Xác định thành công với bạn là gì
Mọi người đều có định nghĩa cá nhân của riêng họ về thành công. Có người nghĩ thành công là phải ở một vị trí đáng mơ ước, còn với người khác chỉ đơn giản là một công việc cho phép họ dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.
Hãy nghĩ về điều quan trọng nhất với sự nghiệp của bạn hiện tại và mong muốn trong tương lai. Những gì bạn phấn đấu bây giờ có thể khác những gì bạn muốn trong 5 hoặc 10 năm nữa. Suy nghĩ dài hạn sẽ giúp bạn xác định phiên bản thành công.
Không có đúng hay sai để định nghĩa thành công, quan trọng là cách bạn xác định cho riêng mình (ảnh minh họa) |
Khi đã xác định được rồi, hãy biến nó thành hành động. Tạo một biểu đồ vị trí hiện tại trong sự nghiệp và vị trí bạn muốn trong 5 năm, 10 năm nữa. Điền vào mỗi 5 năm đầu vị trí và chức danh mình muốn có.
Thiết lập mục tiêu và tiến trình
Mục tiêu và tiến trình đi đôi với nhau. Nếu không có mốc thời gian, bạn sẽ khó đạt được mục tiêu. Mục tiêu đặt ra mang lại cho bạn động lực phấn đấu và tiến trình giúp bạn có trách nhiệm, đi đúng hướng để đạt mục tiêu.
Tham khảo lộ trình nghề nghiệp và xem xét các kế hoạch trong các năm, từ một đến năm năm. Đây là những mục tiêu dài hạn lớn nhất. Để hoàn thành những mục tiêu lớn này, bạn sẽ cần chia chúng thành những mục tiêu ngắn hạn hơn, dễ quản lý.
Xem xét các bước cần thực hiện để đạt được cấp độ tiếp theo trong sự nghiệp. Bạn sẽ cần học những kỹ năng gì? Ai trong mạng lưới của bạn có thể giúp bạn phát triển? Liệu bạn có thể đạt được mục tiêu tại công ty hiện tại của mình không?
Hãy thực sự dành thời gian để phân tích và suy nghĩ chín chắn về điều này. Không có giới hạn về số lượng mục tiêu ngắn hạn bạn có thể tạo, nhưng một nguyên tắc chung là nhiều tốt hơn ít. Khi xác định được cả mục tiêu dài hạn và ngắn hạn, hãy thêm vào lộ trình sự nghiệp.
Kế hoạch càng chi tiết, bạn càng dễ đi đúng hướng để đạt mọi mục tiêu.
Mong được nhận xét, góp ý
Phản hồi là một cách để đo lường sự tiến bộ và đảm bảo bạn đang đi đúng hướng. Nếu bạn chỉ được đánh giá chính thức hai lần mỗi năm, hãy lên lịch cuộc họp kiểm tra với người quản lý giữa các lần đánh giá.
Đừng giới hạn phản hồi chỉ đến từ cấp trên. Nó cũng nên đến từ các đồng nghiệp, vì họ đưa ra một góc nhìn và quan điểm khác.
Yêu cầu đồng nghiệp đánh giá điểm mạnh và điểm yếu hoặc cung cấp phản hồi cụ thể từ thời gian bạn làm việc cùng nhau. Nếu bạn đang ở vai trò quản lý, hãy yêu cầu nhân viên phê bình. Nguồn phản hồi càng đa dạng, bạn càng học được nhiều.
Hãy cởi mở với người quản lý
Nói chuyện với người quản lý và xem những khả năng nghề nghiệp nào tồn tại trong công ty. Chia sẻ mục tiêu và xem họ có thể giúp bạn đạt được mục tiêu như thế nào.
Bằng cách nói chuyện với người quản lý và cho họ biết nguyện vọng, bạn đang đặt mình vào tầm ngắm của họ. Nếu ủng hộ, họ sẽ trợ giúp và đưa ra lời khuyên để giúp bạn đạt được mục tiêu.
Tận dụng các mối quan hệ
Cách duy nhất để thăng tiến sự nghiệp, bất kể mục tiêu là gì, là bạn phải có sự giúp đỡ và hỗ trợ từ những người khác.
Khi đang suy nghĩ về định nghĩa thành công, hãy nói chuyện với người cố vấn đáng tin cậy. Khi bạn đang tạo ra các mục tiêu dài hạn, hãy nói chuyện với người quản lý xem khả năng thăng tiến là gì.
Khi xác định được mình muốn làm gì tiếp theo, hãy tìm kiếm những người hiện đang đảm nhận vai trò đó hỏi họ. Nhận được càng nhiều thông tin, kế hoạch của bạn càng rõ ràng hơn.
Liên tục đề xuất các ý tưởng xuất sắc
Đây có thể nói là bước tiên quyết giúp bạn có cơ hội thăng tiến trong công việc. Những sáng kiến, ý tưởng có thể mang đến lợi ích vượt bậc cho công ty sẽ giúp bạn được đánh giá cao về năng lực làm việc.
Một bí quyết nhỏ là đừng ngần ngại chia sẻ ý tưởng, quan điểm của mình trong mỗi cuộc họp nhóm hàng tuần. Sau đó, bạn có thể nhờ đồng nghiệp, leader hay sếp cho ý kiến, phản hồi để bạn có thể giúp nó trở nên tốt hơn.
Qua thời gian, khả năng xây dựng và phát triển các ý tưởng của bạn sẽ được củng cố vững vàng hơn.
Luôn học hỏi, trau dồi kỹ năng
Người ta thường dùng câu “Ngủ quên trên chiến thắng” để ám chỉ thái độ cao ngạo, thiếu cầu thị. Một người tài giỏi sẽ luôn nhận ra những điểm thiếu sót của mình.
Những kỹ năng vốn có của bạn nếu không được sử dụng thường xuyên cũng sẽ trở nên mai một. Chính vì thế, bạn luôn phải mài giũa để kỹ năng ấy luôn là điểm mạnh của mình.
Đặc biệt, việc trau dồi những kỹ năng mới sẽ giúp bạn trở thành một người toàn diện hơn.
Minh Đức