ điện ở Việt Nam cũng bùng nổ nhanh chóng và gần như gia tăng song song với nền kinh tế.

Bài 1: Bài học từ câu chuyện thiếu điện mùa khô 2023, giá điện và các luận điệu xuyên tạc, kích động
Dự án cấp điện cho Bản Tèn - Đồng Hỷ- Thái Nguyên đã góp phần thúc đẩy kinh tế -xã hội của địa phương phát triển (Ảnh: Thu Hường)

Đặc biệt, Đảng và Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chủ trương chính sách trong việc đảm bảo công bằng trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội, trong đó có lĩnh vực điện. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 phê duyệt Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020, sau đó là Quyết định số 1740/QĐ-TTg năm 2018 phê duyệt Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020 có thể được xem là chặng đường cuối cùng cho Chương trình điện khí hóa nông thôn của Việt Nam.

Có thể khẳng định, điện khí hóa nông thôn là một trong những thành tựu quan trọng, nổi bật của Việt Nam; thành công trong việc cung cấp điện cho hơn 17 triệu hộ dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: Tại khu vực nông thôn, tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện tính đến 31/12/2019 đạt 99,26%; chỉ còn khoảng 0,74% số hộ dân nông thôn chưa được tiếp cận điện và đến nay con số này đang tiếp tục được rút ngắn.

Nhờ đó mức độ phủ điện của Việt Nam cao hơn một số nước trong khu vực. EVN đã cấp điện đến 100% số xã. Số hộ dân có điện, sử dụng điện tăng từ 97,31%, tương ứng 19 triệu hộ (năm 2010) lên 99,47%, tương ứng 27,41 triệu hộ (tháng 6/2019). Trong đó, số hộ dân nông thôn có điện sử dụng tăng từ 96,29%, tương ứng 13,26 triệu hộ (năm 2010) lên 99,18%, tương ứng 16,98 triệu hộ (tháng 6/2019).

Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016-2020, huy động vốn ngân sách trung ương cho chương trình cấp điện nông thôn là 4.743 tỷ đồng cùng với vốn đối ứng của các chủ đầu tư. Chương trình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: 17/17 xã được cấp điện đạt 100% kế hoạch đề ra; cấp điện cho các đảo: Lý Sơn (Quảng Ngãi), Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Nhơn Châu (Bình Định), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), đảo Trần và Cái Chiên (Quảng Ninh).

Đơn cử như tỉnh Sơn La, giai đến năm 2020, dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Sơn La đã đầu tư cấp mới cho 16.528 hộ dân; nâng cấp điện an toàn cho 1.012 hộ dân; nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện trên địa bàn từ 86,7% năm 2015 lên 97,5% năm 2020.

Những kết quả này đã đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,46% của tỉnh Sơn La giai đoạn 2016-2020, trong đó riêng năm 2020 đạt 6,08%, xếp thứ 3/14 tỉnh, thành vùng trung du và miền núi phía Bắc và xếp thứ 12 cả nước.

Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 154 nghìn hộ dân chưa có điện, hơn 717 nghìn hộ dân có điện nhưng không ổn định. Mặt khác, một số đảo như: Cồn Cỏ (Quảng Trị); Thổ Chu, An Sơn và Nam Du (Kiên Giang); Côn Ðảo (Bà Rịa - Vũng Tàu); các thôn đảo Ninh Tân, Ninh Ðảo, Ðiệp Sơn, Bích Ðầm ở Khánh Hòa... chưa có điện lưới.

Trước thực trạng trên, Bộ Công Thương đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ kéo dài Chương trình Cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo sang giai đoạn 2021-2025. Theo đó, chương trình sẽ triển khai cấp điện cho khoảng 871.263 hộ dân (trong đó, khoảng 153.911 hộ dân, chiếm tỷ lệ 0,74% chưa có điện; 717.352 hộ dân có điện nhưng cấp điện không ổn định, liên tục) của 6.811 thôn, bản trên địa bàn 2.197 xã; cấp điện 2.638 trạm bơm quy mô vừa và nhỏ tại 13 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long kết hợp cấp điện cho nhân dân; đề xuất bổ sung cấp điện lưới quốc gia hoặc các nguồn điện năng lượng tái tạo cho các đảo còn lại.

Với tỷ lệ trên 99% hộ dân được sử dụng điện đã cho thấy Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng phát triển ngành điện nhằm phục vụ đời sống và sản xuất. Đây là cả một số cố gắng lớn, là sự phát triển vượt bậc mà không phải quốc gia nào cùng xuất phát điểm thấp như Việt Nam có thể đạt được trong vài ba thập kỷ.

Bài 1: Bài học từ câu chuyện thiếu điện mùa khô 2023, giá điện và các luận điệu xuyên tạc, kích động
Hiện Việt Nam đứng trong nhóm 29 nước có điện lực phát triển nhất của thế giới và đứng đầu trong ASEAN (Ảnh: Nguyễn Hùng)

Điện năng bình quân đầu người trước năm 2000 chỉ khoảng 200-500 kWh/đầu người (chỉ số điện năng gần như thấp nhất trong 10 nước ASEAN). Sau 20 năm, điện bình quân đầu người tăng rất nhanh lên 2.500 kWh.

Ngành điện Việt Nam từng bước vươn lên mạnh mẽ với 426 nhà máy điện của các nhà đầu tư khác nhau (không kể các nhà máy thủy điện nhỏ), đưa công suất đặt lên đến trên 80.555 MW chưa kể điện nhập khẩu, đứng trong nhóm 29 nước có điện lực phát triển nhất của thế giới và đứng đầu trong ASEAN.

Liên quan đến vấn đề về nhập khẩu điện và đề nghị tăng giá điện của EVN, tại phiên họp thứ 27 vào ngày 13/10/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”, Tổng Thư ký Quốc hội – Bùi Văn Cường nhấn mạnh: "Hiện giá điện của chúng ta có thể nói là thấp hơn so với trung bình của thế giới. Xếp theo độ rẻ thì Việt Nam đứng thứ 47/147 quốc gia và trong khu vực Việt Nam đứng sau Singapore, Thái Lan, Philippines và Indonesia."

Ông Bùi Văn Cường chia sẻ, giá điện thấp khiến một số doanh nghiệp có thể lợi dụng chính sách giá điện này để sử dụng trong việc luyện nhôm, luyện thép, như vậy là sẽ trợ giá cho các doanh nghiệp, nên cần phải cân nhắc kỹ và sớm có cơ chế để xem xét, nghiên cứu đối với giá điện.

Ông Đào Văn Hưng, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã từng đánh giá, do giá điện Việt Nam rẻ nên nhà đầu tư nước ngoài đem các thiết bị tiêu thụ nhiều điện sang Việt Nam lắp đặt như các nhà máy sản xuất sắt thép, hóa chất, xi măng, phân bón, dệt may,… Chính vì vậy, hệ số đàn hồi của Việt Nam kém (2012 là 2,27 lần; 2021 là 1,49 lần) trong khi các nước khác xấp xỉ 1 hoặc < 1). Hiểu một cách nôm na là hiệu quả sử dụng điện của Việt Nam thấp, các nước sử dụng 1 điện thì ra 1 giá trị sản phẩm, trong khi Việt Nam từ 1,49 đến 2,27 điện mới ra 1 giá trị sản phẩm.

Nếu so với Philippines, Indonesia là nhưng nước có thu nhập bình quân đầu người tương đồng với Việt Nam thì giá điện của Việt Nam dễ chịu hơn hẳn và giá tiêu dùng ổn định dù lạm phát, giá nguyên liệu tăng qua các năm. Tháng 5/2023, Việt Nam tăng giá điện 3% thì chưa bằng số lẻ của Thái Lan.

Từ những minh chứng cụ thể trên, có thể thể thấy rõ bản chất “bất lương” của băng đảng khủng bố Việt Tân với những thủ đoạn lưu manh luôn tìm cách khoét sâu, thổi phồng những khó khăn để phá hoại đất nước, phá hoại khối đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại cuộc sống yên bình của người dân.

Thủ đoạn không mới, nhưng mục tiêu của chúng thì quá rõ ràng. Đó là lợi dụng sự bức xúc của người dân, thậm chí sự bất bình của một số người dân bị cắt điện để xuyên tạc, bịa đặt, kích động lôi kéo một bộ phận thiếu hiểu biết công kích tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương, Chính phủ để đả kích chế độ, phục vụ mưu đồ chống phá nhà nước ta.

Cũng giống như thời điểm đầu năm 2022 khi mà giá xăng, dầu trong nước liên tục phải điều chỉnh tăng theo tình hình thị trường thế giới cùng với đó nguồn cung trong nước thiếu hụt. Lợi dụng vấn đề này, các thế lực thù địch, đối tượng chống đối, phản động đã đăng tải nhiều bài viết trên các trang mạng xã hội với những luận điệu xuyên tạc, chống phá đất nước…

Hay như năm 2020 giá thịt lợn tăng cao, các thế lực phản động thường xuyên kích động: "Lên ti vi mà mua thịt lợn rẻ”… Vượt qua tất cả những điều đó, với tinh thần đoàn kết của mọi tầng lớp nhân dân, với sự chỉ đạo của Đảng, sự điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, chúng ta đã điều hành giải quyết được tất cả những khó khăn đó và bây giờ cũng vậy, tình trạng thiếu điện nhất định cũng sẽ được khắc phục.

Trước những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ đất nước, các cơ quan truyền thông cần phải tỉnh táo và cẩn trọng trong việc đăng tải thông tin về các vấn đề “nóng” các vấn đề “dư luận” và phải tỉnh táo để phân tích động cơ sâu xa của các “dư luận” đó. Mỗi người dân hãy thật tỉnh táo, cảnh giác và có bản lĩnh để không bị rơi vào các chiêu trò kích động, không a dua, và quan trọng hơn cả hãy có trách nhiệm với đất nước.

Bài 2: Minh bạch thông tin, kịp thời vá những lỗ hổng

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương