Bài 5: Điện Miền Trung (SEB): Kinh doanh hiệu quả, cổ phiếu "ngủ đông" trên thị trường

24/01/2025 - 08:39
(Bankviet.com) Công ty CP Đầu tư và Phát triện Điện Miền Trung (HNX: SEB) duy trì tỷ suất lợi nhuận ấn tượng và chính sách chia cổ tức hấp dẫn qua nhiều năm. Tuy nhiên, có một "nốt trầm" trong hoạt động của DN này là cổ phiếu của doanh nghiệp thường xuyên rơi vào trạng thái "trắng" thanh khoản.

Đều đặn ‘gặt’ lãi

Công ty CP Đầu tư và Phát triển Điện Miền Trung (gọi tắt là Điện Miền Trung) là một trong những doanh nghiệp nổi bật trong ngành năng lượng tại Việt Nam. Doanh nghiệp này thành lập ngày 18/03/2003 với ba cổ đông sáng lập gồm: Tổng Công ty Sông Đà (45%), Công ty Điện lực 3 (40%), và Công ty CP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Minh (15%). Ngày 3/4/2003, SEB được Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Khánh Hòa cấp Giấy đăng ký kinh doanh với vốn điều lệ ban đầu 10 tỷ đồng.

Công ty đã trải qua nhiều lần tăng vốn. Năm 2004 tăng lên 75 tỷ đồng; năm 2007 tăng lên 125 tỷ đồng; năm 2014 tăng lên 200 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu; và đến năm 2018, vốn điều lệ đạt gần 320 tỷ đồng sau khi phát hành thêm hơn 11,99 triệu cổ phiếu và giữ nguyên cho đến nay.

Điện Miền Trung làm ăn hiệu quả suốt thời gian qua
Điện Miền Trung làm ăn hiệu quả trong một thời gian dài

Hiện tại, Điện Miền Trung đang quản lý vận hành Nhà máy Thủy điện Ea Krông Rou với tổng công suất 28 MW và sản lượng điện trung bình hàng năm đạt 111 triệu KWh. SEB được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội từ tháng 1/2009, đánh dấu sự hiện diện trên thị trường vốn.

SEB đã xây dựng được một nền tảng tài chính vững chắc nhờ hoạt động kinh doanh ổn định. Trong năm 2023, doanh thu hợp nhất của công ty đạt 311,2 tỷ đồng, lãi ròng 175,3 tỷ đồng, với Công ty mẹ đóng góp gần 156 tỷ đồng lợi nhuận. Dù các chỉ số này giảm so với năm 2022, tỷ suất lợi nhuận của công ty vẫn rất cao, đạt 77,54% vào năm 2023. Trong quý I/2024, tỷ suất ROS tiếp tục ghi nhận mức ấn tượng 59,6%, cho thấy hiệu quả sinh lời vượt trội.

Dù doanh thu 9 tháng đầu năm 2024 giảm 22% xuống còn 174 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 28% đạt 88,8 tỷ đồng, Công ty vẫn duy trì được khả năng sinh lời cao trong bối cảnh thời tiết không thuận lợi khiến lượng nước về hồ giảm, ảnh hưởng đến sản lượng điện phát.

Quy mô tài sản của SEB tại 30/9/2024 ở mức 691,1 tỷ đồng, trong đó tiền và tương đương tiền cùng các khoản đầu tư tài chính chiếm phần lớn tài sản ngắn hạn, phản ánh sự thận trọng và bền vững trong quản lý tài chính.

Điện Miền Trung duy trì tỷ suất sinh lời đáng mơ ước đối với các doanh nghiệp. Nguồn: Trung tâm dữ liệu kinhtechungkhoan.vn
Điện Miền Trung duy trì tỷ suất sinh lời đáng mơ ước đối với các doanh nghiệp. Nguồn: Trung tâm Dữ liệu kinhtechungkhoan.vn

SEB cũng nổi bật với chính sách trả cổ tức bằng tiền mặt rất hấp dẫn. Trong năm 2024, Công ty đã thực hiện 4 đợt trả cổ tức với tổng tỷ lệ 33%. Riêng đợt trả cổ tức vào tháng 1/2025, Công ty chi 32 tỷ đồng với tỷ lệ 10% (1.000 đồng/cổ phiếu).

Những năm trước đó, tỷ lệ chi trả cổ tức cũng rất cao, đạt 43% vào năm 2023, 38% vào năm 2022 và 33% vào các năm 2020 và 2021. Chính sách này không chỉ duy trì ổn định qua nhiều năm mà còn làm nổi bật vị thế của SEB như một doanh nghiệp chú trọng đến lợi ích cổ đông, đặc biệt trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp khác gặp khó khăn trong việc duy trì lợi nhuận và cổ tức.

Thanh khoản nhỏ giọt, cổ phiếu SEB khan hiếm

Trái ngược với hiệu quả kinh doanh và mức cổ tức hấp dẫn, thanh khoản cổ phiếu SEB lại cực kỳ thấp.

Khảo sát từ Trung tâm dữ liệu của kinhtechungkhoan.vn cho thấy, trong năm 2024, chỉ có 367.295 cổ phiếu SEB được khớp lệnh với tổng giá trị 14,4 tỷ đồng sau 250 phiên giao dịch. Khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên chỉ đạt 696 cổ phiếu trong tháng gần nhất và 838 cổ phiếu trong 3 tháng gần nhất.

Trong nhiều phiên, cổ phiếu SEB thậm chí không ghi nhận bất kỳ giao dịch nào, chẳng hạn như phiên 17/1/2025. Dữ liệu cũng cho thấy khối lượng đặt mua trung bình của cổ phiếu SEB cao hơn đáng kể so với khối lượng đặt bán, nhưng nguồn cung cổ phiếu trên thị trường vẫn rất hạn chế.

Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chủ yếu từ cơ cấu sở hữu tập trung, với 85,66% cổ phần nằm trong tay các cổ đông lớn. Trong đó, năm 2018 đánh dấu sự xuất hiện của bà Đinh Thu Thủy (con gái Chủ tịch HĐQT Đinh Quang Chiến) với tư cách cổ đông lớn nhất của Công ty, sau khi bà Thủy nhận chuyển nhượng 5.035.000 cổ phiếu SEB từ hai cổ đông cá nhân là bà Nguyễn Thị Mai và bà Nguyễn Huyền Bích. Sau giao dịch này, bà Đinh Thu Thủy sở hữu tới 25,18% vốn của Điện Miền Trung. Tính đến nay, gia đình ông Chiến nắm giữ tổng cộng 50,15% vốn SEB, định hình chiến lược và ảnh hưởng lớn đến hoạt động của công ty.

Các cổ đông lớn khác của SEB gồm Tổng công ty Điện lực Miền Trung nắm 24%, và Công ty CP Năng lượng Bitexco sở hữu 11,52%. Nhóm cổ đông này cùng với cha con ông Đinh Quang Chiến đã kiểm soát phần lớn cổ phần của công ty, cổ phiếu tự do khá khan hiếm trên thị trường.

Cổ phiếu Điện Miền Trung thanh khoản nhỏ giọt suốt thời gian qua. Nguồn: Trung tâm dữ liệu kinhtechungkhoan.vn

Cổ phiếu Điện Miền Trung thanh khoản nhỏ giọt suốt thời gian qua.Nguồn: Trung tâm Dữ liệu kinhtechungkhoan.vn

Ngoài ra, theo các chuyên gia, một số yếu tố khác cũng góp phần làm giảm thanh khoản cổ phiếu SEB. Đầu tiên, tính chất ngành nghề kinh doanh của SEB là sản xuất điện năng, một lĩnh vực có mức tăng trưởng tương đối ổn định nhưng không hấp dẫn dòng tiền đầu cơ. Thị trường chứng khoán thường ưu tiên các ngành có tốc độ tăng trưởng cao như bất động sản, công nghệ hoặc tài chính, khiến các cổ phiếu ngành điện như SEB ít được chú ý.

Thứ hai, SEB chưa có chiến lược quan hệ nhà đầu tư (IR) hiệu quả để nâng cao nhận diện thương hiệu và quảng bá thông tin về công ty. Thứ ba, tâm lý thận trọng chung của nhà đầu tư trước các yếu tố vĩ mô bất lợi, như áp lực tỷ giá và lạm phát, cũng khiến dòng tiền trên thị trường chứng khoán bị thu hẹp, ảnh hưởng đến thanh khoản của các cổ phiếu vốn hóa vừa như SEB.

Như vậy có thể thấy, mặc dù làm ăn hiệu quả và duy trì chính sách cổ tức cao, SEB vẫn phải đối mặt thực trạng cổ phiếu thanh khoản rất èo uột. Đây cũng là điểm chung của rất nhiều doanh nghiệp niêm yết hiện nay.

Để cải thiện thanh khoản cho những doanh nghiệp đang có tình trạng này, theo nhiều chuyên gia, Công ty cần xem xét nới lỏng tỷ lệ sở hữu của các cổ đông lớn, đồng thời đẩy mạnh hoạt động IR để tăng cường tương tác với nhà đầu tư. Bên cạnh đó, việc hợp tác với các công ty chứng khoán nhằm sử dụng dịch vụ tạo lập thị trường cũng là một giải pháp khả thi để cải thiện thanh khoản. Nếu thực hiện đúng các chiến lược này, SEB hoàn toàn có thể nâng cao giá trị cổ phiếu, thu hút thêm nhà đầu tư và tạo đà phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Bài 2: Kinh doanh phát đạt, cổ phiếu Ô tô Trường Long vẫn 'tắc' thanh khoản

Quan sát thị trường chứng khoán Việt Nam, không khó để thấy nhiều doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, trả cổ tức hấp dẫn nhưng ...

CLW của Cấp nước Chợ Lớn: Mã chứng khoán thường xuyên ‘trắng’ thanh khoản dù kinh doanh khởi sắc

Công ty CP Cấp nước Chợ Lớn (HOSE: CLW) là một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp nước sạch tại TP.HCM, với ...

Tìm giải pháp tăng thanh khoản cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán

LTS: Thanh khoản là "mạch máu" của thị trường chứng khoán, phản ánh sức sống và sự hấp dẫn của từng cổ phiếu. Năm 2024, ...

Cao Thái

Cao Thái

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán