BHXH Việt Nam lên tiếng về cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội ở Đồng Nai

04/06/2023 - 20:15
(Bankviet.com) BHXH Việt Nam vừa lên tiếng về cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội tại Đồng Nai, đồng thời đề nghị Bộ Y tế xử lý nghiêm.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cắt giảm hồ sơ, thủ tục, tạo thuận lợi tối đa cho người dân Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Cả nước có hơn 90,2 triệu người tham gia bảo hiểm y tế

Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH Việt Nam) vừa có Công văn số 1623/BHXH-CSYT gửi Bộ Y tế về việc vi phạm trong cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

BHXH Việt Nam lên tiếng về cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội ở Đồng Nai
Các lực lượng chức năng khám xét 6 cơ sở khám chữa bệnh và 2 nhà ở trên địa bàn TP Biên Hòa để làm rõ hành vi trục lợi bảo hiểm xã hội

Cụ thể, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đồng Nai, việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với 6 phòng khám đa khoa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai không đúng quy định như: Người bệnh không đi khám vẫn được cấp giấy chứng nhận nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội, bác sĩ không đi làm tại Phòng khám nhưng vẫn ký cấp giấy chứng nhận nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội, không bị ốm vẫn kê chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thuốc... để trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Về việc này, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có nhiều văn bản chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thường xuyên rà soát, kiểm tra, thanh tra và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan. Trong đó sự việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội của 6 phòng khám đa khoa tại tỉnh Đồng Nai từ tháng 5/2022, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan phát hiện và chuyển Công an tỉnh Đồng Nai.

Để đảm bảo việc tuân thủ thực thi chính sách pháp luật theo quy định, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Y tế: Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấn chỉnh các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thực hiện nghiêm túc Luật khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, quy trình khám chữa bệnh của Bộ Y tế và nghiêm cấm các hành vi trục lợi quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Đồng thời, chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn, nhất là các cơ sở y tế tư nhân.

Đối với các cơ sở khám chữa bệnh được xác định có hành vi trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giao cho Sở Y tế phối hợp với bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố thực hiện xử lý nghiêm túc theo quy định của pháp luật (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ; Điều 23 của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ, ...).

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thông tin thêm, nhằm xử lý nghiêm vi phạm vụ việc ở Đồng Nai, ngày 3/6, Sở Y tế Đồng Nai cũng đã có văn bản hỏa tốc gửi Bảo hiểm xã hội tỉnh về việc thống nhất tạm dừng hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tếđối với 4 phòng khám tư nhân tại TP Biên Hòa (gồm: Phòng khám đa khoa Tân Long, Long Bình Tân (phường Long Bình Tân); Tam Đức (phường Tân Hiệp) và Phòng khám đa khoa Quốc tế Mỹ Đức (phường Long Bình) do liên quan đến vụ cấp giấy chứng nhận nghỉ việc khống để trục lợi quỹ Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm y tế.

Theo đó, thời gian thực hiện từ ngày 3/6 cho đến khi bảo hiểm xã hội và Sở Y tế tỉnh Đồng Nai có văn bản, thông báo mới căn cứ theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền về hành vi trục lợi quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế của các phòng khám nêu trên.

Trước đó, ngày 30/5, Công an TP Biên Hoà, Đồng Nai đã khám xét khẩn cấp 8 địa điểm, trong đó có 6 phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn thành Biên Hòa. Qua khám xét, lực lượng công an đã thu giữ hơn 130 nghìn giấy chứng nhận nghỉ làm được hưởng bảo hiểm xã hội; hơn 400 giấy khám sức khỏe đã ghi khống kết quả, chưa có thông tin người khám và nhiều tài liệu, máy móc liên quan đến hoạt động khám, chữa bệnh.

Bước đầu, Công an thành phố Biên Hòa xác định, các đối tượng này đã làm giả các loại giấy tờ trên bán cho công nhân lao động tại một số công ty để quyết toán tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, các đối tượng lập hồ sơ rút tiền bảo hiểm xã hội đối với công nhân, nhưng trên thực tế công nhân không bị bệnh và cũng không đi khám nhưng các phòng khám vẫn được hưởng tiền khám, chữa bệnh từ nguồn bảo hiểm y tế.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương