Bài 7: Giải bài toán thanh khoản cổ phiếu thấp, doanh nghiệp cần làm gì?

24/01/2025 - 08:39
(Bankviet.com) TS. Trần Thăng Long, Giám đốc Trung tâm phân tích nghiên cứu, Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC) đã có những phân tích về bức tranh thanh khoản nói chung, và hiện tượng hàng loạt doanh nghiệp làm ăn phát đạt, cổ tức hấp dẫn nhưng cổ phiếu kém thanh khoản trong thời gian dài.

Những mất mát khi CP thanh khoản thấp

Là người có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu thị trường chứng khoán, chia sẻ với Kinh tế Chứng khoán Việt Nam, TS Trần Thăng Long cho rằng, khả năng thanh khoản của một cổ phiếu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm các yếu tố vĩ mô, nội tại doanh nghiệp và yếu tố liên quan đến thị trường. Ở góc độ vĩ mô, những yếu tố như tình hình kinh tế, lãi suất, chính sách tiền tệ và mức độ phát triển của thị trường vốn, đặc biệt là thị trường chứng khoán có vai trò rất lớn. Một thị trường minh bạch, ổn định và có niềm tin từ nhà đầu tư sẽ giúp cổ phiếu dễ dàng giao dịch hơn.

Ở cấp độ doanh nghiệp, các yếu tố như kết quả kinh doanh, chiến lược phát triển, tình hình tài chính, tỷ lệ free-float… đóng vai trò then chốt. Công ty có hoạt động kinh doanh hiệu quả, minh bạch thông tin và tỷ lệ cổ phiếu tự do giao dịch cao sẽ dễ dàng thu hút nhà đầu tư hơn, qua đó cải thiện được thanh khoản.

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Trung tâm phân tích, Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC)
Theo TS Trần Thăng Long cho rằng, Công ty có hoạt động kinh doanh hiệu quả, minh bạch thông tin và tỷ lệ cổ phiếu tự do giao dịch cao sẽ dễ dàng thu hút nhà đầu tư

Theo chuyên gia này, việc thanh khoản kém có tác động trực tiếp đến doanh nghiệp theo nhiều cách.

Trước hết, nó hạn chế khả năng huy động vốn từ thị trường chứng khoán, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thực hiện các kế hoạch mở rộng hoặc đầu tư mới.

Bên cạnh đó, cổ phiếu thanh khoản thấp thường bị thị trường định giá thấp hơn giá trị thực, làm giảm uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp. Không chỉ vậy, điều này còn khiến các nhà đầu tư lớn e ngại, dẫn đến việc doanh nghiệp phải chấp nhận chi phí vốn cao hơn khi tìm kiếm nguồn tài trợ.

Ông cho rằng, để khắc phục tình trạng thanh khoản thấp, doanh nghiệp cần chủ động công bố thông tin một cách minh bạch, đầy đủ và kịp thời các báo cáo tài chính, chiến lược kinh doanh và các thông tin quan trọng khác. Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) thông qua việc tổ chức các buổi gặp gỡ, roadshow, chủ động cung cấp thông tin và giải đáp thắc mắc cho nhà đầu tư. Doanh nghiệp cũng nên xem xét việc nâng cao tỷ lệ free-float, tức là tăng tỷ lệ cổ phiếu được tự do giao dịch trên thị trường. Cuối cùng, hợp tác với các công ty chứng khoán để sử dụng dịch vụ tạo lập thị trường cũng là một giải pháp hiệu quả để hỗ trợ thanh khoản cho cổ phiếu.

Cổ phiếu tốt nhưng kém thanh khoản, vì sao?

Bàn về hiện tượng nhiều rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh tốt, cổ tức hấp dẫn nhưng cổ phiếu thanh khoản rất thấp, chuyên gia Trần Thăng Long nhận định, thị trường chứng khoán phản ánh các kỳ vọng trong tương lai; nên khi doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt hay cổ tức hấp dẫn, phần nhiều đã phản ánh vào trong giá của cổ phiếu. Trong khi đó, thanh khoản lại phản ánh một phần nào đó vào tương lai.

Ông cho biết, hiện nay trên thị trường, tình hình thanh khoản chung đều rất thấp. Nguyên nhân chính gây ra những hiện tượng này đến từ các yếu tố tiêu cực và bất định từ bên ngoài. Phần lớn bắt nguồn từ nền kinh tế và các chính sách của Hoa Kỳ.

Diễn biến giao dịch cổ phiếu VC6 của Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư Visicons trong những phiên gần đây. Nguồn: Trung tâm dữ liệu kinhtechungkhoan.vn
Diễn biến giao dịch cổ phiếu VC6 của Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư Visicons trong những phiên gần đây. Nguồn: Trung tâm dữ liệu kinhtechungkhoan.vn

Cụ thể, việc ông Donald Trump sẽ có nhiệm kỳ thứ 2 tại Nhà Trắng với một loạt các chính sách rất mạnh hướng đến thúc đẩy kinh tế Mỹ đang được thế giới đánh giá có tính bất định rất cao, và đẩy kỳ vọng lạm phát tăng. Điều này vô hình chung gây ra hai vấn đề.

Thứ nhất, việc tốc độ cắt giảm lãi suất của FED chậm lại, trong bối cảnh chung toàn cầu đã và đang cắt giảm lãi suất, có thể sẽ khiến cho sức mạnh của Đô-la Mỹ tăng lên, tạo nên một áp lực tỷ giá lớn lên các quốc gia trên toàn cầu, và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, khi độ mở của nền kinh tế Việt Nam là rất cao. Với việc tỷ giá tăng trong ngắn hạn, những lo ngại liên quan đến việc gia tăng lãi suất tại Việt Nam để kiềm chế tỷ giá, khiến cho một bộ phận các nhà đầu tư trong nước tạm thời đứng ngoài.

Thứ hai, lạm phát kỳ vọng đẩy lên cao, khiến cho lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ gia tăng ở các kỳ hạn. Hiện tại, Lợi tức TPCP 10 năm của Mỹ đang ở mức 4.65%, trong khi đó lợi tức TPCP 10 năm của Việt Nam là 2.70%, tạo ra một khoản chênh lệch tương đối lớn. Thêm vào đó, các cơ hội đầu tư vào xu hướng AI (tại Mỹ) lại đang thịnh hành, khiến cho dòng tiền nước ngoài rời bỏ khỏi thị trường Việt Nam tăng cao.

“Như vậy, có thể thấy, một lượng thanh khoản bị hụt đi từ cả nguồn lực trong nước cũng như là nước ngoài là tác động chính khiến tình trạng thị trường nói chung và rất nhiều cổ phiếu nói riêng rơi vào trạng thái thanh khoản thấp như hiện nay”, chuyên gia Trần Thăng Long cho biết.

Giải pháp cho tình trạng cổ phiếu kém thanh khoản

Chuyên gia Trần Thăng Long cho biết, với việc các áp lực chủ yếu đến từ bên ngoài và ảnh hưởng cùng những lực đó tác động đến toàn bộ thị trường thì chúng ta có thể kỳ vọng vào việc các nhà quản lý có những bước đột phá trong tiến trình nâng hạng thị trường, như thế có thể giúp cho các nhà đầu tư ngoại cân nhắc kỹ lưỡng hơn về thị trường chứng khoán Việt Nam, làm thuyên giảm áp lực bán ròng và thậm chí có thể đảo chiều xu hướng này, gián tiếp củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Có chỉ số tài chính tốt nhưng cổ phiếu NFC (Phân lân Ninh Bình) giao dịch rất èo uột trong thời gian qua, nhiều phiên 'trắng' thanh khoản. Nguồn: Trung tâm dữ liệu kinhtechungkhoan.vn

Có chỉ số tài chính tốt nhưng cổ phiếu NFC (Phân lân Ninh Bình) giao dịch rất èo uột trong thời gian qua, nhiều phiên 'trắng' thanh khoản.

Nguồn: Trung tâm Dữ liệu kinhtechungkhoan.vn

Bên cạnh đó, theo ông, chúng ta cũng có thể kỳ vọng vào việc Chính phủ tạo ra các cơ chế để thu hút luồng vốn FDI trong bối cảnh có sự dịch chuyển chuỗi sản xuất trên toàn cầu, đồng thời, có những hướng dẫn kịp thời trong các văn bản chính sách, luật định mới được ban hành gần đây, để doanh nghiệp hiểu hơn, và có niềm tin hơn trong việc mở rộng kinh doanh, gián tiếp củng cố nhà đầu tư nội địa, để từ đó, mở rộng đầu tư nhiều hơn.

Ngoài các nỗ lực đến từ chính sách, tự bản thân các doanh nghiệp cũng cần tạo niềm tin cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, với việc công bố thông tin minh bạch hơn, giao tiếp về kế hoạch kinh doanh rõ ràng… Đây sẽ là những điểm cộng cho việc thu hút nhà đầu tư cải thiện thanh khoản cổ phiếu.

Thị trường chứng khoán Việt Nam 2024: Hai nửa đối lập và triển vọng 2025

Theo ông Trần Thăng Long, năm 2024, TTCK Việt Nam trải qua hai nửa đối lập. Nửa đầu năm chứng kiến VN-Index tăng hơn 10%, với giá trị giao dịch (GTGD) bình quân/phiên đạt 23,895 tỷ đồng trong quý 1 và 25,280 tỷ đồng trong quý 2. Tuy nhiên, nửa cuối năm trầm lắng khi khối ngoại bán ròng kỷ lục 92,565 tỷ đồng (~3,7 tỷ USD), trong khi dòng tiền nội suy yếu, kéo GTGD bình quân về 20,985 tỷ đồng/phiên.

Chuyên gia này nhận định, sang 2025, tâm lý thận trọng vẫn chi phối đầu năm do áp lực tỷ giá và đà bán ròng của khối ngoại. Dù vậy, triển vọng thị trường vẫn tích cực nhờ các yếu tố hỗ trợ. Chính sách tiền tệ linh hoạt, lãi suất hợp lý và kỳ vọng nâng hạng từ FTSE Russell vào tháng 9/2025 tạo động lực lớn. Thị trường có thể thu hút dòng vốn ETF và quỹ chủ động trị giá 3,5-4 tỷ USD, tăng cường thanh khoản.

Bên cạnh đó, việc triển khai hệ thống giao dịch mới, sản phẩm tài chính đặc thù (bán khống, quyền chọn cổ phiếu, day-trading) và thị trường tín chỉ các-bon sẽ thu hút thêm nhà đầu tư. Các hoạt động IPO, niêm yết mới và chuyển sàn cũng dự kiến sôi động hơn, gia tăng lựa chọn đầu tư.

Nửa cuối 2025, thanh khoản kỳ vọng cải thiện mạnh khi chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả và niềm tin nhà đầu tư được củng cố. Dự báo GTGD bình quân/phiên đạt 23,126 tỷ đồng, tăng 10,2% so với 2024.

Tìm giải pháp tăng thanh khoản cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán

LTS: Thanh khoản là "mạch máu" của thị trường chứng khoán, phản ánh sức sống và sự hấp dẫn của từng cổ phiếu. Năm 2024, ...

Bài 2: Kinh doanh phát đạt, cổ phiếu Ô tô Trường Long vẫn 'tắc' thanh khoản

Quan sát thị trường chứng khoán Việt Nam, không khó để thấy nhiều doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, trả cổ tức hấp dẫn nhưng ...

Bài 3: Sơn Á Đông: Vốn tăng, thanh khoản "chìm", cổ tức trả đều như "vắt tranh"

Công ty CP Sơn Á Đông (HOSE: ADP) là doanh nghiệp có tên tuổi trên thị trường khi nắm giữ lượng lớn thị phần toàn ...

Bài 4: CLW của Cấp nước Chợ Lớn: Mã chứng khoán thường xuyên ‘trắng’ thanh khoản dù kinh doanh khởi sắc

Công ty CP Cấp nước Chợ Lớn (HOSE: CLW) là một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp nước sạch tại TP.HCM, với ...

Bài 5: Điện Miền Trung (SEB): Kinh doanh hiệu quả, cổ phiếu "ngủ đông" trên thị trường

Công ty CP Đầu tư và Phát triện Điện Miền Trung (HNX: SEB) duy trì tỷ suất lợi nhuận ấn tượng và chính sách chia ...

Bài 6: Thực phẩm Bích Chi: Làm ăn tốt, cổ phiếu vẫn không "hút" được dòng tiền

Thực phẩm Bích Chi là doanh nghiệp thực phẩm chế biến hàng đầu tại Việt Nam, nổi bật với kết quả kinh doanh ổn định ...

Cao Thái

Cao Thái

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán