Tham dự Hội thảo, về phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có: Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán; bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền (PCRT); ông Đặng Hoàng Tùng, Phó Trưởng phòng An ninh thông tin, Cục Công nghệ thông tin (CNTT).
Về phía Bộ Công An có ông Nguyễn Thành Chung, Phó Trưởng phòng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05).
Về phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) có: Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký; ông Nguyễn Đăng Hùng, Chủ nhiệm CLB VietFintech; cùng các thành viên Ban chủ nhiệm và các thành viên CLB.
Thúc đẩy an ninh, an toàn trong lĩnh vực thanh toán
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, việc ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động thanh toán đang hình thành nhiều mô hình kinh doanh và phương thức thanh toán mới; từ đó dần hình thành hệ sinh thái số của ngành Ngân hàng, đóng vai trò kết nối và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tiện ích của ngân hàng nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng đổi mới của người dân.
Tuy nhiên, với mức độ tăng trưởng ngày càng lớn mạnh, các hành vi lừa đảo, gian lận gây mất an ninh, an toàn trong thanh toán diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi và khó lường. Trước bối cảnh đó, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với A05 (Bộ Công an), thường xuyên trao đổi để tìm ra những giải pháp cụ thể để ngăn chặn.
Thời gian qua, NHNN đã triển khai rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, tham mưu, đề xuất bổ sung các văn bản; chú trọng an ninh, an toàn trong thanh toán; đôn đốc, khuyến nghị, cảnh báo các TCTD trong và ngoài nước rà soát các vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn. Khuyến nghị nhiều giải pháp, lập danh sách về giao dịch nghi ngờ lừa đảo, gian lận, giả mạo thông qua bộ tiêu chí gợi ý gửi cho các TCTD, trung gian thanh toán.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, thực hiện nhiều cuộc kiểm tra chuyên đề về thanh toán tại các TCTD và trung gian thanh toán. Đặc biệt, ngày 24/4/2023, NHNN và Bộ Công an đã ký kết Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNN để triển khai việc làm sạch dữ liệu, thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách hàng. Đây là tiền đề để Quyết định 2345/QĐ-NHNN về việc triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng ra đời (ban hành ngày 18/12/2023).
“Để triển khai Quyết định 2345, đòi hỏi các TCTD, trung gian thanh toán cần rất nhiều nguồn lực, vật lực và nhân lực. Tuy nhiên, với trách nhiệm cộng đồng xã hội, đây là con đường bắt buộc phải làm để giảm thiểu rủi ro gian lận, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán”, ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Đại diện NHNN cũng thông tin thêm, tại Việt Nam hiện có 51/59 TCTD đã phối hợp với C06 Bộ Công an để triển khai xác thực khách hàng thông qua Căn cước công dân (CCCD) gắn chip tại quầy, 41/59 TCTD thực hiện xác thực CCCD gắn chip qua ứng dụng trên thiết bị di động và 14 đơn vị tham gia triển khai ứng dụng định danh điện tử công dân (VNeID). Có thể nói, các TCTD đã và đang bắt tay tích cực triển khai thu thập, kiểm tra, làm sạch dữ liệu thông tin sinh trắc học. "Đây là việc rất đáng hoan nghênh", ông Phạm Anh Tuấn bày tỏ.
Qua phát biểu, đại diện NHNN mong muốn nắm bắt nhiều hơn các thông tin triển khai liên quan đến Quyết định 2345 để có những chỉ đạo kịp thời, nhằm đảm bảo tính khả thi, đồng thời thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước, góp phần hạn chế hiện tượng gian lận, lừa đảo, xóa sổ các tài khoản không chính chủ…
Thông tin tại Hội thảo, ông Nguyễn Đăng Hùng, Chủ nhiệm CLB VietFintech cho biết, 3 năm vừa qua, Việt Nam chứng kiến sự phát triển lớn mạnh của thanh toán không dùng tiền mặt. Chỉ tính riêng tháng 1/2024, số lượng giao dịch thanh toán số tăng trưởng khoảng 63 – 64% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, giao dịch qua kênh Internet đạt khoảng 58% và qua điện thoại thông minh khoảng 68%. Các số liệu này thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của thanh toán số, đặc biệt sau giai đoạn COVID-19 và nhận được sự quan tâm của Chính phủ trong việc ban hành các chính sách về lĩnh vực thanh toán trong quá trình chuyển đổi số.
Đại diện CLB VietFintech đánh giá, Đề án 06 về Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; và Quyết định 2345/QĐ-NHNN là những quyết định quan trọng để thúc đẩy an ninh, an toàn trong lĩnh vực thanh toán số và thanh toán thẻ, qua đó góp phần đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt.
Phối hợp chặt chẽ để ngăn chặn gian lận, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua giao dịch trực tuyến
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Thành Chung, Phó Trưởng phòng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) trình bày một số nội dung liên quan đến thực trạng gian lận, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua giao dịch trực tuyến, như: Các đối tượng giả mạo nhân viên ngân hàng/viện kiểm sát/tòa án để lừa đảo người dân có hiểu biết hạn chế về pháp luật, sử dụng giấy tờ tùy thân của người khác để mở tài khoản tại ngân hàng, chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, deepfake…
Đối với hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, lừa đảo hành chính liên quan đến tiền ảo, tiền mã hóa trên không gian mạng, gồm có: Kinh doanh đa cấp, tiền ảo, tiền mã hóa biến tướng; lừa đảo thông qua các sàn giao dịch ngoại hối…
Đại diện A05 cho biết thêm, gần đây các đối tượng có sự thay đổi về phương thức, thủ đoạn để đối phó với một số chính sách, quy định mới được ban hành, đối phó với hoạt động điều tra của cơ quan chức năng, gây thiệt hại lớn về tài sản và gây bức xúc cho nhân dân.
"Xuất phát từ thực trạng, phương thức hoạt động của các đối tượng, thời gian tới, A05 sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với công an các đơn vị địa phương, các lực lượng chức năng của các bộ, ngành liên quan tăng cường rà soát, phát hiện các hành vi vi phạm của tội phạm công nghệ cao nói chung, tội phạm chiếm đoạt tài sản thông qua giao dịch trực tuyến nói riêng để kịp thời đấu tranh, xử lý theo quy định của pháp luật", ông Nguyễn Thành Chung chia sẻ.
Để góp phần ngăn chặn tình trạng trên, ông Nguyễn Thành Chung kiến nghị, Bộ Công an, NHNN, VNBA và các NHTM, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cần phối hợp chặt chẽ thông qua các hành động cụ thể, nhằm mục tiêu ngăn chặn hoạt động sử dụng tài khoản không chính chủ, kịp thời thu hồi tiền bị chiếm đoạt.
Tại phần tham luận của Hội thảo, các diễn giả đến từ Vietel Digital, Viettel AI, VNPT Fintech, MoMo, FPT Smart Cloud, Kalapa va VISA đã chia sẻ về kinh nghiệm, thực tiễn triển khai các biện pháp định danh và xác thực trong giao dịch thanh toán trực tuyến tại đơn vị trung gian thanh toán trước và sau quyết định về định danh, xác thực điện tử trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Quyết định 2345/QĐ-NHNN.
Đồng thời, nhằm đóng góp thêm kinh nghiệm phát triển giải pháp công nghệ hỗ trợ ngân hàng và trung gian thanh toán, các chuyên gia cũng chia sẻ về mô hình kết nối giữa tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử tới các ngân hàng, TCTD, trung gian thanh toán để hỗ trợ việc xác thực thông tin khách hàng, xác thực dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của khách hàng do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Hùng đánh giá, Hội thảo đã nêu bật những khó khăn, vướng mắc các ngân hàng và TCTD đang gặp phải trong quá trình thực hiện Quyết định 2345.
Để tháo gỡ các khó khăn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đề nghị, các tổ chức hội viên tiếp tục tích cực tham gia đóng góp ý kiến, phản ánh đúng thực tiễn, khó khăn và vướng mắc, từ đó, Hiệp hội tổng hợp ý kiến, kiến nghị với các cơ quan nhà nước. Đồng thời, VNBA sẽ phối hợp với Cục CNTT, Vụ Thanh toán NHNN và đồng hành với CLB VietFintech nhằm tạo điều kiện hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho các TCTD, trung gian thanh toán.
Minh Ngọc