Ban hành danh mục phân loại xanh là vấn đề cấp thiết

11/04/2024 - 21:26
(Bankviet.com) Đối với ngành Ngân hàng, chỉ khi có danh mục phân loại xanh, các tổ chức tín dụng (TCTD) mới có cơ sở để đánh giá cụ thể đối với từng khách hàng, doanh nghiệp trong quá trình thẩm định cho vay; tập trung, ưu tiên bố trí nguồn vốn hợp lý tài trợ cho các dự án. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc và vẫn chưa thể ban hành danh mục phân loại xanh.
tin-dung-xanh-tai-cac-nuoc-tren-the-gioi-153057.jpg
Cần có quy định chung về Danh mục phân loại xanh quốc gia phù hợp với phân loại ngành kinh tế và thông lệ quốc tế (Ảnh minh họa)

Về vấn đề này, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực ASEAN xây dựng được một hướng dẫn thống kê về tín dụng theo phân loại xanh, tuy nhiên hướng dẫn về 12 ngành xanh do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành từ năm 2017, chưa phải là danh mục phân loại xanh quốc gia và chưa có sự thống nhất về việc phân loại lĩnh vực xanh của các bộ, ngành khác, chưa đảm bảo xác định, thống kê đầy đủ nguồn lực tín dụng xanh của ngành Ngân hàng cho nền kinh tế nên tỷ trọng tín dụng xanh mới chiếm 4,5% dư nợ nền kinh tế.

"Do vậy, cần có quy định chung về danh mục phân loại xanh quốc gia phù hợp với phân loại ngành kinh tế và thông lệ quốc tế. Từ đó, các TCTD có cơ sở để đánh giá cụ thể đối với từng khách hàng, doanh nghiệp trong quá trình thẩm định cho vay; tập trung, ưu tiên bố trí nguồn vốn hợp lý tài trợ cho các dự án thuộc Danh mục phân loại xanh", bà Phạm Thị Thanh Tùng nhận định.

PGS-TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT cho rằng việc xây dựng hệ thống danh mục phân loại xanh đóng vai trò rất quan trọng đối với Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Việc áp dụng chuẩn quốc tế trong việc đánh giá và phân loại các dự án xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho đất nước, từ khía cạnh kinh tế, môi trường đến xã hội.

Phân tích cụ thể hơn, PGS-TS. Nguyễn Đình Thọ cho rằng việc xây dựng mục phân loại xanh dựa trên chuẩn quốc tế giúp xác định rõ ràng những tiêu chí và yếu tố quan trọng trong việc đánh giá tính bền vững của các dự án. Điều này khuyến khích việc đầu tư và phát triển các dự án có tác động tích cực đến môi trường, đồng thời hạn chế sự phát triển của những dự án gây hại.

Bên cạnh đó, việc tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và tài trợ quốc tế là một yếu tố quan trọng. Các nhà đầu tư và tổ chức quốc tế ngày càng quan tâm đến các dự án xanh và bền vững. Bằng việc áp dụng chuẩn quốc tế trong việc phân loại các dự án, Việt Nam sẽ tạo ra sự minh bạch và tin tưởng cho cộng đồng quốc tế. Điều này giúp thu hút đầu tư và tài trợ quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và công nghệ trong nước.

Từ vai trò đó, PGS-TS. Nguyễn Đình Thọ khẳng định việc ban hành danh mục phân loại xanh là bức thiết và việc áp dụng các tiêu chuẩn như ESG là bắt buộc.

Dẫn chứng thực tế một Quỹ đầu tư quốc tế đã dành riêng 15,5 tỷ USD để đầu tư vào Việt Nam nhưng chưa thể xúc tiến vì chưa có danh mục phân loại xanh, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhấn mạnh việc ban hành danh mục phân loại xanh là cần thiết và khi ban hành rồi cũng cần cập nhật đầy đủ kịp thời

Nói về sự hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng danh mục phân loại xanh sớm được ban hành, bà Nguyễn Thiên Hương, Phụ trách chương trình Tư vấn phát triển ngân hàng bền vững, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) cho biết IFC, GIZ đã hỗ trợ và cam kết dài trong 2-3 năm gần đây để Việt Nam tiếp cận danh mục phân loại xanh quốc tế. Mục tiêu Việt Nam là thu hút vốn đầu tư quốc tế thông qua hệ thống ngân hàng hay đầu tư trực tiếp vào doanh nghiệp. Trong quá trình hỗ trợ, IFC, GIZ đã tham khảo nhiều danh mục xanh, đặc biệt danh mục xanh của ASEAN. Do vậy, Việt Nam cần có sự thống nhất trong phương án triển khai.

TS. Nguyễn Thanh Hải, đại diện GIZ cũng cho rằng Việt Nam nên áp dụng phương pháp chuyển đổi làm nền để xây dựng phân loại của riêng Việt Nam.

"Tuy nhiên, trước hết là danh mục phân loại xanh cần được bàn hành trước, ban hành sớm và nên theo thông lệ quốc tế và để đảm bảo chuẩn mực", đại diện GIZ nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Lại Văn Mạnh Trưởng ban Kinh tế TN&MT, Viện Chiến lược chính sách TN&MT (Bộ TN&MT) lại cho rằng việc áp dụng danh mục phân loại xanh của ASEAN vào Việt Nam thì lại rất khó vì không có chỉ số cụ thể môi trường. Vì vậy, phương án tối ưu là sử dụng quy chuẩn Việt Nam khoảng 90%, còn 10% là ứng dụng của các nước phát triển.

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng nhận định đây là nội dung rất quan trọng và hiện tại, Bộ KH&ĐT đang xây dựng đề án phân loại hệ thống ngành kinh tế xanh.

Minh Nhật

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ