Bài 9: Chi phí vốn, định giá doanh nghiệp và vai trò của thanh khoản cổ phiếu trên thị trường

25/01/2025 - 12:41
(Bankviet.com) Trả lời phỏng vấn của Kinh tế Chứng khoán Việt Nam, Tiến sĩ Dương Ngân Hà - giảng viên Học viện Ngân hàng đã có những phân tích sâu sắc, đồng thời gợi mở các giải pháp nhằm tăng thanh khoản cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Thanh khoản cổ phiếu tác động lớn đến hoạt động doanh nghiệp

Theo Tiến sĩ, khả năng thanh khoản của một cổ phiếu phụ thuộc vào những yếu tố nào?

T.S Dương Ngân Hà: Thanh khoản của một cổ phiếu thường được đánh giá thông qua khối lượng giao dịch của cổ phiếu trên thị trường. Những cổ phiếu thanh khoản cao thường là những cổ phiếu có khả năng chuyển đổi thành tiền (mua bán) dễ dàng.

Thanh khoản của cổ phiếu phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Thứ nhất, khối lượng cổ phiếu niêm yết hay giá trị vốn hóa thị trường. Các cổ phiếu có giá trị vốn hóa thị trường lớn thường có thanh khoản cao do nhiều nhà đầu tư nắm giữ, do đó, việc giao dịch trở nên dễ dàng hơn, ví dụ như HPG, VIC, SSI, DXG, DIG

Thứ hai, khối lượng cổ phiếu lưu hành tự do trên thị trường (tỷ lệ free-float). Một số doanh nghiệp có khối lượng cổ phiếu niêm yết lớn nhưng tỷ lệ cổ phiếu lưu hành tự do thấp thì thanh khoản của cổ phiếu thường sẽ không quá cao. Ví dụ như một số cổ phiếu trong nhóm VN30 như: VCB, BID, GAS, GVR có tỷ lệ free-float ở mức khá thấp do phần lớn lượng cổ phiếu của các công ty này thuộc sở hữu của Nhà nước.

Chuyên gia ‘bốc thuốc’ cho hiện tượng nhiều cổ phiếu không có thanh khoản
Tiến sỹ Dương Ngân Hà, Giảng viên Học viện Ngân hàng

Thứ ba, bên cạnh tỷ lệ free-float, số lượng cổ đông nắm giữ cổ phiếu hoặc tỷ lệ sở hữu của các cổ đông lớn tại công ty sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới thanh khoản của cổ phiếu. Một số công ty niêm yết có tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn (không phải cổ đông Nhà nước) quá lớn (70%-80%) dẫn tới sự đầu cơ và hạn chế trong giao dịch, khiến thanh khoản của nhóm cổ phiếu này cũng không cao.

Thứ tư, kết quả kinh doanh của công ty. Thông thường, nếu công ty có kết quả kinh doanh tốt, chính sách cổ tức cao, nhà đầu tư sẽ quan tâm nhiều hơn và cổ phiếu cũng dễ mua bán trên thị trường, từ đó cải thiện thanh khoản của cổ phiếu.

Thứ năm, thanh khoản của cổ phiếu còn phụ thuộc vào cung cầu trên thị trường chứng khoán hay có thể hiểu là xu thế chung của thị trường. Trong một thị trường tăng giá, thanh khoản thường được cải thiện, và ngược lại, thanh khoản sẽ thu hẹp trong thị trường giảm giá. Một thị trường tăng giá thường khiến bên cầu áp đảo, lúc này cổ phiếu tốt hay chưa thực sự tốt đều thu hút được nhà đầu tư. Ngược lại, trong giai đoạn thị trường suy giảm, nguồn cung bão hòa, cổ phiếu cũng khó tăng giá, thậm chí xu hướng giảm giá chung của thị trường đôi khi đánh đồng giữa các cổ phiếu tốt và xấu.

Cổ phiếu kém thanh khoản tác động thế nào đến hoạt động của doanh nghiệp, thưa Tiến sĩ?

T.S Dương Ngân Hà: Trong nghiên cứu học thuật cũng như thực tế từ thị trường giao dịch đã chỉ ra rằng thanh khoản của cổ phiếu có tác động tới các hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm: định giá doanh nghiệp và chiến lược tài chính của doanh nghiệp.

Thứ nhất, thanh khoản ảnh hưởng tới chi phí vốn chủ sở hữu và hoạt động định giá doanh nghiệp. Các cổ phiếu thanh khoản kém giao dịch khó hơn làm tăng chi phí giao dịch và tăng rủi ro cho nhà đầu tư, dẫn tới chi phí vốn chủ sở hữu cao hơn. Bên cạnh đó, các công ty có cổ phiếu thanh khoản kém sẽ khó thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, dẫn đến việc huy động vốn gặp khó khăn. Chi phí vốn cao dẫn tới định giá doanh nghiệp thấp, giá trị vốn hóa thị trường của cổ phiếu cũng có thể giảm do cổ phiếu được giao dịch ở mức giá thấp.

Thứ hai, thanh khoản ảnh hưởng tới số lượng cổ đông và nhà đầu tư cơ sở của công ty. Thanh khoản là yếu tố quan trọng mà các nhà đầu tư tổ chức rất quan tâm, bởi họ thường là những người thực hiện các giao dịch khối lượng lớn mà không gây tác động đáng kể tới giá cổ phiếu. Do vậy, nếu cổ phiếu thanh khoản kém sẽ khó thu hút các nhà đầu tư tổ chức và cả các nhà đầu tư cá nhân. Thêm vào đó, sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức cũng có thể tạo ra những mặt tích cực trong vấn đề quản trị doanh nghiệp.

Thứ ba, thanh khoản là một trong những yếu tố quan trọng khi xem xét điều kiện để đưa các cổ phiếu vào rổ chỉ số chứng khoán. Thanh khoản kém khiến nhiều doanh nghiệp mất cơ hội được lựa chọn vào danh mục của các chỉ số của các quỹ ETF nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, đồng nghĩa với việc mất đi cơ hội tiếp cận với các nhà đầu tư nước ngoài, giảm khả năng huy động vốn trong tương lai.

Cải thiện thanh khoản cổ phiếu phải bắt đầu từ quan điểm của chính doanh nghiệp

Trên thị trường hiện nay, có nhiều trường hợp doanh nghiệp kinh doanh rất tốt, cổ tức hấp dẫn nhưng cổ phiếu thanh khoản rất thấp. Tiến sĩ có những phân tích và lý giải thế nào về hiện tượng này?

T.S Dương Ngân Hà: Như đã trao đổi ở phía trên, kết quả kinh doanh tốt hay cổ tức hấp dẫn chỉ là một trong những yếu tố tác động đến thanh khoản cổ phiếu. Các yếu tố còn lại cũng đóng vai trò quan trọng.

Giả sử một doanh nghiệp làm ăn tốt nhưng giá trị vốn hóa nhỏ (khối lượng cổ phiếu niêm yết thấp), thì thanh khoản cổ phiếu cũng sẽ thấp. Hoặc một doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt nhưng 80% số lượng cổ phần thuộc sở hữu của cổ đông lớn, chỉ còn 20% cổ phiếu lưu hành tự do, điều này dẫn tới khối lượng giao dịch không nhiều.

Ví dụ như cổ phiếu VLC của Công ty CP Chăn nuôi Việt Nam, kết quả kinh doanh tốt, cổ tức ổn định nhưng khối lượng giao dịch khá thấp. VLC có tới 76,35% cổ phần do cổ đông lớn nắm giữ, trong đó Vinamilk nắm hơn 68% cổ phần của VLC. Cá biệt, có những doanh nghiệp như CTCP Mai táng Hải Phòng (CPH) kinh doanh tốt, cổ tức cao ở mức 16%-18% nhiều năm liên tiếp, nhưng thanh khoản gần như không có, cổ phiếu luôn yết giá rất thấp.

Chuyên gia ‘bốc thuốc’ cho hiện tượng nhiều cổ phiếu không có thanh khoản
Cổ phiếu CPH của Công ty CP Phục vụ mai táng Hải Phòng 'trắng' thanh khoản suốt thời gian qua, dù doanh nghiệp này làm ăn tốt và cổ tức hấp dẫn. Nguồn: Trung tâm dữ liệu kinhtechungkhoan.vn

Từ góc nhìn của một chuyên gia, bà có thể gợi ý giải pháp nào để cải thiện khả năng thanh khoản cổ phiếu của những doanh nghiệp này?

T.S Dương Ngân Hà: Để giải quyết vấn đề thanh khoản cổ phiếu, trước hết cần xác định liệu doanh nghiệp có muốn cải thiện thanh khoản hay không.

Việc tăng thanh khoản đồng nghĩa với tăng số lượng nhà đầu tư cơ sở, số lượng cổ đông tăng lên, lượng cổ phiếu lưu hành tự do lớn hơn, điều này có thể ảnh hưởng tới quyền kiểm soát của các cổ đông lớn.

Nếu doanh nghiệp muốn cải thiện thanh khoản, giải pháp là tăng số lượng nhà đầu tư cơ sở thông qua hoạt động tăng vốn điều lệ, phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hoặc bán cổ phiếu cho các đối tác, nhà đầu tư tổ chức. Đây là cách trực tiếp và nhanh chóng để tăng khối lượng niêm yết và lưu hành của cổ phiếu trên thị trường.

Trên thị trường, có những doanh nghiệp niêm yết lâu năm trên cả HNX và HOSE như: CLW, BCF... nhưng thanh khoản rất kém. Theo Tiến sĩ, có nên đưa quy định thanh khoản vào tiêu chí niêm yết không?

T.S Dương Ngân Hà: CLW, BCF chỉ là hai trong số những doanh nghiệp có hiện tượng cổ phiếu giao dịch èo uột. Có thể kể đến những mã chứng khoán khác như TRA của Công ty CP Traphaco niêm yết từ 2008, thanh khoản trung bình chỉ đạt 2000-3000 cổ phiếu cho 1 phiên giao dịch, chi trả cổ tức đều đặn 20% bằng tiền mặt; VCF của Công ty CP Vinacafe Biên Hòa, niêm yết từ 2011, thanh khoản trung bình đạt hơn 700 cổ phiếu mỗi phiên, chi trả cổ tức tiền mặt ở mức rất cao, lên tới 200-300%, IDC của Công ty CP đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Idico, niêm yết từ năm 2007, thanh khoản trung bình đạt 1600-2000 cổ phiếu, chi trả cổ tức tiền mặt đều đặn từ 15% - 30%...

Như vậy có thể thấy CLW không phải trường hợp cá biệt trong nhóm DN quy mô lớn, lịch sử hoạt động dài, chi trả cổ tức đều đặn những thanh khoản lại rất kém. Điểm chung của những doanh nghiệp này có thể kể đến là tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn ở mức trên 60%, thậm chí lên tới 98,79% (MSN sở hữu 98.79% cổ phần của VCF), các DN này đều thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt nhiều năm liên tiếp và không thực hiện tăng vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu. Đây có lẽ cũng chính là nguyên nhân dẫn tới số lượng cổ phiếu lưu hành thực tế thấp, kéo theo thanh khoản thấp, thậm chí là không có thanh khoản.

Câu hỏi đặt ra là có nên đưa tiêu chí thanh khoản vào điều kiện niêm yết và duy trì niêm yết của cổ phiếu hay không? Thực tế tiêu chí về thanh khoản chưa được đưa trực tiếp vào điều kiện niêm yết hay duy trì niêm yết tại các SGDCK Việt Nam.

Hiện tại, tiêu chí thanh khoản chưa được đưa vào điều kiện niêm yết hoặc duy trì niêm yết. Các quy định hiện hành chủ yếu tập trung vào tỷ lệ cổ phiếu do cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ, ví dụ như tổ chức niêm yết phải có tối thiểu 15% cổ phiếu do ít nhất 100 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ.

Tôi cho rằng không cần thêm điều kiện thanh khoản, nhưng cần làm rõ hơn các quy định về duy trì niêm yết để tránh trường hợp tỷ lệ cổ đông nhỏ lẻ giảm sau khi niêm yết, dẫn đến thanh khoản thấp.

Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Bài 2: Kinh doanh phát đạt, cổ phiếu Ô tô Trường Long vẫn 'tắc' thanh khoản

Quan sát thị trường chứng khoán Việt Nam, không khó để thấy nhiều doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, trả cổ tức hấp dẫn nhưng ...

Bài 3: Sơn Á Đông: Vốn tăng, thanh khoản "chìm", cổ tức trả đều như "vắt tranh"

Công ty CP Sơn Á Đông (HOSE: ADP) là doanh nghiệp có tên tuổi trên thị trường khi nắm giữ lượng lớn thị phần toàn ...

Bài 4: CLW của Cấp nước Chợ Lớn: Mã chứng khoán thường xuyên ‘trắng’ thanh khoản dù kinh doanh khởi sắc

Công ty CP Cấp nước Chợ Lớn (HOSE: CLW) là một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp nước sạch tại TP.HCM, với ...

Bài 5: Điện Miền Trung (SEB): Kinh doanh hiệu quả, cổ phiếu "ngủ đông" trên thị trường

Công ty CP Đầu tư và Phát triện Điện Miền Trung (HNX: SEB) duy trì tỷ suất lợi nhuận ấn tượng và chính sách chia ...

Bài 6: Thực phẩm Bích Chi: Làm ăn tốt, cổ phiếu vẫn không "hút" được dòng tiền

Thực phẩm Bích Chi là doanh nghiệp thực phẩm chế biến hàng đầu tại Việt Nam, nổi bật với kết quả kinh doanh ổn định ...

Bài 7: Giải bài toán thanh khoản cổ phiếu thấp, doanh nghiệp cần làm gì?

TS. Trần Thăng Long, Giám đốc Trung tâm phân tích nghiên cứu, Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC) đã có những phân tích về ...

Bài 8: Niềm tin - đòn bẩy quan trọng cho thanh khoản của cổ phiếu

Trao đổi với Kinh tế Chứng khoán Việt Nam, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB chỉ ...

Cao Thái

Cao Thái

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán