Bất chấp cảnh báo, thiết bị kích sóng điện thoại vẫn bán công khai trên “chợ mạng”

04/11/2023 - 02:09
(Bankviet.com) Thiết bị kích sóng điện thoại nằm trong danh mục hàng hóa không được tự ý sử dụng, tuy nhiên, hiện mặt hàng này vẫn được mua bán tràn lan trên "chợ mạng".
6 tháng, người Việt chi 2 tỷ USD sắm điện thoại, vào top mạnh chi nhất khu vực châu Á Nhận biết các dấu hiệu điện thoại bị hack và cách phòng tránh

Chỉ từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng/bộ

Dù nằm trong danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn cho mạng thông tin di động, song hiện người dân có thể dễ dàng mua các thiết bị này trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Công Thương, chỉ cần gõ “thiết bị kích sóng di động” đã cho ra vài chục nghìn kết quả tìm kiếm với những quảng cáo như: Kích mạng điện thoại tòa nhà quy mô nhỏ; kích sóng điện thoại giá rẻ, uy tín; bộ kích sóng điện thoại chất lượng… với vô số mẫu mã, kiểu dáng với nhiều loại giá thành khác nhau từ vài trăm đến vài triệu đồng/bộ.

Bất chấp cảnh báo, thiết bị kích sóng điện thoại vẫn bán công khai trên “chợ mạng”
Bộ kích sóng điện thoại 3G/4G DM2 Pro chuyên dụng được rao bán trên "chợ mạng"

Đáng nói, theo danh sách các thiết bị lặp thông tin di động, kích sóng không có chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy vừa được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số công bố bị cấm bán, thuộc các nhãn hiệu như: Pro DM1; DM2 Pro; Pro DM1/DM2/DM; ST960; GSM FTECH 930; GSM AT-980; ELE AT-980; ANTN889-340-01; ANTN889-085-01; ANTN889-305-01; ANTN889-230-01; Model DM2; Lintratek KW20L-GWYT-7001; SDAS; ATNJ-GM-80-27; KW20L-GW; GSM 980, RF-1000; GS-AL, RF 2000… nhưng theo ghi nhận của phóng viên, hiện trên các website, sàn thương mại điện tử vẫn rao bán tràn lan.

Theo thông tin giới thiệu sản phẩm, các trang bán hàng quảng cáo: “Bộ kích sóng điện thoại 3G/4G DM2 Pro chuyên dụng. Bộ kích sóng này sẽ giúp nhà các bạn có sóng điện thoại ổn định hơn”. “Kích sóng điện thoại là giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng nhà mạng tín hiệu sóng di động không ổn định khiến quá trình sử dụng các thiết bị điện thoại trong tòa nhà bị khó khăn, đặc biệt là trong các toà nhà quy mô nhỏ như quán ăn, quán bi-a, quán bia, nhà hàng karaoke, hầm khách sạn, nhà nghỉ".

Qua tìm hiểu, nhiều thiết bị có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nguyên lý hoạt động của bộ ổn định sóng rất đơn giản như thiết bị chuyển tiếp sóng wifi. Thiết bị sử dụng 1 đầu thu BTS đặt ở ngoài nhà, hoặc những nơi có sóng mạnh. Sau đó nối dây vào thiết bị chuyển đổi. Đầu ra trên thiết bị chuyển đổi gắn với đầu phát đặt trong nhà. Người dùng không cần cài đặt kết nối gì thêm, chỉ cần đi dây sao cho thẩm mỹ nhất là được.

Cũng với mã sản phẩm "Thiết bị ổn định sóng điện thoại 3G/4G DM2 Pro khuếch đại", phóng viên khảo sát trên sàn thương mại điện tử như Shopee hay Lazada, thì nhận thấy, hiện các sản phẩm này vẫn đang được rao bán công khai với giá 1.900.000 đồng/bộ.

Bất chấp cảnh báo, thiết bị kích sóng điện thoại vẫn bán công khai trên “chợ mạng”
Thiết bị ổn định sóng điện thoại 3G/4G DM2 Pro khuếch đại cũng được bán trên Shopee với giá 1.900.000 đồng

Tương tự, bộ khuếch đại tín hiệu điện thoại di động ELE AT980 2G GSM900MHz dù cũng nằm trong danh sách bị cấm, song hiện cũng đang được rao bán trên nhiều sàn thương mại điện tử, website với giá khoảng 900.000 đồng/bộ.

Như thông tin quảng cáo trên một trang web cho biết: "Sản phẩm làm bằng chất liệu chất lượng tốt, thiết thực, dễ cài đặt và sử dụng, thân thiện với môi trường, kích thước nhỏ, cấu hình linh hoạt theo các ứng dụng cụ thể. Sản phẩm cũng được sử dụng cho tất cả các khu vực có tín hiệu trong nhà kém và không có tín hiệu như nhà cao tầng, thang máy, cao ốc văn phòng, tầng hầm, du thuyền, làng mạc đô thị, đường hầm, vùng núi hẻo lánh...".

Anh Nguyễn Văn Mạnh, “trùm” buôn các thiết bị này từ Trung Quốc về Việt Nam cho biết: Trước đây thiết bị kích sóng di động có giá khá cao, tầm hơn 10 triệu đồng/bộ, được sử dụng chủ yếu tại các khách sạn, nhà cao tầng với độ phủ sóng từ 150 - 200m. Nhưng nay, công nghệ hiện đại hơn, đã có sản phẩm nhỏ hơn, sử dụng cho các hộ gia đình, phủ sóng từ 10-100m với giá từ 200.000 đồng - 4 triệu đồng.

“Với những thiết bị vài triệu đồng, có những thiết bị rất nhỏ gọn, có thể cầm tay, bỏ vào trong balo, túi xách. Phạm vi hoạt động 50-100m. Nhiều thiết bị có khả năng làm nhiễu nhiều loại sóng như sóng của máy nghe lén, sóng điện thoại, định vị GPS, wifi… Còn những sản phẩm rẻ tiền với giá vài trăm nghìn thì chất lượng kém hơn, và chỉ hoạt động trong phạm vi bán kính 2-10m" - anh Mạnh cho hay.

Trên thực tế, dù các nhà mạng đã nhiều lần quảng bá các đơn vị này đã đầu tư mạnh cho các trạm phát sóng nhưng tình trạng mất mạng, rớt sóng vẫn xảy ra. Để đối phó với tình trạng này, nhiều người dân đã tự ý mua sắm, lắp đặt các thiết bị kích sóng di động.

Chị Mai Hoài Thương (quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Tôi bán hàng online nên mạng Internet rất quan trọng trong công việc. Tôi cũng không hiểu vì lý do gì cứ vào nhà là mạng điện thoại lại rất kém, thậm chí wifi cũng rất kém. Sau một lần được bạn bè mách, tôi đã đi mua thiết bị kích sóng điện thoại có giá 2 triệu đồng về sử dụng. Sau khi lắp đặt thiết bị này thì mạng nhà tôi chạy rất tốt".

Tương tự, anh Nguyễn Văn Ngọc (Cầu Giấy) làm nghề lái xe khách cho biết, do đặc thù công việc thường xuyên chở khách đi xa, về tận các vùng quê, hay miền núi nên nhiều khu vực mạng yếu ảnh hưởng đến công việc. Sau nhiều lần xem quảng cáo, tôi đã quyết định mua một bộ sản phẩm kích sóng điện thoại. Đây là loại mini cầm tay, mang theo cũng rất tiện dụng và hiệu quả hơn hẳn.

Người lắp đặt trái phép có thể bị phạt tới 30 triệu đồng

Trước tình trạng nhiều người dân tự ý lắp đặt thiết bị kích sóng di động, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, người dân không được tự ý lắp đặt hay sử dụng thiết bị kích sóng. Trường hợp tự ý lắp đặt, sử dụng thiết bị kích sóng gây nhiễu có hại đối với mạng viễn thông di động công cộng, người lắp đặt trái phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đến 30 triệu đồng và tịch thu tang vật, phương tiện thực hiện. Người kinh doanh thiết bị cũng bị xử phạt vi phạm hành chính đến 50 triệu đồng.

Bất chấp cảnh báo, thiết bị kích sóng điện thoại vẫn bán công khai trên “chợ mạng”
Bộ khuếch đại tín hiệu điện thoại di động ELE AT980 bị cấm, song vẫn được bày bán công khai

Được biết, thời gian qua, Cục Tần số vô tuyến điện đã thanh kiểm tra sử dụng tần số do có nhiều vụ kẻ gian sử dụng trạm BTS giả để phát tán tin nhắn lừa đảo, hoặc người dân sử dụng các thiết bị không hợp quy, phát sóng gây nhiễu tín hiệu khóa thông minh.

Cục Tần số vô tuyến điện đã phát hiện và xử phạt 17 vụ vi phạm, đồng thời giải quyết nhiễu cho 108 đài vô tuyến điện bị nhiễu, chủ yếu là trạm gốc di động.

Theo đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, đơn vị vừa yêu cầu sàn thương mại điện tử gỡ bỏ các thiết bị kích sóng điện thoại di động không có chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, mới đây, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) có văn bản gửi Cục, phản ánh về việc một số website/ứng dụng đăng bán thiết bị kích sóng điện thoại di động không có chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy trên các website thương mại điện tử, các sàn thương mại điện tử.

Thiết bị kích sóng di động là loại thiết bị vô tuyến điện hoạt động theo nguyên lý thu sóng tại nơi có cường độ sóng tốt rồi chuyển tiếp, khuếch đại và phát lại ở nơi có sóng yếu, nhằm cải thiện cường độ sóng.

Ngoài ra, việc các cá nhân tự ý lắp đặt thiết bị kích sóng di động có thể sẽ gây can nhiễu, khó khăn trong việc kết nối các cuộc gọi của các thuê bao di động khác trong khu vực. Thậm chí, các thiết bị này có thể ảnh hưởng tới trạm thu phát sóng di động của các nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất công cộng...

Bất chấp cảnh báo, thiết bị kích sóng điện thoại vẫn bán công khai trên “chợ mạng”
Rất nhiều thiết bị kích sóng với nhiều mức giá khác nhau

Theo quy định, chỉ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động, có giấy phép sử dụng băng tần mới được sử dụng thiết bị kích sóng điện thoại di động trong hệ thống mạng thông tin di động, để lắp đặt tại các khu vực bị hạn chế vùng phủ sóng.

Nhằm ngăn ngừa việc gây nhiễu có hại tới mạng thông tin di động, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đề nghị các doanh nghiệp kiểm tra, rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm vi phạm trên website và ứng dụng thương mại điện tử như phản ánh.

Đồng thời, triển khai các biện pháp kỹ thuật, nhân sự kiểm duyệt… nhằm ngăn chặn, loại bỏ và xử lý các sản phẩm vi phạm như đã phản ánh trên website và ứng dụng theo quy định.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đề nghị người dân, doanh nghiệp nếu phát hiện các website bán các sản phẩm vi phạm nêu trên thì gửi thông tin về Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số để có phương án giải quyết.

Đỗ Nga

Theo: Báo Công Thương