Vĩnh Phúc: Phấn đấu tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt từ 93% dân số trở lên trong năm 2022 |
Năm 2022, tỉnh Bắc Giang được bảo hiểm xã hội Việt Nam giao chỉ tiêu phát triển số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 40,1 nghìn người, tăng 135% so với năm 2021 (chỉ tính kết quả đến hết 31/10).
Từ tỉnh đến các huyện, thành phố đồng loạt triển khai “Tháng cao điểm vận động nhân dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện”, giao chỉ tiêu đến từng xã, phường, thị trấn. Cấp ủy, chính quyền nhiều nơi xác định rõ công tác phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện là nhiệm vụ chính trị quan trọng, quan tâm thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo; xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết, bài bản.
Nhân viên bảo hiểm xã hội huyện Lục Ngạn tư vấn chính sách BHXH tự nguyện cho người dân. |
Nhiều tháng qua, bảo hiểm xã hội và Bưu điện huyện Lục Nam phối hợp tổ chức nhiều buổi truyền thông về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Vừa kết thúc chương trình tư vấn cho bà con tại thôn Yên Thịnh, xã Yên Sơn, chị Ngô Thị Ngọc, nhân viên Bưu điện huyện Lục Nam chia sẻ: “Do nhận thức mỗi người dân khác nhau nên chúng tôi xác định cần truyền thông thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức từ trực quan bằng pano, hình ảnh, tờ rơi hoặc trực tiếp đến cơ sở cung cấp thông tin. Nhờ vậy, nhiều người hiểu rõ chính sách”.
Trước kia, Tân Mộc là xã nghèo của huyện Lục Ngạn, phần lớn người dân không có nguồn thu nhập, cuộc sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, rất ít người hưởng lương hưu. nên xã thành lập tổ tư vấn, tuyên truyền, hằng tháng báo cáo đánh giá tiến độ.
Khi đời sống các gia đình vơi bớt khó khăn, có của ăn, của để, nhiều người đã chủ động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để dành cho tương lai. Các tổ chức đoàn thể hỗ trợ một phần kinh phí giúp hội viên, đoàn viên hoàn cảnh khó khăn. Toàn xã có hơn 6,9 nghìn nhân khẩu, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội đạt gần 100%, trong đó 217 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, vượt kế hoạch được giao.
Tính đến nay, toàn tỉnh vận động được gần 37,8 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đạt 94,2% kế hoạch do bảo hiểm xã hội Việt Nam giao (toàn quốc đạt 59,4%). Trong đó hai huyện hoàn thành vượt kế hoạch là Lục Ngạn (105%) và Lục Nam (101%).
Kiên trì vận động, giao bưu điện tổ chức dịch vụ thu
Bên cạnh thuận lợi, công tác vận động, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn nhiều khó khăn, một số huyện đạt thấp như: Hiệp Hòa, Việt Yên, Lạng Giang, Tân Yên.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Giám đốc bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết: “Nguyên nhân là do tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh bị tác động sau đại dịch Covid-19, nhiều lao động mất việc làm, thu nhập không ổn định, đời sống khó khăn. Thêm nữa, theo Luật bảo hiểm xã hội và Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/1/2022, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng từ 138,6 nghìn đồng/tháng lên 264 nghìn đồng/tháng khiến nhiều người vì khó khăn về thu nhập mà phải dừng đóng”.
Tại thời điểm cuối tháng 9/2022, toàn tỉnh có hơn 5 nghìn người đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đến hạn nhưng chưa đóng tiền. Qua công tác tuyên truyền, thuyết phục, đã có hơn 3 nghìn người tham gia lại, còn 2000 người dừng đóng.
Thực hiện chương trình phối hợp giữa bảo hiểm xã hội Việt Nam với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, từ năm 2022, tổ chức dịch vụ thu bảo hiểm xã hội tự nguyện chuyển về cơ quan bưu điện đảm nhận (trước kia giao do các cấp hội phụ nữ). Tuy nhiên, ở một vài nơi, cán bộ bưu điện huyện chưa dành nhiều thời gian cho nhiệm vụ phát triển và duy trì người dân tham gia chính sách.
Thêm nữa, thời gian đóng kéo dài, người lao động phải đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội tự nguyện trở lên mới được hưởng lương hưu (đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đổi với nam). Sự thay đổi trên phần nào khiến một bộ phận người lao động có tâm lý lo lắng, dè dặt tham gia.
Quyết tâm hoàn thành mục tiêu phát triển thêm 2,3 nghìn người đồng thời duy trì bền vững số người đang tham gia chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, mới đây UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND huyện, thành phố khen thưởng đối với đơn vị hoàn thành sớm; chỉ đạo quyết liệt với những nơi chậm tiến độ.
Yêu cầu Bưu điện các huyện chủ động hơn trong công tác phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội cùng cấp, thành lập tổ tư vấn, tuyên truyền trực tiếp, chú trọng từng nhóm nhỏ với nỗ lực cao nhất để duy trì, phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện là chính sách an sinh xã hội của Nhà nước giúp người dân chủ động lo cho tương lai. Để chính sách lan tỏa trong đời sống, mỗi cán bộ, đảng viên tăng cường phát huy vai trò, trách nhiệm chủ động truyền thông sâu rộng, tạo niềm tin vững chắc trong nhân dân.
Kịp thời chia sẻ khó khăn, hỗ trợ một phần kinh phí giúp người thân trong gia đình, dòng họ, hội viên các tổ chức chính trị có điều kiện tham gia. Bản thân người dân cũng cần chi tiêu tiết kiệm, hợp lý, chủ động lo cho bản thân khi còn có thể để lúc tuổi cao, sức khỏe giảm sút, dù không còn khả năng lao động vẫn được Nhà nước bảo đảm an sinh xã hội.
Phương Cúc