Bảo hiểm vi mô: kênh bảo hiểm tiềm năng

23/02/2025 - 15:14
(Bankviet.com) Bài viết tìm hiểu về bảo hiểm vi mô, triển vọng phát triển bảo hiểm vi mô tại thế giới cũng như Việt Nam thông qua những chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong phát triển kênh bảo hiểm này.

Tóm tắt: Bảo hiểm vi mô cùng với bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ là các sản phẩm chính của thị trường bảo hiểm. Tại Việt Nam, bảo hiểm vi mô chưa được nhiều người biết đến. Bài viết tìm hiểu về bảo hiểm vi mô, triển vọng phát triển bảo hiểm vi mô tại thế giới cũng như Việt Nam thông qua những chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong phát triển kênh bảo hiểm này.

MICRO INSURANCE: POTENTIAL INSURANCE CHANNEL

Abstract: Micro insurance along with life and non-life insurance are main products of the insurance market. In Vietnam, micro insurance is not familiar to many people. The article explores microinsurance and the prospects for developing micro insurance in the world as well as in Vietnam through sharing international experiences in developing this insurance channel.

Do những yếu tố khách quan, trong đó có những quy định chặt chẽ của Bộ Tài chính nhằm lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm đã góp phần làm cho thị trường bảo hiểm gặp khó. Doanh thu bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ tiếp tục lao dốc sau những tháng ngày khó khăn do dịch bệnh COVID-19, cụ thể, tổng doanh thu phí bảo hiểm trong 9 tháng năm 2023 ước đạt 165,6 nghìn tỷ đồng (giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó doanh thu của lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 113,4 nghìn tỷ đồng (giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2022). Mức sụt giảm này không chỉ đến từ kênh hợp tác với ngân hàng (bancassurance), mà đến cả từ kênh kinh doanh truyền thống (kinh doanh qua đại lý).

Trong bối cảnh hai kênh kinh doanh chính (kênh truyền thống và kênh kinh doanh qua đối tác là bancassurance đang gặp không ít khó khăn khi triển khai kinh doanh, thì không ít chuyên gia nghĩ đến sự cứu cánh của chân kiềng còn lại - bảo hiểm vi mô (microinsurance).

Bảo hiểm vi mô, thị trường tiềm năng

Bảo hiểm vi mô là một trong ba lĩnh vực chính của ngành bảo hiểm, theo SkyQuest, thị trường bảo hiểm vi mô có giá trị khoảng 78,4 tỷ USD trong năm 2021 và dự tính sẽ tăng lên 83,5 tỷ USD trong năm 2022, và đạt 131,71 tỷ USD trước năm 2030 với mức tăng trưởng đạt 6,7% trong suốt giai đoạn 2023-2030. Những con số đó đã nói lên tầm quan trọng của thị trường này.

Trái ngược với các con số tính toán ở phạm vi toàn cầu, thống kê trên thị trường Việt Nam cho thấy một bức tranh ảm đạm hơn nhiều. Tính đến ngày 31/12/2016, Bộ Tài chính đã phê chuẩn cho 3 doanh nghiệp triển khai sản phẩm bảo hiểm vi mô là Prudential Việt Nam, Manulife Việt Nam và Dai-ichi Life Việt Nam. Tuy nhiên, đến ngày 21/8/2018, Prudential đã dừng cung cấp sản phẩm này, Dai-ichi Life Việt Nam mới triển khai nên kết quả chưa đáng kể, trong khi Man-ulife Việt Nam dù đang “một mình một chợ”, nhưng kết quả cũng không mấy khả quan.

Để giải thích sự trái chiều đó, có rất nhiều nhà nghiên cứu đã tìm hiểu và đưa ra nhiều lý do khác nhau, những lý do chính là:

- Người Việt Nam (nhất là những người nghèo ở nông thôn) chưa hiểu và chưa ý thức được ích lợi của loại hình bảo hiểm này.

- Tỷ lệ tăng trưởng của bảo hiểm vi mô tuy cao (6-7%), nhưng tỷ lệ đó chưa hấp dẫn các công ty bảo hiểm khi mức tăng trưởng hàng năm của các công ty Bảo hiểm nhân thọ (BHNT) khoảng 20%.

- Tỷ lệ lợi nhuận của bảo hiểm vi mô thấp, không hấp dẫn các nhà đầu tư.

- Chưa thiết lập được kênh phân phối khả thi, có tính đặc thù với sản phẩm.

Triển vọng của bảo hiểm vi mô

Khi nào bảo hiểm vi mô khởi sắc tại Việt Nam?

Nhận thấy tầm quan trọng của bảo hiểm vi mô, và tính nhân văn trong việc tạo điều kiện để những người yếu thế có thể tiếp cận với các dịch vụ tài chính nhằm bảo vệ họ trước những rủi ro về tính mạng, sức khỏe và tài sản, Chính phủ và Bộ Tài chính đã có những giải pháp quyết liệt nhằm giúp các công ty phát triển lĩnh vực này, các tổ chức cũng bắt đầu có các động thái chuẩn bị cho bảo hiểm vi mô phát triển.

Tỷ trọng của bảo hiểm vi mô được dự báo sẽ tăng lên, nhất là khi tỷ lệ người nghèo dự báo sẽ tăng nhanh sau đại dịch COVID-19, và xung đột tại Ukraine (Theo Báo cáo triển vọng việc làm và xã hội châu Á – Thái Bình Dương năm 2020 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), có khoảng 22 đến 25 triệu người trong khu vực có thể rơi vào tình trạng nghèo đói do tác động của đại dịch COVID-19).

Những thuận lợi đó sẽ giúp bảo hiểm vi mô sẽ rút ngắn cách biệt với các nhánh bảo hiểm khác nhất là khi các nhánh khác đang gặp khó khăn và các chuyên gia dự báo sẽ không còn tăng trưởng ở mức 20% như từ trước đến nay nữa.

Khi cách biệt được rút ngắn, bảo hiểm vi mô sẽ thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, vì ngoài lợi nhuận, đây còn là một kênh đầu tư bền vững và có giá trị lớn về mặt thương hiệu. Tỷ lệ các hộ nghèo và cận nghèo của Việt Nam chiếm đến gần 8% với khoảng 1.972.767 hộ, là một con số không nhỏ để thúc đẩy, khuyến khích cho các công ty tham gia phát triển bảo hiểm vi mô. Sự quan tâm của các nhà đầu tư sẽ cho ra đời những giải pháp sáng tạo, từ sản phẩm, kênh phân phối, phương pháp thẩm định, chính sách chi trả nhằm giảm thiểu chi phí, tăng tỷ lệ lợi nhuận đến một mức hấp dẫn mà các nhà đầu tư chấp nhận được.

Những cơ hội đó đã mở ra cho các công ty bảo hiểm cơ hội để tái xâm nhập thị trường. Công ty nào biết nắm bắt cơ hội, am hiểu thị trường, tạo ra kênh phân phối hợp lý sẽ trở thành người kiến tạo thị trường tương tự như kênh bancassurance cách đây chưa lâu.

Kinh nghiệm phát triển bảo hiểm vi mô trên thế giới

Bảo hiểm vi mô được hình thành trên cơ sở ban đầu là giúp những người nông dân nghèo tiếp cận các dịch vụ tài chính để họ có thể mua thiết bị tốt hơn hoặc cải thiện năng suất lao động, cuối cùng là nâng cao mức sống của nông dân. Năm 1997, Công ty American International Group Inc (AIG) là một trong những công ty đầu tiên cung cấp bảo hiểm vi mô cho người nghèo tại Uganda. Chỉ một thời gian sau, các công ty bảo hiểm lớn khác bao gồm Swiss Re, Munich Re, Allianz và Zurich Financial Services đã tham gia vào thị trường này, làm cho hiệu quả của bảo hiểm vi mô được tăng lên nhanh chóng. Ngày nay, nhiều sản phẩm bảo hiểm vi mô đã được phát triển để bảo vệ người lao động nghèo trước tác động tài chính của các tổn thất ở khắp thế giới.

Là quê hương của bảo hiểm vi mô, châu Phi được coi là thị trường chính cho lĩnh vực bảo hiểm này. Theo nghiên cứu Toàn cảnh về bảo hiểm vi mô ở châu Phi năm 2020 do Mạng Bảo hiểm vi mô thực hiện, khoảng 2% - 6% dân số có thu nhập thấp của châu Phi hiện đang được các công ty bảo hiểm vi mô phục vụ với tổng số sinh mạng được bảo hiểm là từ 9,1 đến 29,6 triệu người, tổng phí bảo hiểm là 5.200 triệu USD. Theo các chuyên gia, các thành công này đến từ hai yếu tố chính: Một là, mức độ cạnh tranh tương đối thấp so với thị trường bảo hiểm truyền thống; Hai là, tận dụng lỗ hổng bảo hiểm mà các dịch vụ bảo hiểm truyền thống không bao phủ (chiến lược đại dương xanh).

Không chỉ ở châu Phi, mà ngay ở Philippines, một nước thuộc ASEAN, cũng rất thành công trong việc cung cấp và phát triển bảo hiểm vi mô. Tính đến ngày 31/12/2015, Hội tương hỗ CARD đã có 687.469 thành viên, tổng tài sản quản lý lên đến 670 triệu Peso (tương đương 16,5 triệu USD). Số tiền bồi thường trong năm 2015 là 45 triệu Peso (tương đương 1,1 triệu đô la Mỹ).

Sự thành công của bảo hiểm vi mô tại Phillippines đã tạo động lực cho các nước ASEAN phát triển thị trường bảo hiểm này.

Hiện nay, hãng bảo hiểm nhân thọ Nippon Life của Nhật Bản bắt đầu bán các hợp đồng siêu nhỏ nhắm đến người có thu nhập thấp ở châu Á, hãng này hy vọng đạt đến 350.000 hợp đồng trong vòng 5 năm tới. Thị trường ASEAN đầu tiên mà Nippon Life nhắm tới để bán sản phẩm bảo hiểm vi mô là Indonesia thông qua công ty địa phương là Sequis Life. Dịch vụ này sau đó sẽ được mở rộng đến các thị trường ở Ấn Độ, Thái Lan và Myanmar…

Không chỉ các nước đang phát triển, ngay cả các nước phát triển như Nhật Bản cũng rất quan tâm và thành công trong thị trường bảo hiểm vi mô. Tuy nhiên do đặc thù của nền kinh tế, bảo hiểm vi mô của Nhật Bản tập trung vào bảo hiểm vật nuôi và cây trồng, thay vì bảo hiểm nhân thọ.

Thực tế phát triển bảo hiểm vi mô ở Việt Nam

Ngoài 3 công ty bảo hiểm đang cung cấp bảo hiểm vi mô đã đề cập ở trên, không thể không tính đến các hình thức bảo hiểm vi mô khác đang được triển khai và cung cấp tại Việt Nam. Ngoài các gói bảo hiểm áp dụng cho khách hàng khi tham gia bay cùng Vietnam Airlines, đi Grab, hay đi du lịch, thì các sản phẩm bảo hiểm xe máy, bảo hiểm y tế (tự nguyện) là hai sản phẩm được coi là bảo hiểm vi mô.

Tuy 2 sản phẩm này có rất nhiều đặc điểm giống nhau song kết quả thu về lại hoàn toàn khác nhau. Trong khi BHYT (cả bắt buộc và tự nguyện) đạt trên dưới 90% thì Bảo hiểm xe máy (cả bắt buộc và tự nguyện) chỉ đạt chưa đến 30%.

Phân tích điểm mạnh, điểm yếu của 2 sản phẩm này chúng ta thấy rằng, dù bảo hiểm xe máy được pháp luật tạo thuận lợi (bắt buộc) nhưng vẫn không thu hút người tham gia đông đảo như BHYT vì thủ tục chi trả khó khăn, dẫn đến tỷ lệ chi trả thấp, không hấp dẫn người tham gia.

Vậy, để bảo hiểm vi mô thành công, việc có một kênh phân phối thuận lợi vẫn là chưa đủ, mà cần phải có một sản phẩm phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của khách hàng. Ngoài ra, còn cần có một chính sách chi trả rõ ràng, dễ dàng, phù hợp với nhận thức, trình độ vẫn còn nhiều hạn chế của đa số người nghèo ở vùng sâu vùng xa, và quả ngọt thành công chỉ dành cho người nào biết tận dụng đúng thời điểm để đầu tư.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 18 năm 2023

Hoàng Long

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ