Bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục: BIDV, VietinBank, MSB... "xếp hàng dài" đợi Vneco trả nợ quá hạn

25/09/2024 - 12:49
(Bankviet.com) Vneco đang phải đối mặt với nghi ngờ của kiểm toán viên về sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn về khả năng hoạt động liên tục. Tại thời điểm cuối quý 2, xuất hiện những khoản vay quá hạn chưa thanh toán tại các ngân hàng lớn như BIDV, VietinBank, MSB... Hiện tổng nợ phải trả của Vneco gấp 2,6 lần vốn chủ sở hữu.

Ngày 23/9, Tổng Công ty CP Xây dựng Điện Việt Nam (Vneco, HOSE: VNE) đã công bố văn bản giải trình về các vấn đề được kiểm toán viên nhấn mạnh trong báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2024.

Bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục: BIDV, VietinBank, MSB...
Tại thời điểm cuối tháng 6/2024, tổng nợ phải trả của Vneco đã "vượt mặt" vốn chủ sở hữu tới 2,6 lần.

Cụ thể, kiểm toán viên lưu ý doanh thu của Vneco trong 6 tháng đầu năm 2024 đã giảm 34,4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận thuần âm gần 71 tỷ đồng, trong khi dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh cũng âm gần 29 tỷ đồng trong kỳ.

Đặc biệt, ngày 3/8, Vneco nhận được thông báo của Tòa án Nhân dân TP. Đà Nẵng về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản từ Công ty CP Sông Đà 11 do Vneco chậm thanh toán công nợ. Hiện công ty đang rà soát số liệu và lên kế hoạch thanh toán.

Ngoài ra, Vneco vẫn chưa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 do cần thời gian giải quyết các vấn đề tồn đọng tại một số công trình trọng điểm để hoàn thiện hồ sơ trình cổ đông.

Đơn vị kiểm toán nhấn mạnh, khả năng tiếp tục hoạt động của Vneco phụ thuộc vào khả năng thu hồi các khoản phải thu, gia hạn các khoản vay, phải trả từ các ngân hàng thương mại, các nhà cung cấp và hiệu quả hoạt động kinh doanh trong tương lai, theo đó dơn vị kiểm toán cho rằng xuất hiện sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn về khả năng hoạt động liên tục của Vneco.

Giải trình về vấn đề được kiểm toán viên nhấn mạnh, Vneco cho biết hoạt động kinh doanh của công ty đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ các rủi ro bất khả kháng, đặc biệt là đại dịch Covid-19 kéo dài từ 2020-2022. Việc thi công bị đình trệ, kéo dài dẫn đến chi phí quản lý tăng cao, lãi vay vốn lưu động và giá vật tư đầu vào biến động, khiến nhiều dự án giảm lợi nhuận hoặc lỗ khi quyết toán.

Trong giai đoạn 2022 - 2023, các ngân hàng thắt chặt tín dụng, ảnh hưởng lớn đến việc huy động vốn cho hoạt động kinh doanh. Vneco cũng gặp khó khăn trong các dự án đầu tư do chồng chéo về quy định pháp luật và thiếu cơ sở pháp lý. Dự án Nhà máy điện gió Thuận Nhiên Phong, mà Vneco sở hữu 100%, là một ví dụ khi chỉ vận hành thương mại được 5 trên tổng số 8 tuabin dù đã hoàn tất lắp đặt từ 2021.

Vneco cho biết, dự án Thuận Nhiên Phong đã được cấp phép từ năm 2009, nhưng các thủ tục đất đai liên quan mãi đến cuối năm 2023 mới được hoàn thiện. Tuy nhiên, việc thuê đất và hoàn tất thủ tục COD cho các tuabin còn lại vẫn chưa thể thực hiện, dẫn đến dòng tiền đầu tư không được thu hồi, trong khi các ngân hàng đã ngừng giải ngân.

“Sự chồng chéo trong các Quy định pháp luật và thiếu cơ sở pháp lý trong thủ tục đầu tư đã tác động trực tiếp đến Dự án Thuận Nhiên Phong”, Vneco nhấn mạnh.

Một trở ngại khác là sau khi chính sách hỗ trợ phát triển điện gió hết hiệu lực vào đầu năm 2021, đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể để đàm phán giá bán điện với EVN, gây khó khăn cho dự án.

Ban lãnh đạo Vneco đang nỗ lực tháo gỡ các vướng mắc pháp lý để hoàn thiện dự án, đồng thời tái cấu trúc các tài sản không sinh lợi nhằm tăng tính thanh khoản. Tuy nhiên, quá trình triển khai tái cấu trúc gặp nhiều trở ngại do Luật Đất đai mới có hiệu lực từ 1/8/2024, nhưng bảng giá đất mới chưa được ban hành, ảnh hưởng đến các giao dịch bất động sản và chuyển nhượng tài sản.

Tại thời điểm cuối tháng 6/2024, tổng nợ phải trả của Vneco đã "vượt mặt" vốn chủ sở hữu tới 2,6 lần, tương đương 2.476 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay ngắn và dài hạn lần lượt chiếm 1.117 tỷ và 577 tỷ đồng.

Bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục: BIDV, VietinBank, MSB...
Nguồn: BCTC Vneco.

Theo thuyết minh, Vneco đang vay nợ tại nhiều ngân hàng khác nhau như BIDV, VPBank, VietinBank… Đáng chú ý, Công ty đang ghi nhận 96 tỷ đồng nợ vay quá hạn chưa thanh toán tại thời điểm cuối quý 2/2024, trong đó nợ quá hạn thanh toán tại BIDV – Chi nhánh Đăk Lắk là 24,6 tỷ đồng, tại VietinBank 28,4 tỷ đồng, tại MSB 10,5 tỷ đồng và tại MB – Chi nhánh Đống Đa 12,4 tỷ đồng…

Liên tiếp báo lỗ, UDC bị kiểm toán đặt dấu hỏi về khả năng hoạt động liên tục

Công ty kiểm toán AASC bày tỏ lo ngại về khả năng hoạt động liên tục của Công ty CP Xây dựng và Phát triển ...

Hưng Thịnh Incons (HTN) chào bán 89 triệu cổ phiếu cho cổ đông để trả nợ BIDV và MSB

Công ty CP Hưng Thịnh Incons (HOSE: HTN) vừa thông qua nghị quyết HĐQT về việc triển khai phương án chào bán thêm cổ phiếu ...

Phạm Hường

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán