Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu cần phải nhanh chóng nắm bắt

25/03/2023 - 02:06
(Bankviet.com) Theo Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng, chuyển đổi số là một xu thế tất yếu cần phải nhanh chóng nắm bắt lấy thời cơ phát triển do chuyển đổi số mang lại.
3 nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số ngành Công Thương Đoàn Thanh niên tiên phong trong lao động, sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia Chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất: Lợi ích từ "3 giảm"

Quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị

Chiều 24/3, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương tổ chức Chương trình Ngày chuyển đổi số tỉnh Hải Dương năm 2023, với chủ đề “Chuyển đổi số: Kết nối, chia sẻ dữ liệu hướng tới hoàn thiện Chính phủ số, phát triển Kinh tế số và Xã hội số tỉnh Hải Dương”.

Ông Trần Đức Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương
Ông Trần Đức Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương phát biểu

Ông Trần Đức Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho biết, cách đây vừa tròn 1 năm, lần đầu tiên tỉnh Hải Dương công bố Ngày chuyển đổi số của tỉnh (26/3/2022) với chủ đề “Chuyển đổi số hiện thực hóa khát vọng phát triển tỉnh Hải Dương”. Tỉnh Hải Dương đã quyết định chọn ngày 26/3 là ngày chuyển đổi số hàng năm - cũng là ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Lựa chọn ngày 26/3 là ngày chuyển đổi số chính là sự thể hiện quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị tỉnh Hải Dương về chuyển đổi số và cũng đặt lên vai của lực lượng đoàn viên thanh niên trong toàn tỉnh sứ mệnh xung kích, đi đầu trong ứng dụng chuyển đổi số vào học tập, lao động, trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân ứng dụng chuyển đổi số trong cuộc sống.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, năm 2022, mặc dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, điều kiện thời tiết không thuận lợi, giá cả một số vật tư, nguyên liệu đầu vào và nhu yếu phẩm tăng cao..., tỉnh Hải Dương đã tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Kinh tế trong tỉnh duy trì mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng khoảng 9,14%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 20.098 tỷ đồng, tăng 36% so với dự toán giao.

Hải Dương là 1 trong 5 tỉnh, thành trong toàn quốc đã được công nhận là tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác tổ chức xây dựng Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả.

“Với những kết quả đã đạt được trên, có sự đóng góp quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực” - ông Trần Đức Thắng nhấn mạnh.

128.578 hộ sản xuất được đưa lên sàn thương mại điện tử

Dẫn chứng việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong từng lĩnh vực cụ thể, ông Trần Đức Thắng cho biết, việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp là một điểm sáng bước đầu và đã đem lại những kết quả rất đáng mừng, các mô hình ứng dụng công nghệ số như công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, camera giám sát và thiết bị cảm biến tự động kết nối điện thoại thông minh; mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

Bí thư cùng các đại biểu tham quan các gian hàng giới thiệu các giải pháp chuyển đổi số
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cùng các đại biểu tham quan các gian hàng giới thiệu các giải pháp chuyển đổi số

Mô hình truy xuất nguồn gốc nông sản, gắn tem truy xuất nguồn gốc bằng mã QR code để được hưởng chế độ ưu đãi về thuế, hướng tới xuất khẩu tại các thị trường khó tính, nâng cao giá trị hàng hóa và tạo lòng tin về chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng trong và ngoài nước...

Toàn tỉnh cấp được 261 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu; trên 1.000 ha diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đã được ứng dụng mã truy xuất nguồn gốc nông sản và hiện nay có trên 20 công ty/hợp tác xã/tổ sản xuất thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.

Về lĩnh vực thương mại điện tử cũng được quan tâm triển khai một cách tích cực và hiệu quả. Đã thực hiện kết nối các doanh nghiệp, triển khai các giải pháp, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh phát triển và ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, tìm kiếm đối tác; quảng bá, giới thiệu thương hiệu sản phẩm và thúc đẩy tiêu thụ dịch vụ, hàng hóa trong nước và hướng tới xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử nổi tiếng như: Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Alibaa, Voso, Viettelpost và được tiêu thụ tốt. Hiện đã có 128.578 hộ sản xuất nông nghiệp được đưa lên sàn thương mại điện tử đang hoạt động, xếp thứ 19/63 tỉnh/thành phố; 1.077 sản phẩm của tỉnh được đưa lên sàn; số giao dịch trên sàn thương mại điện tử là 35.578 giao dịch, xếp thứ 7/63 tỉnh/thành phố.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực trọng yếu của tỉnh cũng được quan tâm đẩy mạnh chuyển đổi số. Chẳng hạn, ngành Y tế đã và đang triển khai một số ứng dụng như: Quản lý bệnh viện, xây dựng hồ sơ sức khỏe, bệnh án điện tử; thí điểm hệ thống PAC và đặt lịch khám bệnh trực tuyến… điều này giúp các cơ sở y tế, người dân dễ tiếp cận thông tin, các dịch vụ y tế thuận tiện, dễ dàng.

Ngành Giáo dục đã ứng dụng giảng dạy trực tuyến, quản lý trường học, học bạ điện tử, xây dựng và khai thác hệ thống Kho học liệu số trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các doanh nghiệp cũng được triển khai mạnh mẽ. Cơ bản các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng công nghệ thông, khoa học kỹ thuật phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; ứng dụng rộng rãi các hình thức thanh toán điện tử... Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nộp thuế điện tử đạt tỷ lệ 99%...

Từ những kết quả trên cho thấy chuyển đổi số là một xu thế tất yếu cần phải nhanh chóng nắm bắt lấy thời cơ phát triển do chuyển đổi số mang lại” - Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương khẳng định và đề nghị trong tất cả các lĩnh vực cần phải có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy cho người dân để thúc đẩy chuyển đổi số.

Cùng với đó, cần phải thu hút được sự đầu tư của các doanh nghiệp, hình thành các doanh nghiệp số, doanh nghiệp công nghệ số; huy động và phát huy tốt các nguồn lực trong xã hội phục vụ cho chuyển đổi số.

Quỳnh Nga - Nguyễn Duyên

Theo: Báo Công Thương