Bài 6: Thực phẩm Bích Chi: Làm ăn tốt, cổ phiếu vẫn không "hút" được dòng tiền

24/01/2025 - 08:39
(Bankviet.com) Thực phẩm Bích Chi là doanh nghiệp thực phẩm chế biến hàng đầu tại Việt Nam, nổi bật với kết quả kinh doanh ổn định và chính sách cổ tức hấp dẫn. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn thờ ơ với cổ phiếu BCF của công ty này.

Bề dày hoạt động, kinh doanh ổn định

Công ty CP Thực phẩm Bích Chi (BCF) có tiền thân là Nhà máy bột Bích Chi, được thành lập từ năm 1966 tại tỉnh Đồng Tháp. Sau hơn ba thập kỷ hoạt động, đến năm 1997, Công ty chính thức đổi tên thành Công ty Thực phẩm Bích Chi. Năm 2000, Công ty thực hiện cổ phần hóa với vốn điều lệ ban đầu chỉ 2,8 tỷ đồng, đánh dấu sự chuyển mình quan trọng trong quá trình phát triển. Thời gian qua, Công ty liên tục tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.

Trong giai đoạn 2020-2023, công ty thực hiện liên tục các đợt phát hành cổ phiếu trả cổ tức, qua đó nâng đáng kể vốn điều lệ. Đơn cử, năm 2020, Bích Chi phát hành cổ phiếu với tỷ lệ 100:20; năm 2021 là 100:10; năm 2022, tỷ lệ này tăng lên 100:16. Đến tháng 6/2024, Công ty tiếp tục phát hành 1,6 triệu cổ phiếu trả cổ tức đợt 3/2023 với tỷ lệ 100:5, nâng vốn điều lệ lên gần 339 tỷ đồng.

Bên cạnh việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức nhằm tăng vốn điều lệ, Thực phẩm Bích Chi luôn duy trì chính sách trả cổ tức tiền mặt đều đặn qua các năm. Chính sách này không chỉ thể hiện sự ổn định trong hoạt động kinh doanh mà còn là cách Công ty "sưởi ấm" niềm tin của cổ đông.

Tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền mặt của Bích Chi luôn được giữ ở mức hấp dẫn. Năm 2020, Công ty trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 20%; năm 2021 là 14%; năm 2022 tăng lên mức cao 22%; và năm 2023 là 15%. Đặc biệt, trong năm 2024, công ty đã thực hiện 2 đợt chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tổng tỷ lệ 18%.

Doanh thu và lợi nhuận Thực phẩm Bích Chi giai đoạn 2019 - 2023. Nguồn: Trung tâm dữ liệu kinhtechungkhoan.vn

Doanh thu và lợi nhuận Thực phẩm Bích Chi giai đoạn 2019 - 2023.

Nguồn: Trung tâm Dữ liệu kinhtechungkhoan.vn

Hiện nay, cơ cấu cổ đông của Thực phẩm Bích Chi khá tập trung với nhóm cổ đông lớn sở hữu từ 5% vốn cổ phần trở lên. Tất cả các cổ đông lớn đều là cá nhân. Trong đó, ông Phạm Thanh Bình, Thành viên HĐQT kiêm TGĐ Bích Chi là cổ đông lớn nhất với 14,44% vốn điều lệ. Theo sau là ông Bùi Văn Sáu - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc sở hữu 10,01%, Chủ tịch HĐQT Mai Thế Khôi nắm 9,7%, và Nguyễn Hương Liên chiếm 9,72%. Nhóm cổ đông lớn này nắm giữ tổng cộng 62,52% cổ phần của công ty.

Về hoạt động kinh doanh, Thực phẩm Bích Chi chủ yếu sản xuất chế biến lương thực, thực phẩm và kinh doanh xuất nhập khẩu các loại thực phẩm. Công ty nổi bật với bốn nhóm sản phẩm chủ lực, gồm bánh phồng tôm, bột, hủ tiếu, bánh phở, bún, miến, và bánh tráng. Trong đó, bánh phồng tôm và các sản phẩm hủ tiếu - phở - bún - miến chiếm tỷ trọng doanh thu lớn, dao động từ 75-78%. Các sản phẩm này đã trở thành những món ăn quen thuộc và được ưa chuộng rộng rãi tại thị trường trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, Thực phẩm Bích Chi cũng sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thứ yếu hoặc mới ra mắt như cháo ăn liền, kẹo gạo lức đậu phộng, trà sữa, matcha trà xanh, và trà chanh. Những sản phẩm mới này đang dần được thị trường đón nhận và góp phần làm đa dạng hóa danh mục sản phẩm của công ty.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 cho thấy doanh thu thuần đạt 206,2 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng mạnh lên 32,1 tỷ đồng, tăng hơn 59%. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 570,9 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 86 tỷ đồng, lần lượt tăng 34,7% và 73,2% so với năm 2023. Đặc biệt, Công ty đã hoàn thành 93% kế hoạch doanh thu và vượt 7,5% mục tiêu lợi nhuận chỉ sau 9 tháng.

Thực phẩm Bích Chi: Làm ăn tốt, nhưng vì sao cổ phiếu vẫn thiếu sức hút?
Thực phẩm Bích Chi nổi danh với sản phẩm bánh phồng tôm, mang về lợi nhuận đều đặn cho Công ty.

Trong giai đoạn 2019 – 2023, doanh thu hàng năm của Thực phẩm Bích Chi luôn vượt 500 tỷ đồng, với đỉnh cao là năm 2022 với 697,87 tỷ đồng. Lợi nhuận của Công ty cũng luôn đạt trên 60 tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn này, trong đó năm 2022 Công ty ghi nhận lợi nhuận lên tới 108,16 tỷ đồng.

Với kết quả kinh doanh ấn tượng và chính sách cổ tức hấp dẫn như trên, điều bất ngờ là cổ phiếu BCF của Thực phẩm Bích Chi lại giao dịch rất èo uột trên thị trường.

Thanh khoản thấp – "nốt trầm" trong hoạt động của Bích Chi

Mặc dù có kết quả kinh doanh tốt và chính sách cổ tức hấp dẫn, cổ phiếu Bích Chi lại không được nhà đầu tư quan tâm. Kể từ khi niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vào năm 2019, cổ phiếu BCF thường xuyên rơi vào tình trạng “trắng thanh khoản”.

Trong cả năm 2024, chỉ có 574.780 cổ phiếu BCF được giao dịch, với nhiều phiên không có bất kỳ lệnh khớp nào. Sau 250 phiên trong cả năm, khối lượng đặt bán cổ phiếu BCF là 3.251.873 cp trong khi khối lượng đặt mua chỉ là 2.369.480 CP, cho thấy nhà đầu tư khá ‘lạnh nhạt’ với cổ phiếu này dù công ty duy trì cổ tức hấp dẫn và làm ăn lãi lớn. Bình quân mỗi phiên giao dịch, có khoảng hơn 2.000 cổ phiếu BCF được khớp lệnh.

Tình hình giao dịch trầm lắng của BCF tiếp diễn từ đầu năm 2025, với chỉ 5.292 cổ phiếu được khớp lệnh qua 16 phiên. Trong tháng 1/2025, có rất nhiều phiên giao dịch cổ phiếu BCF ‘trắng’ thanh khoản. Đơn cử, phiên giao dịch ngày 23/1/2025 chỉ có 300 cổ phiếu BCF được khớp lệnh, tổng giá trị 12 triệu đồng; ngày 22/1 là 3.636 cổ phiếu với 144 triệu đồng trong khi các ngày 20/1 và 21/1 đều không có cổ phiếu nào được khớp lệnh.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do đặc điểm cơ cấu sở hữu của Công ty. Hiện tại, 62,52% vốn điều lệ của Bích Chi do 8 cổ đông cá nhân lớn nắm giữ, với tỷ lệ sở hữu cao nhất thuộc về ông Phạm Thanh Bình - Chủ tịch HĐQT (14,44%). Điều này khiến lượng cổ phiếu tự do lưu hành trên thị trường bị hạn chế, dẫn đến thanh khoản thấp.

Thực phẩm Bích Chi: Làm ăn tốt, nhưng vì sao cổ phiếu vẫn thiếu sức hút?
Cổ phiếu BCF của Thực phẩm Bích Chi nhiều phiên 'trắng' thanh khoản trong giai đoạn vừa qua. Nguồn: Trung tâm dữ liệu kinhtechungkhoan.vn

Ngoài ra, Bích Chi là doanh nghiệp có lộ trình niêm yết khá đặc biệt. Công ty nộp hồ sơ từ năm 2010 nhưng mất gần 10 năm để chính thức được niêm yết vào cuối năm 2019. Trong khoảng thời gian này, sự chú ý của nhà đầu tư phần nào giảm sút. Đồng thời, việc Công ty tập trung vào ngành hàng tiêu dùng truyền thống, ít yếu tố tăng trưởng đột phá, cũng khiến cổ phiếu không đủ hấp dẫn để thu hút dòng tiền trên thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, giá trị giao dịch thấp và sự lạnh nhạt từ thị trường cũng tạo ra một vòng lặp tiêu cực, khi nhà đầu tư càng e ngại do thanh khoản kém. Tình trạng này làm giảm tính hấp dẫn của cổ phiếu, mặc dù công ty duy trì hiệu quả kinh doanh ổn định.

Để cải thiện thanh khoản, Bích Chi có thể cân nhắc các biện pháp như tăng tỷ lệ cổ phiếu tự do lưu hành, thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc phát hành cổ phiếu mới để thu hút thêm nhà đầu tư. Đồng thời, Công ty cần tăng cường truyền thông, minh bạch thông tin để cải thiện hình ảnh trên thị trường chứng khoán.

Với nền tảng kinh doanh ổn định, thương hiệu uy tín trong ngành thực phẩm chế biến và tiềm năng mở rộng thị trường, Thực phẩm Bích Chi vẫn có nhiều cơ hội để khắc phục tình trạng hiện tại. Tuy nhiên, việc cân đối giữa chiến lược kinh doanh bền vững và chính sách tài chính linh hoạt là yếu tố quyết định để cổ phiếu BCF trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư.

Cao Thái

Cao Thái

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán