Giá khởi điểm bán đấu giá là toàn bộ gốc, lãi và phí tại thời điểm ký hợp đồng bán đấu giá khoản nợ tạm tính đến thời điểm 31/1/2023 là 218,9 tỷ đồng.
Số dư nợ xấu của ngân hàng BIDV tăng hơn 30% lên 17.622 tỷ đồng |
Tài sản bảo đảm cho khoản nợ gồm 8 quyền sử dụng đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại huyện Tân Trụ, tỉnh Long An và quyền sở hữu công trình là nhà máy xay xát lúa diện tích 1.720 m2, nhà văn phòng diện tích 45,9 m2 và đất có công trình xây dựng diện tích 2.989 m2 với chủ sở hữu là Doanh nghiệp tư nhân Công Bình.
Ngoài ra, tài sản bảo đảm còn có máy móc thiết bị nhà máy xay xát lúa gạo Công Bình, một xe tải có mua THACO và một xe ô tô con Toyota Camry.
Công ty TNHH Công Bình thành lập năm 2006, hoạt động trong lĩnh vực bán buôn gạo. Công ty có địa chỉ tại ấp Bình Hòa, xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Người đại diện pháp luật là ông Phan Công Bình.
BIDV cũng rao bán lần thứ 14 khoản nợ của Công ty CP Thép Việt Nhật. Tổng dư nợ của khoản nợ tính đến ngày 23/5/2022 là 447,3 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 194,1 tỷ đồng, dư nợ lãi là 253,1 tỷ đồng.
Tài sản thế chấp của khoản nợ là quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất và nhà máy cán Km 9 quốc lộ 5, Quán Toan, Hồng Bàng, TP Hải Phòng bao gồm văn phòng, nhà xưởng, nhà cân và gian bán hàng, hệ thống móng thiết bị nhà xưởng, đường dây 35KV và trạm biến áp, bãi để vật tư, bãi để sản phẩm số 1, nhà để xe.
Bên cạnh đó, tài sản thế chấp còn có xe Toyota Camry GLI, xe ô tô du lịch 5 chỗ Mercedes E240, là xe đầu kéo màu vàng hiệu International và xe Toyota Hiace 16 chỗ.
Giá khởi điểm đấu giá khoản nợ là 133,7 tỷ đồng.
Công ty CP Thép Việt Nhật thành lập năm 1998 có địa chỉ tại Km số 9, quốc lộ 5, phường Quán Toan, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng. Sản phẩm chính là thép tròn đặc, thép ống, thép ống, thép hình, thép ray tàu,… Người địa diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Bình, chủ tịch HĐQT công ty.
Về kết quả kinh doanh, ngân hàng BIDV vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 với lợi nhuận tăng trưởng đột biến, gần gấp đôi cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, trong quý IV/2022, lợi nhuận trước thuế của BIDV đạt 5.381 tỷ đồng, tăng hơn 91% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế tăng 88,7% đạt gần 4.262 tỷ đồng.
Theo giải trình của ngân hàng, tăng trưởng lợi nhuận quý IV đến từ lợi nhuận từ hoạt động tín dụng, hoạt động từ kinh doanh ngoại hối và cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro do chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt.
Luỹ kế cả năm 2022, BIDV lãi trước thuế 23.057 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước tới nay, tăng 70,2% so với năm trước. Lãi sau thuế đạt hơn 18.453 tỷ đồng.
Có thể nhận thấy mặc dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của BIDV chỉ tăng hơn 9% so với năm trước nhưng nhờ cắt giảm 18,6% (tương đương gần 5.500 tỷ đồng)chi phí dự phòng rủi ro nên lợi nhuận trước thuế mới có được tăng trưởng cao.
Trong năm 2022, cho vay khách hàng và tiền gửi khách hàng của BIDV tăng trưởng khiêm tốn lần lượt 12,4% và 6,8% đạt hơn 1,52 triệu tỷ đồng và 1,47 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, tổng tài sản của ngân hàng tăng mạnh hơn 20% vượt mốc 2 triệu tỷ đồng và là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất hệ thống tính đến thời điểm hiện tại.
Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng hơn 30% lên 17.622 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu nhích nhẹ từ 1% cuối năm 2021 lên 1,16%. Ngân hàng cũng đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng lên 38.198 tỷ đồng, tăng 31,2% so với năm trước.
Hoàng Đức