Đó là nhận định của các nhà quản lý, chuyên gia tại Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản trí tuệ" do Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF Việt Nam) tổ chức. Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 14-15/11.
Bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc nhận định, tài sản trí tuệ hay quyền sở hữu trí tuệ có vai trò ngày càng quan trọng khi đổi mới, sáng tạo có vai trò lớn trong việc quyết định năng lực cạnh tranh và sự phát triển hiệu quả của mỗi quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.
"Trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đặt ra yêu cầu phải thành công trong khuyến khích được sự đổi mới, sáng tạo của tất cả người dân, doanh nghiệp, khơi thông mọi nguồn lực, bao gồm nguồn lực là các quyền sở hữu trí tuệ phục vụ cho sự phát triển của đất nước", Thứ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam khẳng định.
Bà Vanessa Steinmetz - Giám đốc quốc gia FNF Việt Nam - nhấn mạnh, Việt Nam có nhiều cam kết khi tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do nên việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản trí tuệ rất quan trọng.
"Việc bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ này sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, thúc đẩy khuyến khích thương mại xuyên biên giới, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển hơn nữa", Giám đốc quốc gia FNF Việt Nam nói.
Ông Tobias Oelsner - Chánh án Tòa án khu vực Berlin, CHLB Đức - cũng cho rằng, tài sản bảo đảm là tài sản trí tuệ đang ngày càng cho thấy các tiềm năng như củng cố sức mạnh đổi mới của doanh nghiệp; giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ tiếp cận nguồn vốn hơn.
Ở góc độ toàn diện hơn, ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) - cũng khẳng định, trong bối cảnh của nền kinh tế tri thức, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có ý nghĩa hết sức cần thiết.
Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ chỉ rõ, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ góp phần quan trọng khuyến khích và thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, mở đường cho sự phát triển của khoa học và công nghệ. Thông qua việc thừa nhận và bảo vệ của pháp luật đối với các quyền sở hữu trí tuệ mà chủ thể các quyền sở hữu trí tuệ được bảo đảm các điều kiện thuận lợi trong một thời gian nhất định đủ để khai thác tài sản trí tuệ của mình, thông qua việc sử dụng, chuyển giao, chuyển nhượng, góp vốn đầu tư, sản xuất, kinh doanh,… nhằm không chỉ bù đắp các chi phí, đầu tư để tạo ra tài sản trí tuệ, mà còn có thể thu được lợi nhuận và tạo động lực cho các nhà sáng tạo tạo ra các thành quả mới.
Cùng với đó, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trở thành công cụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế. Trong nền kinh tế mới, sự thịnh vượng được tạo ra thông qua các hoạt động sáng tạo và giá trị của tri thức. Sự giàu có dựa vào chiếm hữu tài sản vật chất đã được thay thế bằng việc nắm giữ các tri thức - nguồn của cải vô cùng to lớn trong xã hội.
Các doanh nghiệp ngày càng nhận ra giá trị tiềm ẩn của sở hữu trí tuệ và tăng cường các hoạt động quản lý, sử dụng, khai thác tài sản trí tuệ của mình. Việc bảo hộ tốt quyền sở hữu trí tuệ sẽ trở thành nhân tố quan trọng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, khuyến khích các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển nền kinh tế của đất nước.
Ngoài ra, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ góp phần khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động đầu tư và chuyển giao công nghệ.
Xu hướng và khuyến nghị phát triển bảo đảm quyền tài sản trí tuệ
Theo bà Nguyễn Bích Thảo, Chủ nhiệm Khoa Luật Dân sự - Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, trên thế giới, các chính phủ có cách tiếp cận khác nhau đối với cho vay có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ, thể hiện ở mức độ can thiệp, hỗ trợ khác nhau của mỗi nhà nước đối với hoạt động này.
Ở Hoa Kỳ, quốc gia tiên phong về cho vay có bảo đảm bằng tài sản bảo đảm, dựa trên khung pháp lí với hai trụ cột là pháp luật giao dịch bảo đảm hiện đại kết hợp với hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mạnh mẽ, nhà nước hầu như không can thiệp vào hoạt động cho vay có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ mà để cho thị trường tự điều chỉnh; pháp luật giao dịch bảo đảm ở Hoa Kỳ chứa đựng rất ít các quy chế đặc thù về giao dịch bảo đảm bằng tài sản trí tuệ.
Ở châu Âu, trong một báo cáo công bố tháng 10/2023, Cơ quan Sở hữu trí tuệ châu Âu (EUIPO) và Cơ quan Sáng chế châu Âu (EPO) cho biết các doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên tài sản trí tuệ, và các startup ở châu Âu có thể huy động vốn từ các kênh đầu tư mạo hiểm (venture capital – VC financing)..
Các nước Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore có xu hướng đề cao vai trò chủ động trợ cấp, hỗ trợ, thúc đẩy của nhà nước đối với hoạt động tài trợ vốn dựa trên giá trị tài sản trí tuệ và nỗ lực ban hành các chính sách, quy định pháp luật chi tiết, cụ thể, đặc thù về giao dịch bảo đảm bằng tài sản trí tuệ.
Đưa ra tình huống thực tiễn tại Đức, ông Tobias Oelsner - Chánh án Tòa án khu vực Berlin, CHLB Đức cho hay, một doanh nghiệp công nghệ với quy mô vừa phải tại Đức đã quyết định sử dụng sáng chế của doanh nghiệp để làm tài sản bảo đảm nhằm mở rộng khả năng sản xuất. Định giá đối với sáng chế được thực hiện bởi một công ty độc lập và khoản vay được cung cấp bởi một ngân hàng chuyên về tài trợ dựa trên quyền sở hữu trí tuệ. Khoản vay này đã giúp công ty mở rộng khả năng sản xuất của mình.
Tuy nhiên, Chánh án Tòa án khu vực Berlin, CHLB Đức cũng chỉ ra rủi ro đối với bên cho vay khi bảo đảm bằng quyền sở hữu trí tuệ như khó xử lý khi xảy ra hành vi vi phạm nghĩa vụ vì thiếu thị trường giao dịch.
Từ xu hướng và thực tiễn ở một số quốc gia nêu trên, bà Nguyễn Bích Thảo, Chủ nhiệm Khoa Luật Dân sự - Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đưa ra các khuyến nghị nhằm phát triển bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản trí tuệ tại Việt Nam như: tăng cường vai trò của cơ quan sở hữu trí tuệ trong việc xây dựng hệ sinh thái tài chính sở hữu trí tuệ, làm đầu mối kết nối với các bộ, ngành liên quan để xây dựng chiến lược, chính sách, quy định về tài trợ vốn dựa trên tài sản trí tuệ; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm, tiến tới xây dựng Luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, chú trọng quy chế pháp lý riêng về giao dịch bảo đảm bằng động sản, trong đó có tài sản trí tuệ…
Minh Nhật