Hiệp hội Ngân hàng góp ý dự thảo Thông tư quy định về hoạt động trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản

15/07/2025 - 18:48
(Bankviet.com) Ngày 2/7, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức cuộc họp góp ý dự thảo Thông tư quy định về hoạt động của công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng (TCTD) trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản (dự thảo Thông tư). Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng chủ trì buổi họp.
ttk-7.jpg
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Tham dự cuộc họp, về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có đại diện: Vụ Tín dụng, Vụ Pháp chế, Cục Giám sát An toàn hệ thống các TCTD.

Về phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có: Ông Đỗ Giang Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Xử lý nợ (CLB AMC) và các thành viên CLB; đại diện các tổ chức tín dụng (TCTD) hội viên Hiệp hội và các Công ty mua bán nợ (AMC) thuộc TCTD hội viên Hiệp hội.

Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại các điểm cầu một số TCTD hội viên.

Tạo thị trường mua bán nợ an toàn, minh bạch và hiệu quả

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang triển khai sửa đổi Thông tư quy định về hoạt động của công ty con, công ty liên kết của TCTD trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản là rất cần thiết nhằm tạo nên một thị trường mua bán nợ an toàn, minh bạch và hiệu quả.

Tuy nhiên, qua tập hợp ý kiến của các tổ chức hội viên, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận thấy, vẫn còn có một số vấn đề liên quan đến hoạt động mua bán nợ của AMC tại các TCTD.

“Cuộc họp nhằm lắng nghe những ý kiến về vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn triển khai để phản ánh đến các cơ quan quản lý nhà nước, nhằm góp phần xây dựng Thông tư sát với thực tiễn, đảm bảo an toàn nợ xấu, đảm bảo hiệu quả hoạt động, phát huy hết vai trò của các tổ chức tín dụng, đảm bảo đúng quy định của pháp luật”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu.

Ông Đỗ Giang Nam, Chủ nhiệm CLB AMC cho biết, qua nghiên cứu và trên cơ sở ý kiến tổng hợp của các tổ chức hội viên, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có một số ý kiến đối với dự thảo Thông tư quy định về hoạt động của công ty con, công ty liên kết của TCTD trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản về các vấn đề: Nguyên tắc hoạt động; Hoạt động của công ty quản lý nợ; Khoản nợ được xử lý trong hoạt động của công ty quản lý nợ; Hoạt động quản lý nợ, khai thác tài sản theo uỷ quyền của TCTD có công ty quản lý nợ; Hoạt động mua, bán nợ; Quyền và nghĩa vụ của TCTD có công ty quản lý nợ; Hiệu lực thi hành; Đăng ký kinh doanh; Quản trị rủi ro và các giới hạn an toàn...

Chẳng hạn, Khoản 1 Điều 4 dự thảo Thông tư quy định AMC được thực hiện hoạt động: Quản lý nợ, khai thác tài sản theo ủy quyền của TCTD có công ty quản lý nợ đó. Với quy định này, ông Đỗ Giang Nam cho biết, để tối ưu hóa nguồn lực, hiệu quả và giảm chi phí cho cả ngân hàng mẹ và công ty con, công ty liên kết, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị xem xét, bổ sung đối tượng được ủy quyền cho AMC bao gồm cả các công ty con, công ty liên kết của TCTD có AMC.

vamc.jpg
Ông Đỗ Giang Nam, Chủ nhiệm CLB AMC trình bày tổng hợp góp ý dự thảo Thông tư tại cuộc họp

Cùng với đó, để AMC có các quyền khai thác, quản lý tài sản của mình phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp, đảm bảo tính đầy đủ hành lang pháp lý và tránh gây vướng mắc trong quá trình triển khai thực tế, Hiệp hội cũng đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung: “Quản lý, khai thác tài sản thuộc sở hữu của công ty quản lý nợ”.

Ngoài ra, AMC là một doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập, việc cho phép AMC được thực hiện một số hoạt động của ngân hàng như cung ứng dịch vụ tư vấn ngân hàng, môi giới bảo hiểm… theo ủy quyền của TCTD và các hoạt động khác theo Luật Doanh nghiệp khi AMC đáp ứng đủ điều kiện là phù hợp nhằm khuyến khích sự chủ động, linh hoạt trong cơ chế vận hành và phát triển của AMC. Vì vậy, Hiệp hội đề nghị xem xét, bổ sung: “Các hoạt động khác theo Luật doanh nghiệp khi có đủ điều kiện và được NHNN chấp thuận”.

Hay quy định về hoạt động mua, bán nợ được quy định tại Điều 7 Dự thảo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, hiện nay Thông tư 09/2015/TT-NHNN và Thông tư 18/2022/TT-NHNN chỉ áp dụng cho việc mua, bán nợ của TCTD, trường hợp AMC thực hiện mua, bán nợ và ký kết hợp đồng mua, bán nợ thì có được áp dụng Thông tư 09/2015/TT-NHNN, Thông tư 18/2022/TT-NHNN hay không, hay chỉ áp dụng Bộ luật Dân sự (quy định liên quan đến việc mua bán quyền tài sản). Do đó, Hiệp hội đề nghị Cơ quan soạn thảo quy định rõ để các AMC có cơ sở thực hiện thống nhất.

Đối với việc đăng ký kinh doanh, dự thảo Thông tư chưa có quy định cho phép AMC được đăng ký các ngành nghề kinh doanh khác để phục vụ hoạt động của mình. Tuy nhiên, TCTD cho biết, thực tế triển khai hoạt động AMC trong thời gian qua, AMC buộc phải đăng ký bổ sung thêm một số ngành nghề kinh doanh để có thể thực hiện được các hoạt động quản lý nợ và khai thác tài sản. Ví dụ, khi AMC xử lý tài sản bảo đảm là sắt thép thì AMC phải đăng ký ngành nghề kinh doanh bán buôn/bán lẻ kim loại để thực hiện việc xử lý nợ và xuất hóa đơn, nếu không cho phép đăng ký bổ sung các ngành nghề này thì AMC không thể triển khai được hoạt động mà TCTD ủy quyền. Do đó, các TCTD đề nghị xem xét cho phép AMC được đăng ký thêm các ngành nghề kinh doanh để triển khai hoạt động quản lý nợ và khai thác tài sản.

Tại dự thảo Thông tư có nêu nguyên tắc chung về tuân thủ pháp luật và yêu cầu xây dựng quy trình quản trị rủi ro trong quy định nội bộ, nhưng chưa có các giới hạn định lượng cụ thể để phòng ngừa rủi ro. Do đó, Hiệp hội đề xuất: Bổ sung quy định về các giới hạn an toàn trong hoạt động của AMC, ví dụ như: giới hạn về mua nợ, giới hạn về xử lý tài sản bảo đảm

Cần có quy định để các TCTD nhận diện sớm rủi ro với cả với những khoản nợ sắp quá hạn

Tại cuộc họp, đại diện các AMC và tổ chức tín dụng đã thảo luận, góp ý bổ sung thêm các ý kiến đối với dự thảo, đặc biệt lưu ý đến các nội dung liên quan đến: quy trình xử lý nợ xấu; phạm vi điều chỉnh; hoạt động thẩm định giá; thu mua tài sản bảo đảm khi ủy quyền; thu phí thẩm định tài sản bảo đảm; ủy quyền cho AMC của TCTD định giá tài sản...

Từ những vấn đề đó, đại diện các TCTD đã đưa ra một số đề xuất phù hợp với thực tiễn như: liên quan đến hoạt động thẩm định giá, các ý kiến đề xuất các TCTD được tham gia ngay từ những khâu đầu tiên trong quá trình thẩm định, đánh giá nhằm đảm bảo đúng giá trị và tính pháp lý của tài sản; đồng thời, tạo điều kiện để các AMC của ngân hàng được thực hiện quyền định giá tài sản bảo đảm thay vì thuê các đơn vị định giá bên ngoài nhằm đảm bảo tính pháp lý của tài sản.

Qua phát biểu, đại diện các TCTD và AMC cũng kiến nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định các TCTD, AMC được thu phí dịch vụ định giá tài sản. Việc thu phí này giúp các AMC trang trải một phần chi phí hoạt động cũng như tránh việc khách hàng lợi dụng việc các TCTD và AMC định giá tài sản nhưng không phải để vay vốn mà để phục vụ nhu cầu cá nhân khác (như giải quyết tranh chấp, ly hôn, bán tài sản…), dẫn đến phát sinh chi phí tốn kém cho các TCTD. Bên cạnh đó, việc các TCTD và AMC được thu phí định giá tài sản cũng sẽ giúp khách hàng giảm chi phí, bởi thực tế cho thấy, các đơn vị định giá bên ngoài thu phí định giá cao gấp 3-5 lần so với phí của ngân hàng.

quang-canh-6-.jpg
Quang cảnh cuộc họp.

Tại cuộc họp, đại diện các AMC cũng cho biết, bên cạnh việc xử lý những khoản nợ quá hạn, cần thiết có quy định nhận diện sớm rủi ro với cả với những khoản nợ sắp quá hạn, để có can thiệp sớm nhằm bảo đảm an toàn vốn.

Ngoài ra, đại diện các AMC cũng đưa ra các đề xuất liên quan đến quy định về AMC của công ty con; về mua bán nợ trong hạn mức nợ xấu; hay ủy quyền của ngân hàng được chuyển giao...

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Vụ Tín dụng, Vụ Pháp chế và Cục An toàn hệ thống các TCTD đều ghi nhận các ý kiến đưa ra tương đối rõ ràng, phù hợp với thực tiễn hoạt động của AMC và các đề xuất tại cuộc họp là rất cần thiết trong quá trình soạn thảo Thông tư.

Trên cơ sở các ý kiến tổng hợp đề xuất của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và các ý kiến đóng góp tại cuộc họp, đại diện NHNN cho biết, sẽ tiếp thu, tổng hợp, chỉnh sửa nội dung và trình ban lãnh đạo NHNN để hoàn thiện dự thảo Thông tư, đảm bảo Thông tư ban hành phù hợp với thực tiễn hoạt động của các TCTD, thống nhất hệ thống pháp luật với các quy định liên quan, nhằm đảm bảo mục tiêu quản lý của NHNN với hoạt động này. Đồng thời, tạo cơ sở để các AMC tham gia hiệu quả vào quá trình xử lý nợ và tài sản bảo đảm của các TCTD.

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng hoan nghênh các ý kiến tham gia rất đầy đủ, cởi mở và trách nhiệm của đại diện các AMC và TCTD.

Khẳng định việc sửa đổi Thông tư quy định về hoạt động của công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng (TCTD) trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản là rất cần thiết, giúp tạo cơ sở pháp lý đầy đủ trong hoạt động của AMC, từ đó, tạo nên một thị trường mua bán nợ an toàn, minh bạch và hiệu quả, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, sau cuộc họp, Hiệp hội sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến, đề xuất gửi cơ quan quản lý; đồng thời, sẵn sàng đồng hành cùng Ban soạn thảo để hoàn thiện Thông tư một cách hiệu quả, sát với thực tiễn nhất.

Ngọc Lê

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Bài liên quan