Bao thanh toán: Sản phẩm quan trọng nhưng chưa thực sự phát triển tại Việt Nam

15/04/2024 - 14:57
(Bankviet.com) Đó là nhận định của ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại Hội thảo về hoạt động Bao thanh toán diễn ra sáng ngày 11/4.
ttk(1).jpg
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại Hội thảo về hoạt động Bao thanh toán. Ảnh: Anh Kiệt

Sau 2 ngày tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tổ chức Quốc tế (IFC), thành viên Nhóm Ngân hàng Thế Giới (WBG) tiếp tục tổ chức Hội thảo về hoạt động Bao thanh toán tại Hà Nội trong ngày 11 và 12/4 nhằm giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) thiết kế và vận hành sản phẩm một cách an toàn và thành công.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng và toàn diện, ngành Ngân hàng Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động, phát triển các sản phẩm, dịch vụ để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

Bao thanh toán là nghiệp vụ rất phổ biến trong hoạt động ngân hàng tại nhiều nước trên thế giới.

Đề cập vai trò của bao thanh toán, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng bao thanh toán là một sản phẩm quan trọng trong lĩnh vực thương mại quốc tế, là nguồn tài chính thuận tiện và hiệu quả cho khu vực tư nhân. Sự phát triển của bao thanh toán sẽ cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận tài chính của khu vực tư nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Hùng dẫn chứng về tính an toàn của hoạt động bao thanh toán khi năm 2020 rất khó khăn do COVID-19 nhưng tỷ lệ không trả nợ (nợ xấu) của các khoản tài trợ cho các khoản phải trả (bao thanh toán ngược) chỉ là 0,18% theo mức độ rủi ro trung bình trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, tại Việt Nam dù đã được thể chế hóa nghiệp vụ bằng các quy định pháp luật nhưng trên thực tế, các hoạt động bao thanh toán lại chưa thực sự phát triển.

Lý giải thực tế này, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghiệp vụ bao thanh toán chưa thực sự phát triển ở Việt Nam như: vướng mắc về hành lang pháp lý; chi phí sử dụng dịch vụ, rủi ro trong hoạt động bao thanh toán đối với cả người bán và người mua…

Trước tình trạng này, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã phối hợp cùng Tổ chức Quốc tế (IFC), thành viên Nhóm Ngân hàng Thế Giới (WBG) tổ chức hội thảo về hoạt động Bao thanh toán với mong muốn trang bị kiến thức đầy đủ về hoạt động này cho các TCTD để khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư về hoạt động này thì các TCTD sẽ đạt hiệu quả cao trong quá trình triển khai.

Đồng thời, ông Nguyễn Quốc Hùng hy vọng trong 2 ngày diễn ra hội thảo, các chuyên gia sẽ chia sẻ toàn diện về bản chất, rủi ro,… của bao thanh toán, kinh nghiệm về triển khai hoạt động bao thanh toán tại các nước trên thế giới; đồng thời, đại diện các TCTD sẽ cùng trao đổi những khó khăn, vướng mắc, đưa ra những bất cập, vấn đề chưa phù hợp thực tiễn; từ đó các chuyên gia và các TCTD cùng đưa ra những góp ý để hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về hoạt động bao thanh toán tại Việt Nam.

“Từ những góp ý đưa ra tại hội thảo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam sẽ tổng hợp, có văn bản kiến nghị để góp ý vào dự thảo Thông tư của Ngân hàng Nhà nước quy định về bao thanh toán và dịch vụ khác liên quan đến bao thanh toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thay thế Thông tư số 02/2017/TT-NHNN”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Minh Đức

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ