Kinh tế tuần hoàn: Mô hình bền vững cho ngành nhựa Xu hướng phát triển của ngành nhựa thế giới trong 5 năm tới |
Nỗ lực chuyển từ “nâu” sang “xanh”
Với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm đạt 12-15% trong năm năm qua, ngành Nhựa Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trong bối cảnh xuất khẩu nhựa giảm 12,2% tính đến tháng 9 năm 2023, ngành nhựa đang gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư xanh và nguyên nhân phần lớn đến từ việc hạn chế thông tin cho nhà đầu tư đánh giá hiệu suất ESG (Environmental, Social, và Governance) của các doanh nghiệp nhựa.
Họp báo với chủ đề: “Tầm quan trọng của sự ổn định tài chính trong việc thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh cho ngành Nhựa TP. Hồ Chí Minh” |
Tại họp báo với chủ đề: “Tầm quan trọng của sự ổn định tài chính trong việc thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh cho ngành Nhựa TP. Hồ Chí Minh” trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Thiết bị, Công nghệ và Sản phẩm ngành Nhựa tại TP. Hồ Chí Minh (Plastic Expo 2023) diễn ra mới đây do Atradius Việt Nam, Hiệp hội Nhựa TP. Hồ Chí Minh (VSPA) tổ chức, ông Chung Tấn Cường, Chủ tịch VSPA bày tỏ, một trong những yếu tố tăng trưởng quan trọng, giải pháp cho ngành nhựa trong những năm tới là thu hút thêm đầu tư xanh để nâng cao năng lực cạnh tranh và có thêm đơn đặt hàng. “Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp nhựa tập trung vào việc cung cấp đầy đủ và minh bạch dữ liệu để các nhà đầu tư đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và nhờ đó, giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tài chính xanh. Chỉ sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường là chưa đủ; doanh nghiệp nhựa TP. Hồ Chí Minh cần cải thiện báo cáo tài chính để thu hút đầu tư"- ông Chung Tấn Cường chỉ ra.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một số báo cáo về phát triển bền vững khác cũng cho rằng, ESG đang là xu hướng bắt buộc, nếu doanh nghiệp không theo xu hướng này, thì họ không thể cải thiện sức cạnh tranh được, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp trên thế giới đang chuyển đổi tư duy từ “nâu” sang “xanh”.
Cấp thiết cho tài chính xanh
Hơn bao giờ hết, ngành Nhựa Việt Nam đang tích cực tìm kiếm các giải pháp tài chính xanh để đáp ứng các mục tiêu bền vững. Nhiều doanh nghiệp đang chủ động đối phó với thách thức về rủi ro thanh khoản thông qua việc kết hợp với các tổ chức tài chính trích lập quỹ dự phòng và quản lý rủi ro tín dụng từ khách hàng.
Một giải pháp khác đã được triển khai hiệu quả là sử dụng bảo hiểm tín dụng thương mại (TCI), có thể giúp doanh nghiệp giảm rủi ro và đảm bảo ổn định tài chính. Atradius, công ty bảo hiểm tín dụng lớn thứ hai thế giới với 25% thị phần toàn cầu , đang hợp tác với VSPA để tìm hiểu và giải quyết những thách thức trong việc đáp ứng yêu cầu từ nguồn tài chính xanh cho ngành Nhựa.
Trong bối cảnh này TCI nổi lên như một nhân tố then chốt đảm bảo ổn định tài chính hiện tại và tăng sức hấp dẫn cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư. Theo các chuyên gia, TCI đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo giải pháp đôi bên cùng có lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp bằng cách cung cấp an ninh tài chính, giảm thiểu rủi ro và hỗ trợ bền vững trong suốt các giai đoạn khác nhau của chuỗi cung ứng.
Nói cách khác, TCI có thể nâng cao uy tín tín dụng của doanh nghiệp và giúp việc tiếp cận nguồn tài chính trở nên dễ dàng hơn, bao gồm cả các tín dụng xanh.
"Chúng tôi thường gọi bảo hiểm tín dụng thương mại là một "tấm lá chắn" giúp đội ngũ kinh doanh của doanh nghiệp tự tin hơn khi bán hàng cho đối tác. Với TCI, các doanh nghiệp nhựa sẽ có khả năng giảm thiểu rủi ro giao dịch và thúc đẩy phát triển bền vững. Hơn nữa, TCI có thể nâng cao uy tín tín dụng của doanh nghiệp và giúp việc tiếp cận nguồn vốn trở nên dễ dàng hơn, bao gồm cả các khoản tín dụng xanh", bà Vũ Thị Đức Hạnh, Giám đốc Quốc gia của Atradius Việt Nam chia sẻ.
Các đại biểu, chuyên gia ngành nhựa trao đổi tại họp báo |
Bên cạnh đó, Atradius- với chuyên môn về bảo hiểm tín dụng thương mại và các giải pháp tài chính, có thể cung cấp thông tin về các thực tiễn thanh toán, quản lý dòng tiền và những giải pháp ổn định dòng tiền, giúp doanh nghiệp nhựa áp dụng các chiến lược quản lý rủi ro tín dụng, đặc biệt khi cân nhắc và thực hiện giao thương với khách hàng mới.
Khi ngành nhựa đang thích ứng với các thách thức toàn cầu, Atradius sẽ hợp tác cùng VSPA tiên phong các phương pháp tiếp cận sáng tạo nhằm thu hút tài chính xanh cho sự phát triển bền vững của ngành Nhựa Việt Nam.
Việt Duy