"Điểm tên" 38 doanh nghiệp bưu chính tại Hà Nội không hoạt động tại địa chỉ đăng ký Giải pháp nào bảo đảm an toàn, an ninh trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính? |
Tình trạng đáng báo động
Chiều ngày 20/8/2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình đã tổ chức Hội nghị về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với hàng hóa vận chuyển qua hệ thống bưu chính trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Theo thống kê của lực lượng chức năng tỉnh Ninh Bình, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 12 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính với 77 điểm phục vụ bưu chính. Số lượng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận chuyển, giao nhận hàng hóa, các dịch vụ chuyển phát nhanh ngày càng gia tăng, gắn chặt với dịch vụ giao hàng chặng cuối trong thương mại điện tử và trở thành dịch vụ thiết yếu không thế thiếu trong chuỗi kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử.
Toàn cảnh Hội nghị do Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình tổ chức. (Ảnh: Quốc Huy) |
Trong thời gian qua, các doanh nghiệp bưu chính trên địa bàn tinh Ninh Binh cơ bản đã tuân thủ chấp hành tốt các quy định pháp luật về kinh doanh, đã thực hiện tốt việc gửi, vận chuyển và phát bưu gửi qua hệ thống bưu chính. Qua đó, giúp cho doanh nghiệp tối ưu chi phí, nhân lực cũng như đảm bảo nhanh chóng về thời gian xử lý các yêu cầu giao hàng từ phía khách hàng.
Tuy nhiên, trước tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến rất phức tạp, với nhiều phương thức và thủ đoạn tinh vi. Đặc biệt, trên môi trường thương mại điện tử, các đối tượng kinh doanh thường xuyên lợi dụng dịch vụ bưu chính để vận chuyển, giao nhận hàng hóa vi phạm pháp luật như hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, gây rất nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng trong kiểm tra, xử lý.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: Quốc Huy) |
Cụ thể, các hành vi vi phạm chủ yếu thường xảy ra trong kinh doanh dịch vụ bưu chính như: Việc kiểm soát bưu gửi trước khi nhận chuyển phát còn chưa được quan tâm, tạo kẻ hở cho các đối tượng lợi dụng để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng giả… Kinh doanh các dịch vụ bưu chính không có giấy phép bưu chính (đối với các doanh nghiệp bưu chính kinh doanh bất hợp pháp).
Có hiện tượng một số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ở địa điểm khác nhưng có chi nhánh, văn phòng đại diện hoạt động trên địa bàn khác không thực hiện thủ tục thông báo hoạt động bưu chính và không có xác nhận thông báo hoạt động bưu chính của cơ quan bưu chính có thẩm quyền.
Ông Phan Thế Anh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Quốc Huy) |
“Mục đích của Hội nghị ngày hôm nay là tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bưu chính, hướng dẫn doanh nghiệp phát hiện và xử lý các tình huống vi phạm. Từ đó tạo ra một môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, hàng hóa được vận chuyển qua hoạt động bưu chính đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình với các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp bưu chính trên địa bàn, cùng chung tay đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, mở rộng dịch vụ”, ông Phan Thế Anh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình chia sẻ.
Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị có liên quan
Để thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vi phạm pháp luật về thương mại điện tử; ông Phan Thế Anh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình cho biết, trong thời gian tới đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan tổ chức xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định pháp luật của tất cả các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bưu chính trên địa bàn. Trường hợp phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Tập trung vào nội dung kiểm tra việc chấp hành quy định về kinh doanh dịch vụ bưu chính như: Giấy phép bưu chính, thông báo hoạt động bưu chính, hóa đơn, chứng từ có liên quan đến bưu gửi…
Đại diện các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính chia sẻ tại Hội nghị. (Ảnh: Quốc Huy) |
Trong quá trình kiểm tra xử lý cần có sự hợp tác chặt chẽ của các doanh nghiệp bưu chính trên địa bàn như Viettel Ninh Bình, VNPT Ninh Bình, Vietnam Post Ninh Bình… trong việc cung cấp các thông tin, tài liệu và tình hình có liên quan trong đấu tranh phòng, chống hàng hóa vi phạm pháp luật thông qua đường bưu chính căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Ông Trương Ngọc Hải, Trưởng phòng Thanh tra pháp chế, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình chia sẻ kinh nghiệm xử lý các trường hợp vi phạm. (Ảnh: Quốc Huy) |
Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp bưu chính trong việc tuyên truyền phổ biến pháp luật liên quan đến hàng hóa vận chuyển qua đường bưu chính để các doanh nghiệp bưu chính hiểu rõ và chấp hành đúng quy định pháp luật trong kinh doanh. Đồng thời tổ chức cho doanh nghiệp ký cam kết chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh dịch vụ bưu chính, không vận chuyển bưu gửi chứa hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và các loại hàng hóa vi phạm khác qua hệ thống.
Tại Hội nghị, ông Trương Ngọc Hải, Trưởng phòng Thanh tra pháp chế, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình đã trình bày các quy định của pháp luật liên quan đến Luật Bưu chính; thương mại điện tử; buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua hệ thống bưu chính.
Ông Phạm Ngọc Anh, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Ninh Bình phát biểu thảo luận tại Hội nghị. (Ảnh: Quốc Huy) |
Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận về các giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp giữa Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bưu chính và các cơ quan, lực lượng chức năng trong đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử qua hệ thống bưu chính trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Đồng thời, nhiều thắc mắc, băn khoăn của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, vận chuyển nhanh cũng đã được lực lượng quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình giải đáp cặn kẽ.