Lâm Đồng: Mở rộng thị trường cho nông sản, đặc sản địa phương Lào Cai: Kết nối chuỗi, nâng cao giá trị nông sản |
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Ông đánh giá như thế nào về sức cạnh tranh của nông sản Việt hiện nay?
Mặc dù nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đến 180 thị trường với 16 FTA đã được ký kết, tuy nhiên, nông sản Việt Nam vẫn đối diện với bài toán không ổn định. Một số doanh nghiệp đều muốn xuất khẩu vào các thị trường có giá trị sinh lời cao, nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn bị chậm.
“Bắt bệnh” nông sản Việt vẫn đang đối diện với bài toán không ổn định? (Ảnh: NNVN) |
Nguyên nhân là do, thứ nhất, vùng nguyên liệu cho sản xuất các nông sản xuất khẩu của Việt Nam chưa thật ổn định. Do đó, chất lượng chưa đồng đều, vòng đời các đơn hàng của doanh nghiệp Việt Nam luôn bấp bênh theo năm và theo mùa vụ. Điều này khiến các doanh nghiệp không thể đầu tư công nghệ, chế biến sâu để tạo giá trị gia tăng. Việc không xác định được vòng đời sản phẩm khiến đầu tư khoa học kỹ thuật rất dễ dẫn đến tổn thất nếu như có sự thay đổi của nhu cầu tiêu dùng.
Thứ hai, vòng đời của sản phẩm còn ở góc độ tiếp cận thông tin và lấy được thông tin ở các thị trường trước sự thay đổi của người tiêu dùng. Việc này chúng ta vẫn đang thiếu các điều tra và khảo sát. Gần như đối với thị trường nước ngoài, chúng ta mới tiếp cận thông tin của những người châu Á, khu vực ASEAN và người Việt Nam qua những cửa hàng ở các chuỗi phân phối của Việt Nam tại trường nhập khẩu. Tuy nhiên, xu thế tiêu dùng cao hơn phải là từ người bản địa. Do vậy, chúng ta chỉ thấy được giá trị gia tăng tại các điểm bán chứ không nắm được bức tranh toàn cảnh. Việc này dẫn đến tình trạng chúng ta chỉ xuất khẩu được trong thời gian ngắn, trong một vài năm, sau đó, sẽ bị ngừng lại.
Thứ ba, thay đổi của người tiêu dùng không chỉ nằm ở đối tượng người có thu nhập thấp mà ngay cả những người có thu nhập cao. Sự thay đổi này nếu doanh nghiệp không nắm được thông tin, sản xuất ra các sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu thị trường dẫn đến đầu ra sản phẩm bấp bênh.
Ngoài ra, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn chưa chú trọng các thị trường lớn, điều tra thị trường, xác định thị trường đích, dẫn đến bị lúng túng khi không có thông tin.
Với thực trang đó, giải pháp được đưa ra là gì để nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu, thưa ông?
Để hướng đến thị trường có giá trị sinh lời cao, phải trải qua việc tổ chức lại sản xuất, xây dựng thương hiệu và đòi hỏi những bước đi rất dài.
Tuy nhiên, theo nhận định của chúng tôi, từ nay đến năm 2025, thậm chí đến năm 2030, thị trường Trung Quốc vẫn đang mang lại giá trị sinh lời cao hơn cho người nông dân và doanh nghiệp do tận dụng được yếu tố logistics và phí vận chuyển.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy (Ảnh: Báo Dân Việt) |
Mặt khác, tôi cho rằng, trong tư duy của doanh nghiệp, không nên dùng từ thị trường khó tính. Bởi với suy nghĩ như vậy đã đóng thị trường của chính chúng ta. Hội nhập buộc các doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu của thị trường, chúng ta phải biết chấp nhận yêu cầu của thị trường.
Đáng chú ý, Trung Quốc đã ký Nghị định thư mở cửa cho 3 mặt hàng xuất khẩu gồm dừa tươi, sầu riêng đông lạnh, cá sấu nuôi.
Chúng tôi lo ngại tình trạng chặt các cây trồng khác như cây điều, cây tiêu, cây hồ tiêu đi để trồng sầu riêng. Như vậy, cần nhấn mạnh vai trò của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác quy hoạch, cũng như cần làm rõ quy trình, tiêu chuẩn đối với cây sầu riêng.
Về phía doanh nghiệp cần tập trung vào khâu đóng gói, chế biến, xây dựng thương hiệu. Đầu tư vào kho tàng bảo quản, có như vậy mới đảm bảo được hương vị nông sản từ khi thu hoạch cho đến người tiêu dùng cuối cùng. Bên cạnh đó, với sầu riêng, cần nghiên cứu nâng cao chất lượng quả, để làm sao hạn chế được tính khô của múi, bớt đi được mùi thơm hơi gắt và đẩy mạnh khâu đóng gói. Có như vậy thì sầu riêng Việt Nam mới có thể vào sâu được thị trường nội địa Trung Quốc.
Nếu không đẩy mạnh từ khâu sản xuất, chế biến, logistics thì nông sản Việt mãi đuổi theo Thái Lan trong một số mặt hàng xuất khẩu cạnh tranh vào Trung Quốc.
Đối với đầu ra nông sản sạch và an toàn thì như thế nào, thưa ông?
Có lẽ vấn đề này vẫn bắt đầu tư công tác quy hoạch. Hiện quy hoạch của chúng ta vẫn đang thiếu tư vấn để đi đường dài với các HTX và doanh nghiệp. Điều này dẫn đến tình trạng Bình Dương đã rút lại diện tích hữu cơ do các yếu tố nguồn nước, không khí. Mặt khác tiêu chuẩn hữu cơ của Việt Nam không đồng nhất với tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế.
Trở lại vấn đề, tại sao các sản phẩm sạch, hữu cơ vào các siêu thị vẫn gặp khó khăn. Tôi cho rằng, yếu tố chính vẫn nằm ở siêu thị. Do vấn đề chiết khấu quá cao khiến các hợp tác xã, doanh nghiệp khó “chịu đựng được”, hay những quy định về chất lượng, quy trình vào hàng. Vì vậy, nếu các siêu thị không đủ “tình yêu” và liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã thì sản phẩm hữu cơ khó có thể vào siêu thị.
Mọi sự hài hòa phải bắt đầu tư minh bạch. Sản phẩm đi đến đâu thì tài chính, kỹ thuật, tiêu chuẩn phải đi đến đó. Nếu trong giao thương minh bạch chỉ đứng “cuối đường hầm”, lợi ích bị xâm phạm thì khó có thể nói đến việc kết nối, phát triển chuỗi giá trị.
Mặt khác, lợi thế lớn nhất của chúng ta là sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương. Tôi cho rằng, sản phẩm OCOP cần chuyển ngay trạng thái từ số lượng sang chất lượng. Nếu không, sản phẩm OCOP sẽ khó tiêu thụ ngay tại thị trường nội địa chứ chưa nói đến hướng đến trục nông sản xuất khẩu.
Xin cảm ơn ông!