Bánh trứng kiến có gì lạ?

10/07/2024 - 00:27
(Bankviet.com) Món bánh trứng kiến thu hút không ít người trong thời gian gần đây, bởi nó lạ từ cái tên cho đến hương vị.
Đậm đà hương vị bánh trứng kiến người Tày ở Tuyên Quang Bánh kẹo Việt xuất ngoại, chinh phục thị trường thế giới Bánh cốm Nguyên Ninh bị làm giả ngay trên "sân nhà"

Cứ vào khoảng đầu tháng Hai đến cuối tháng Ba âm lịch, người Tày ở vùng núi phía Đông Bắc lại bắt đầu vào rừng tìm kiếm trứng kiến đen, mang về chế biến thành món bánh đặc sản nức tiếng.

Bánh trứng kiến. Ảnh Du lịch Cao Bằng.
Bánh trứng kiến. Ảnh Du lịch Cao Bằng.

Món bánh trứng kiến thu hút thực khách bởi lạ từ cái tên cho đến hương vị, khiến nhiều người muốn mua ăn thử.

Được biết, bánh trứng kiến là đặc sản ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang... Đây là một món ăn không thể thiếu trong nhiều dịp lễ quan trọng của người Tày.

Không ai có thể nhớ bánh trứng kiến có từ bao giờ, nhưng mọi người vẫn thường truyền miệng nhau câu chuyện về nguồn gốc bánh trứng kiến. Chuyện kể rằng xưa kia ở một bản người Tày ở Cao Bằng có một gia đình kén rể cho con gái. Họ ra điều kiện nếu chàng rể nào mang đến một thứ bánh ngon, lạ họ sẽ gả con gái cho. Các chàng trai đua nhau chế biến các món bánh ngon làm từ những nguyên liệu quý để đem đi hỏi vợ. Trong đó, có một chàng trai nhà nghèo, không có điều kiện làm những thứ bánh trên. Anh bèn cầm dao lên rừng tìm kiếm, tìm mãi vẫn không thấy có thứ gì, bỗng anh phát hiện một tổ kiến to bám trên thân cây liền trèo lên chặt xuống, bổ ra thấy nhiều nhộng non trắng tinh. Anh chợt nghĩ đến việc dùng nhộng kiến rang lên để làm bánh với gạo nếp, gói trong lá cây vả. Thứ bánh giản dị nhưng độc đáo, thơm ngon ấy đã lấy được lòng gia đình cô gái, sau đó họ nên duyên vợ chồng. Từ đó đến nay, người ta chế biến món bánh trứng kiến trong những dịp lễ quan trọng và trở thành đặc sản chỉ riêng có ở vùng đất này.

Bánh trứng kiến là món ăn độc đáo của người dân Cao Bằng. Ảnh báo Cao Bằng
Bánh trứng kiến là món ăn độc đáo của người dân Cao Bằng. Ảnh báo Cao Bằng

Đúng như tên gọi, nguyên liệu chính làm bánh chính là trứng non của loài kiến đen, bột gạo nếp và lá cây vả. Trứng kiến chỉ có từ cuối xuân đến đầu hè, đây là thời gian loài kiến sinh trưởng mạnh nhất. Trứng kiến để làm bánh chỉ dùng trứng của loại kiến đen có thân nhỏ, đuôi nhọn và thường làm tổ trên cây vầu, sau sau. Trứng kiến ở những tổ này thường có màu trắng sữa, to bằng hạt gạo, rất mẩy, béo và có hàm lượng đạm cao. Những nguyên liệu chính để tạo nên món bánh trứng kiến thơm ngon đó là bột nếp, trứng kiến cùng lá non của cây vả.

Trứng kiến sau khi lấy từ rừng về đem đi rửa sạch, rồi xào chín cùng với thịt lợn xay nhuyễn, lạc, hành phi và củ kiệu xắt nhỏ... Phần vỏ bánh được làm bằng gạo nếp nương đã được xay thành bột, nhào nặn cho tới khi có độ dẻo, mịn. Mỗi chiếc bánh được gói bằng lá non đã tước bỏ cuống và gân lá của cây vả. Sau đó bánh được đem bánh hấp cách thủy khoảng 45 đến 50 phút là chín.

Để thưởng thức bánh trứng kiến, người ta thường chia thành từng miếng vuông vắn đẹp mắt, cắt vậy, bên dưới lớp áo bánh bằng lá vả, e ấp bên trong là lớp bột gạo dẻo thơm cùng lớp nhân thịt, trứng kiến trông rất hấp dẫn. Cắn một miếng, vị giác sẽ bất ngờ với sự kết hợp không thể hoàn hảo hơn của các nguyên liệu. Hương vị lá vả thơm, bùi, bột nếp dẻo cùng sự béo và ngậy mùi trứng kiến. Khi ăn không bóc tách lá vả, vì lá vả có hương vị riêng đặc sắc.

Bánh có nhân gồm trứng kiến, thịt lợn…, vỏ bánh làm bằng gạo nếp. Ảnh minh họa

Bánh trứng kiến có giá khoảng 20.000 – 30.000 đồng/chiếc hoặc 70.000 – 90.000 đồng/hộp. Ảnh: NVCC.

Cảm giác ăn rất lạ miệng, nhất là khi ăn những quả trứng kiến béo ngậy, to bằng hạt gạo, có màu trắng sữa ở phần nhân bánh. Vỏ bánh thì dẻo, thơm… Nói chung ăn rất "cuốn".

Bánh trứng kiến ăn nóng hay nguội đều ngon, tùy theo khẩu và và sở thích của mỗi người. Điều thú vị là lớp lá gói bánh cũng có thể ăn được. Nếu bánh được gói hai lớp lá, chỉ cần bóc bỏ lớp lá ngoài, bánh gói một lá cứ thế ăn trực tiếp.

Mùa trứng kiến năm chỉ có một lần, nên muốn có bánh ăn quanh năm cũng không được.

Món bánh trứng kiến được làm theo phương thức thủ công nên nhiều người nghi ngại về độ an toàn. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, người dân cần lựa chọn, tìm hiểu kỹ và đặt mua ở những địa chỉ đáng tin cậy.

Lưu ý khi ăn bánh trứng kiến: Nhiều người đã bị dị ứng với bánh trứng kiến với biểu hiện nổi mề đay khắp cơ thể, sưng môi, sưng mắt… Chính vì vậy người có cơ địa dị ứng không nên thử món bánh này.

Người Cao Bằng gọi bánh trứng kiến là “pẻng rày”, đây là một món ăn đặc biệt, ai đã từng thưởng thức qua không thể quên hương vị thơm ngon của bánh trứng kiến. Món ăn ấy chứa đựng cả nét đẹp trong tâm hồn người Cao Bằng hồn hậu, chất phác, cởi mở, hiếu khách, khéo léo và tinh tế của những người phụ nữ gắn bó với núi rừng.

Lê Nguyệt tổng hợp

Theo: Báo Công Thương