HOSE - 25 năm một hành trình: Bước chuyển mình và cú bứt phá cùng nền kinh tế

15/07/2025 - 17:18
(Bankviet.com) Giai đoạn 2006–2009 là thời kỳ bùng nổ mạnh mẽ, nhưng cũng chứng kiến cú trượt sâu vì khủng hoảng toàn cầu. HOSE trở thành tâm điểm trong làn sóng cổ phần hóa, là bệ phóng cho nhiều doanh nghiệp nhà nước vươn ra thị trường vốn.
Chủ trương - Chính sách

HOSE - 25 năm một hành trình: Bước chuyển mình và cú bứt phá cùng nền kinh tế

Kiều Linh 15/07/2025 11:52

Giai đoạn 2006–2009 là thời kỳ bùng nổ mạnh mẽ, nhưng cũng chứng kiến cú trượt sâu vì khủng hoảng toàn cầu. HOSE trở thành tâm điểm trong làn sóng cổ phần hóa, là bệ phóng cho nhiều doanh nghiệp nhà nước vươn ra thị trường vốn.

hose-25-nam-thanh-lap(1).png

Làn sóng IPO và cổ phần hóa – chất xúc tác làm dậy sóng thị trường

Giai đoạn 2005–2007 đánh dấu bước chuyển mình bứt phá của thị trường chứng khoán Việt Nam. Sau những năm đầu vận hành còn dè dặt, thị trường chứng kiến sự tham gia ồ ạt của các doanh nghiệp Nhà nước trong tiến trình cổ phần hóa. HOSE, lúc này vừa chuyển đổi từ Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM thành Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (2007), đã trở thành “sân chơi” chính của những cái tên lớn nhất.

Từ 41 doanh nghiệp năm 2005, số lượng công ty niêm yết trên HOSE tăng vọt lên 187 vào năm 2006 và đạt 250 vào năm 2007. Những cái tên như Vinamilk, Bảo Việt, Đạm Phú Mỹ, Vietcombank hay PVFC lên sàn đã lập tức tạo hiệu ứng thị trường lan tỏa mạnh mẽ.

hose-1.png
10 doanh nghiệp lớn nhất HOSE vào năm 2007

Chỉ riêng sự kiện Vinamilk lên sàn tháng 1/2006 đã lập tức khiến giá trị vốn hóa của HOSE tăng gấp đôi trong một phiên giao dịch. Thống kê cho thấy, giá trị vốn hóa thị trường tăng vọt từ 7.400 tỷ đồng năm 2005 lên tới 148.000 tỷ đồng vào cuối 2006 – tức hơn 19 lần chỉ trong 12 tháng. Tỷ lệ vốn hóa/GDP cũng nhảy vọt từ 1,1% lên 22,7% rồi tiếp tục đạt 43,26% trong năm 2007. Đây là thời kỳ mà các chỉ số vĩ mô phản ánh rất rõ niềm tin của nhà đầu tư vào quá trình cải cách và minh bạch hóa doanh nghiệp nhà nước thông qua thị trường chứng khoán.

Cơn sốt chứng khoán và đỉnh lịch sử VN-Index

Năm 2006 – 2007, chứng khoán trở thành chủ đề thời sự. Các nhà đầu tư cá nhân bắt đầu đổ xô mở tài khoản, dòng tiền ào ạt đẩy chỉ số VN-Index tăng gần gấp 4 lần, từ 300 điểm lên mức đỉnh lịch sử 1.170,67 điểm vào ngày 12/3/2007. Câu chuyện “phất lên từ chứng khoán” trở thành giấc mơ hiện hữu, khi nhiều cá nhân thu về hàng chục tỷ đồng chỉ sau vài tháng đầu tư.

Bối cảnh chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng cao, và làn sóng cổ phần hóa rầm rộ đã tạo thành chất xúc tác mạnh. Nhiều doanh nghiệp nhà nước tận dụng cơ hội để huy động vốn lớn từ công chúng, tạo nguồn lực đầu tư và nâng cao tính minh bạch trong quản trị.

hose-2.png
Năm 2007, sự kiện Việt Nam gia nhập WTO, trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức này là cột mốc quan trọng, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán

Không ít người từ nhà đầu tư tay ngang đã trở thành triệu phú sau vài tháng. Câu chuyện về những nhà đầu tư cá nhân chỉ với vài trăm triệu đồng vốn ban đầu mà "lãi hàng tỷ" trở nên phổ biến đến mức... gây sốt, kéo theo cơn lốc FOMO (fear of missing out – nỗi sợ bị bỏ lỡ cơ hội) lan rộng.

Dẫu vậy, thành công rực rỡ ấy cũng đặt ra nhiều dấu hỏi về tính bền vững, khi dòng tiền chủ yếu đổ vào theo tâm lý đám đông, chưa đi kèm sự hiểu biết và phân tích cơ bản. Và rồi, thị trường cũng phải đối diện với thử thách đầu tiên lớn nhất trong lịch sử tồn tại của mình: khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008...

Trước tốc độ phát triển chóng mặt, HOSE không chỉ đứng vai trò là “sàn” giao dịch, mà còn là đơn vị kiến tạo chuẩn mực thị trường. Năm 2007, HOSE bắt đầu triển khai khớp lệnh liên tục, thay vì khớp lệnh định kỳ như giai đoạn đầu. Đây là cải tiến mang tính nền tảng, giúp tăng thanh khoản, phản ánh thị trường sát với thông tin thời gian thực.

Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) là doanh nghiệp thủy điện đầu tiên niêm yết trên HOSE, từng nắm vị trí quán quân về vốn hóa vào năm 2005 với 16.000 tỷ đồng.

Đồng thời, hệ thống giám sát giao dịch, quản trị rủi ro và hạ tầng công nghệ cũng được cải thiện đáng kể. HOSE bắt đầu triển khai các quy chuẩn cao hơn trong quản trị công ty, công bố thông tin, điều kiện niêm yết – từng bước tạo nên “bộ lọc chất lượng” cho sàn.

Cơn lốc 2008 – khi bong bóng vỡ tan

Tuy nhiên, sự thăng hoa kéo dài không mãi. Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 bắt nguồn từ Mỹ đã nhanh chóng lan rộng, và Việt Nam không tránh khỏi tác động. Giá dầu lao dốc, lạm phát tăng cao, đồng USD biến động mạnh – khiến dòng vốn ngoại rút khỏi các thị trường mới nổi.

VN-Index khép lại năm 2008 ở mức 316 điểm, mất hơn 66% so với đỉnh. Khoảng 195.000 tỷ đồng vốn hóa “bốc hơi” khỏi HOSE chỉ sau một năm. Hàng loạt nhà đầu tư rơi vào thua lỗ. Nhiều người gọi đây là “cơn ác mộng vỡ mộng làm giàu từ chứng khoán”.

hose-3.png
Ngay sau cú sốc 2008, HOSE và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thực hiện hàng loạt biện pháp ổn định thị trường

Sự kiện này cũng là phép thử đầu tiên cho thị trường non trẻ: kiểm định khả năng chống chịu rủi ro hệ thống, mức độ quản trị doanh nghiệp niêm yết, và đặc biệt là khả năng điều tiết từ cơ quan quản lý.

Ngay sau cú sốc 2008, HOSE và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thực hiện hàng loạt biện pháp ổn định thị trường. Trong đó có việc siết điều kiện niêm yết, cải thiện chất lượng công bố thông tin, nâng cao chuẩn mực minh bạch và quản trị công ty.

Sự cố kỹ thuật nghiêm trọng vào tháng 5/2008 – khiến sàn phải đóng cửa 3 ngày liên tiếp – cũng buộc HOSE đẩy nhanh lộ trình đầu tư công nghệ mới, hướng tới chuẩn hóa hệ thống giao dịch.

Cũng trong giai đoạn này, nhiều chuyên gia khuyến nghị việc phát triển sản phẩm tài chính đa dạng, chuẩn bị cho các chỉ số như VN30, các quỹ ETF mô phỏng chỉ số và khung pháp lý mới nhằm tránh lặp lại kịch bản rủi ro hệ thống.

Kiều Linh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán