Bầu Đức sắp hái trái ngọt sau gần hai thập kỷ bền gan vượt sóng gió, tung ra 2 quân bài với hiệu quả siêu cao
Sau gần hai thập kỷ bền gan vượt sóng gió, bầu Đức đã đưa HAGL hồi sinh và phát triển mạnh mẽ, vẫn kiên định với định hướng trong ngành nông nghiệp.
Giai đoạn huy hoàng của bất động sản và cú rẽ định mệnh
Cách đây gần hai thập kỷ, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) từng là một trong những doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam. Giai đoạn 2007–2008, công ty liên tiếp báo lãi ròng hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Riêng năm 2008, HAGL đạt lợi nhuận sau thuế 765 tỷ đồng, tổng tài sản cán mốc gần 9.000 tỷ đồng – con số rất lớn trong bối cảnh thị trường lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, trong lúc bất động sản vẫn đang là mỏ vàng, ông Đoàn Nguyên Đức bắt đầu nuôi tham vọng vươn ra thế giới bằng nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn. Năm 2007, HAGL âm thầm khởi động các dự án cao su, đổ hàng tỷ USD vào sở hữu hơn 50.000 ha đất trồng cao su và cây nguyên liệu tại Việt Nam, Lào, Campuchia. Năm 2010, công ty chi 765 triệu USD xây dựng nhà máy chế biến gỗ, khai thác mủ cao su, thành lập Công ty CP Cao su Hoàng Anh Gia Lai với vốn điều lệ 200 tỷ đồng, đồng thời mở rộng sang mía đường, ethanol và điện sinh khối.
Đến năm 2013, bầu Đức tuyên bố tái cấu trúc toàn diện, chính thức rời bỏ thủy điện, thoái vốn bất động sản trong nước, dồn toàn lực phát triển nông nghiệp. HAGL giữ lại trồng cao su, cọ dầu, mía đường và thử nghiệm bắp, bò.
Nhưng mọi tính toán sụp đổ chỉ vì… giá cao su.
“Lúc đó, tôi tin rằng giá cao su chỉ giảm tối đa về 3.000 USD mỗi tấn, nên khi đầu tư, tôi tính nếu giá 5.000 USD, từ năm 2016 HAGL sẽ có 500 triệu USD lợi nhuận mỗi năm”, bầu Đức từng chia sẻ.
Thực tế khắc nghiệt hơn nhiều. Đến khi vườn cao su bắt đầu khai thác, giá bán lao dốc chỉ còn chưa tới 1.000 USD/tấn, thấp hơn cả giá vốn. Các khoản vay khổng lồ được huy động để mở rộng quỹ đất và xây dựng nhà máy trở thành gánh nặng. Đỉnh điểm cuối năm 2016, nợ vay của HAGL vượt 27.000 tỷ đồng, công ty rơi vào khủng hoảng thanh khoản.
Giai đoạn 2015–2017, không còn ngân hàng nào dám tiếp tục cấp vốn, còn nhà đầu tư ngoại Temasek (Singapore) – đối tác đã góp 120 triệu USD cũng không thể ngờ kịch bản xấu lại tồi tệ đến vậy. HAGL từng có lúc lỗ lũy kế gần 7.500 tỷ đồng, đứng trước nguy cơ sụp đổ.
May mắn mang tên chuối
Trong lúc tuyệt vọng tìm lối thoát, bầu Đức nhận được lời khuyên từ một đối tác người Đài Loan: hãy trồng chanh dây và ớt xuất khẩu sang Trung Quốc. Từ bước khởi đầu nhỏ bé này, HAGL dần bén duyên với cây chuối – loại cây sau này được ông Đức gọi là “cơ hội sống trong cõi chết”.
Tới cuối năm 2024, công ty đã sở hữu hơn 7.000ha chuối và 2.000ha sầu riêng. Riêng chuối trở thành mảng đóng góp lợi nhuận cao nhất, ổn định thị trường tiêu thụ. Sau nhiều năm tái cơ cấu, HAGL chính thức xóa toàn bộ lỗ lũy kế và bắt đầu báo lãi trở lại.
Kết thúc năm 2024, doanh nghiệp đã ghi nhận khoản lợi nhuận ròng 247 tỷ đồng – bước ngoặt quan trọng sau gần một thập kỷ bết bát.
Nửa đầu năm 2025, kết quả kinh doanh của HAGL vượt xa kỳ vọng. Theo báo cáo, chỉ sau 6 tháng, công ty đã hoàn thành hơn 60% kế hoạch lợi nhuận năm, với giá chuối duy trì ổn định ở mức cao. Tổng lợi nhuận ước tính đạt hơn 669 tỷ đồng, trong khi mảng sầu riêng vẫn chưa ghi nhận doanh thu.
Trước diễn biến tích cực, HAGL đang chuẩn bị điều chỉnh tăng mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2025 từ 1.114 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng. Đặc biệt, trong quý III/2025, nếu hoàn tất thủ tục pháp lý, công ty dự kiến được phép ghi nhận khoản thu nhập bất thường hơn 1.000 tỷ đồng. Nhờ đó, tổng lợi nhuận năm 2025 có thể đạt mốc 2.500 tỷ đồng – cao nhất lịch sử doanh nghiệp.
Tầm nhìn đến năm 2028 có nhiều thứ mới mẻ
Không chỉ dừng lại ở chuối và sầu riêng, HAGL công bố kế hoạch đầu tư mới: triển khai 2.000ha cà phê Arabica và 2.000ha dâu tằm từ tháng 7/2025. Đây được xem là bước đi chiến lược nhằm đa dạng hóa chuỗi sản phẩm nông nghiệp, tránh phụ thuộc vào một loại cây trồng duy nhất.
Ông Đức cho biết công ty đã hoàn thiện nhà máy sản xuất tơ, sẵn sàng đón sản lượng dâu tằm. “Dâu tằm là cây trồng mới nhưng hiệu quả vượt trội, lợi nhuận trên mỗi hecta cao hơn tất cả các loại cây hiện nay”, Chủ tịch HAGL khẳng định.
Cùng lúc, doanh nghiệp bắt đầu thử nghiệm nuôi cá tầm tại Lào với quy mô 700.000 con giống, dự kiến thu hoạch lứa đầu tiên trong quý III và quý IV năm nay.
Sau hành trình dài đầy sóng gió, bầu Đức tiếp tục đặt mục tiêu táo bạo: đến năm 2028, HAGL kỳ vọng lợi nhuận sau thuế cán mốc 5.000 tỷ đồng.
Những ai từng chứng kiến cú sụp đổ vì cao su không khỏi hoài nghi liệu tham vọng mới có quá liều lĩnh. Nhưng lần này, HAGL chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, xây chiến lược đa chân trụ: chuối – sầu riêng – cà phê – dâu tằm – cá tầm – heo, và đặc biệt coi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Hành trình gần 20 năm của Hoàng Anh Gia Lai là minh chứng rõ rệt nhất về cái giá của khát vọng. Từ thời kỳ vàng son bất động sản đến cú ngã đau vì cao su, rồi gắng gượng hồi sinh nhờ cây chuối, bầu Đức đang nỗ lực biến doanh nghiệp trở thành “ông lớn nông nghiệp” theo cách kiên trì hiếm có.