Bài 4: CLW của Cấp nước Chợ Lớn: Mã chứng khoán thường xuyên ‘trắng’ thanh khoản dù kinh doanh khởi sắc

24/01/2025 - 08:39
(Bankviet.com) Công ty CP Cấp nước Chợ Lớn (HOSE: CLW) là một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp nước sạch tại TP.HCM, với lịch sử phát triển hơn ba thập kỷ và hoạt động kinh doanh ổn định. Tuy nhiên, một nghịch lý tồn tại khi doanh nghiệp có vốn điều lệ 130 tỷ đồng tương ứng 13 triệu cổ phiếu, dù niêm yết lâu năm và có kết quả kinh doanh tích cực, lại thường xuyên rơi vào tình trạng "trắng" thanh khoản trên thị trường.

Kết quả kinh doanh và tài chính ổn định

Cấp nước Chợ Lớn có tiền thân là Chi nhánh Cấp nước Chợ Lớn, được thành lập năm 1991, và chính thức chuyển đổi thành công ty cổ phần vào năm 2005. Hoạt động chính của công ty là quản lý, thi công, cải tạo và phát triển mạng lưới cấp nước tại 5 quận, huyện ở TP.HCM, bao gồm các khu vực có tốc độ đô thị hóa cao. Hiện nay, Công ty cung cấp nước sạch cho hơn 94,5% hộ gia đình trong khu vực quản lý, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn nước sạch cho thành phố.

Doanh thu Cấp nước Chợ Lớn luôn vượt mốc ngàn tỷ trong những năm qua. Nguồn: Trung tâm dữ liệu Kinhtechungkhoan.vn
Doanh thu Cấp nước Chợ Lớn luôn vượt mốc ngàn tỷ trong những năm qua. Nguồn: Trung tâm Dữ liệu Kinhtechungkhoan.vn

Về mặt tài chính, CLW duy trì sự ổn định và tăng trưởng bền vững. Từ năm 2019 đến năm 2023, doanh thu của Công ty đều vượt mốc 1.000 tỷ đồng. Năm 2023, doanh thu đạt mức kỷ lục 1.304,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 48,56 tỷ đồng.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, dù doanh thu giảm nhẹ còn 986 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế vẫn đạt 50,3 tỷ đồng, vượt qua mức lợi nhuận cả năm trước đó. Đáng chú ý, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) trong 5 quý gần nhất luôn đạt trên 19%, khẳng định hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Cấp nước Chợ Lớn cũng duy trì chính sách cổ tức đều đặn, với tỷ lệ 16% vào năm 2023 và 16,2% vào năm 2022, mang lại lợi ích ổn định cho cổ đông. Đây là những con số đáng mơ ước đối với một doanh nghiệp công ích, cho thấy CLW không chỉ đóng vai trò quan trọng trong xã hội mà còn là một công ty kinh doanh hiệu quả.

Vì sao cổ phiếu CLW kém thanh khoản?

Mặc dù kinh doanh ổn định và tài chính khá vững mạnh, cổ phiếu CLW lại không thu hút được sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư.

Theo khảo sát từ trung tâm dữ liệu Kinhtechungkhoan.vn, trong năm 2024, chỉ có 314.300 cổ phiếu CLW được khớp lệnh với tổng giá trị 14,4 tỷ đồng. Quý 4/2024 ghi nhận khối lượng giao dịch chỉ đạt 67.000 cổ phiếu sau 66 phiên, và tính từ đầu năm 2025, có nhiều phiên giao dịch của CLW không hề có cổ phiếu nào được khớp lệnh. Điều này cho thấy thanh khoản của cổ phiếu ở mức rất thấp, ngay cả khi doanh nghiệp làm ăn hiệu quả và trả cổ tức cao.

Cổ phiếu CLW của Cấp nước Chợ Lớn thường xuyên rơi vào tình trạng 'trắng' thanh khoản. Nguồn: Trung tâm dữ liệu Kinhtechungkhoan.vn

Cổ phiếu CLW của Cấp nước Chợ Lớn thường xuyên rơi vào tình trạng 'trắng' thanh khoản.

Nguồn: Trung tâm Dữ liệu Kinhtechungkhoan.vn

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó cơ cấu sở hữu tập trung là một trong số đó. Nhà nước hiện nắm giữ 51% vốn của Cấp nước Chợ Lớn, với đại diện phần vốn Nhà nước là Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn – TNHH. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Thương mại N.T.P sở hữu 9,37%, trong khi các cổ đông cá nhân lớn như Lê Huy Hùng và Hồ Lê Minh nắm giữ lần lượt 14% và 7,49%. Tính chung, các cổ đông lớn kiểm soát 81,86% cổ phần, khiến lượng cổ phiếu tự do lưu hành trên thị trường bị hạn chế đáng kể.

Nói thêm về Công ty TNHH Thương mại N.T.P, đây là doanh nghiệp khá nổi bật trong ngành nước. Thành lập năm 1999, đến năm 2023 vốn điều lệ công ty này vẫn chỉ ở mức 90 tỷ đồng. Tuy vậy bên cạnh Cấp nước Chợ Lớn, N.T.P đang góp vốn vào hàng loạt công ty nước sạch khác, trong đó có Nước Thủ Dầu Một (TDM) với tỷ lệ 6%.

Trong khi đó, TDM lại góp vốn vào Cấp nước Đồng Nai (DNW) và Nước - Môi trường Bình Dương (BWE), một trong những tên tuổi lớn ngành nước với nhiều động thái M&A thời gian qua.

Tại Cấp nước Trung An (TAW), vào tháng 5/2023, N.T.P đã nhận chuyển nhượng 15.85% vốn của TAW từ ông Nguyễn Thanh Phong. Cổ đông này cũng chính là thành viên góp vốn và đại diện pháp luật của N.T.P.

Một yếu tố khác ảnh hưởng đến thanh khoản của CLW là tính chất ngành nghề. Là một doanh nghiệp công ích, Cấp nước Chợ Lớn ít có sự tăng trưởng đột biến về lợi nhuận, điều này không hấp dẫn dòng tiền đầu cơ. Thay vào đó, nhà đầu tư thường tìm kiếm các mã cổ phiếu thuộc ngành tăng trưởng nhanh như bất động sản, công nghệ, hoặc tài chính.

Theo nhiều chuyên gia, chiến lược quan hệ nhà đầu tư (IR) hiệu quả là công cụ hữu ích để doanh nghiệp tiếp cận thị trường và nâng cao nhận diện thương hiệu. Có thể thấy, CLW đang thiếu hoặc chưa chú trọng vấn đề này khiến thông tin về tiềm năng phát triển của doanh nghiệp không được quảng bá rộng rãi, cổ phiếu CLW do đó không nằm trong tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư cá nhân và tổ chức.

Lượng cổ phiếu CLW đặt bán cực kỳ ít ỏi trong suốt thời gian qua
Lượng cổ phiếu CLW đặt bán cực kỳ ít ỏi trong suốt thời gian qua

Quan sát diễn biến giao dịch cổ phiếu CLW một năm qua có thể thấy, dù nhà đầu tư không mấy quan tâm đến cổ phiếu này nhưng lượng đặt mua vẫn luôn áp đảo so với lượng đặt bán. Cụ thể, quý 4/2024 với tổng cộng 66 phiên giao dịch, khối lượng đặt mua cổ phiếu CLW ở mức 117.500 cp, trong khi khối lượng đặt bán chỉ là 86.400 cp. Mở rộng ra cả năm 2024, khối lượng đặt mua cổ phiếu CLW là 533.900 cp trong khi khối lượng đặt bán cổ phiếu CLW chỉ ở mức 360.300 cp.

Dữ liệu trên cho thấy các cổ đông lớn đang "giữ chặt" cổ phiếu và không đưa ra thị trường. Đây cũng là nguyên nhân của tình trạng cung không đáp ứng đủ cầu, và khiến cổ phiếu thường xuyên rơi vào trạng thái "trắng" thanh khoản.

Cao Thái

Cao Thái

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán