Biến động cổ đông lớn tại Đầu tư tài sản Koji (KPF)

14/09/2023 - 17:25
(Bankviet.com) Sau khi mua lượng lớn cổ phiếu KPF, ông Nguyễn Như Khánh và ông Tạ Sơn Tùng đã chính thức trở thành cổ đông lớn tại Đầu tư tài sản Koji với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 9,96%, 9,93% vốn điều lệ. Cùng lúc, hai cổ đông lớn khác của doanh nghiệp đã thoái toàn bộ vốn.
Biến động cổ đông lớn tại Đầu tư tài sản Koji (KPF)
Hai nhà đầu tư vừa mới thông báo chính thức trở thành cổ đông lớn của Công ty CP Đầu tư tài sản Koji (HOSE: KPF) vào ngày 08/09.

Từ ngày 8/9, Công ty CP Đầu tư tài sản Koji (HOSE: KPF) đón thêm 2 nhà đầu tư cá nhân gia nhập nhóm cổ đông lớn.

Đó là ông Nguyễn Như Khánh và ông Tạ Sơn Tùng, hai nhà đầu tư trước đó không sở hữu bất kỳ cổ phiếu KPF nào, tuy nhiên đã "bạo chi" hàng chục tỷ đồng để mua lần lượt 6,6 triệu và 6 triệu cổ phiếu KPF.

Ở chiều ngược lại, hai cổ đông lớn khác của KPF đã bán ra tổng cộng hơn 12,1 triệu cổ phiếu KPF, xấp xỉ khối lượng ông Khánh và ông Tùng mua vào, qua đó không còn là cổ đông tại đây.

Cụ thể, ông Nguyễn Quang Huy, Thành viên HĐQT KPF báo cáo đã bán toàn bộ hơn 6,04 triệu cổ phiếu KPF, tỷ lệ 9,9% từ ngày 7 - 8/9 và nhà đầu tư Lê Thị Như Thanh cũng đã bán ra toàn bộ 6,06 triệu cổ phiếu KPF, tỷ lệ 9,96% vốn tại Đầu tư tài sản Koji.

Được biết, trong phiên ngày 8/9, có hơn 12,1 triệu cổ phiếu KPF được giao dịch thoả thuận, với giá trị là 87,77 tỷ đồng, đúng bằng số cổ phiếu của ông Huy và bà Thanh đã bán ra. Nhiều khả năng, một phần số cổ phiếu này đã được nhà đầu tư Nguyễn Như Khánh mua vào trong cùng phiên.

Động thái mua vào hàng triệu cổ phiếu của hai cổ đông diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu KPF đang có động thái giảm. Chốt phiếu giao dịch ngày 8/9, giá KPF đang là 7.180 đồng/cp, giảm 0,97% so với phiên giao dịch trước đó.

Cũng tại sự kiện cổ phiếu, KPF dự kiến chào bán hơn 9,7 triệu cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền, tổng giá trị theo mệnh giá gần 97,4 tỷ đồng. Tương ứng tỷ lệ phát hành là 16%, giá chào bán 10.000 đồng/cp.

Ở một diễn biến khác, KPF quyết định nhận chuyển nhượng trái phiếu của trái chủ tại các tổ chức phát hành là Công ty TNHH Đầu tư Phúc Hậu (PHI), Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm (CLA) và CTCP Đầu tư Nông nghiệp sạch Phú Sơn (PAI).

Cụ thể, KPF sẽ nhận chuyển nhượng tối đa gần 83.500 trái phiếu của 3 mã PHICH2124001, CLACH2124003 và PAICH2124001. Cũng cần lưu ý, KPF hiện đang là trái chủ của PHICH2124001 và PAICH2124001. Với mệnh giá mỗi trái phiếu là 10 triệu đồng, ước tính tổng giá trị chuyển nhượng là 834,6 tỷ đồng. Tỷ lệ nhận chuyển nhượng dự kiến 100%.

Đây là các trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo. Trong đó, dự án khu dân cư sinh thái Vườn Tài, đang là tài sản đảm bảo cho gói trái phiếu PHICH2124001 của PHI; các biệt thự khu du lịch sinh thái Prime – Prime Resort and Hotels đang là tài sản đảm bảo của gói trái phiếu CLACH2124003 của CLA đồng thời cũng là tài sản đảm bảo cho gói trái phiếu PAICH2124001 của PAI.

Thời gian thực hiện dự kiến từ quý III – quý IV/2023. Sẽ được thực hiện ngay sau khi có sự chấp thuận của ĐHĐCĐ bất thường 2023 và được thực hiện theo phương thức tự thỏa thuận giữa các bên gồm KPF, trái chủ và tổ chức phát hành.

Mục đích nhận chuyển nhượng là nhằm xử lý các tài sản đảm bảo trái phiếu thông qua việc giải chấp tài sản đảm bảo trái phiếu PHICH2124001, CLACH2124003 và PAICH2124001 và chuyển nhượng tài sản đảm bảo trên cơ sở được sự chấp thuận của trái chủ.

Về hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý II/2023, Đầu tư tài chính Koji ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính đạt 17,46 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 8,33 tỷ đồng, giảm 73%.

Giải trình nguyên nhân lợi nhuận quý II/2023 giảm mạnh so với quý II/2022, Công ty cho biết do trong quý II/2022 Công ty có ghi nhận doanh thu từ chuyển nhượng cổ phần tại Công ty TTC Deluxe Sài Gòn. Ngoài ra, trong quý II/2023, KPF phải trích lập dự phòng rủi ro khoản đầu tư vốn vào công ty liên kết.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Công ty ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính đạt 27,26 tỷ đồng, giảm 50,91% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 18,54 tỷ đồng, giảm 60,51%.

Mới đây, Công ty CP Đầu tư tài sản Koji vừa có thông báo về việc bổ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật đối với ông Nguyễn Khánh Toàn (1979) thay thế cho ông Hoàng Văn Hậu từ ngày 8/8.

Điểm đáng lưu ý, ông Hậu mới được bầu vào Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2023-2028 từ ngày 25/4/2023 (chưa đầy 2 tháng trước khi từ nhiệm). Được biết, ông Hậu sinh năm 1964, là cử nhân cơ khí của Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội.

Từ năm 1991 đến nay, ông từng đảm nhiệm vai trò quản lý tại nhiều công ty như Công ty Xuất nhập khẩu Hoàn Kiếm; Công ty Chuyển giao công nghệ - Viện công nghệ quốc gia; Công ty đá quý Lado Genco; Công ty Xây dựng Long Giang; Công ty Phanxipăng và CTCP Lylama SHB.

Đầu tư tài sản Koji (KPF) tính xây khu đô thị 520 tỷ đồng ở Lạng Sơn

Đầu tư tài sản Koji (KPF) muốn làm dự án lớn ở Lạng Sơn giữa thời kỳ khó khăn về dòng tiền, đặc biệt trong ...

Đầu tư tài sản Koji (KPF) bị cưỡng chế thuế hơn 10 tỷ đồng

Công ty CP Đầu tư tài sản Koji (KPF) thông báo vừa nhận được 12 quyết định cưỡng chế thuế của Cục Thuế TP. HCM ...

Thị trường chứng khoán ngày 31/8/2023: Thông tin trước giờ mở cửa

Tiền vào chậm lại, VN-Index vẫn tăng khá tích cực; Lãnh đạo KPF muốn thoái toàn bộ 6 triệu cổ phiếu nắm giữ; Công ty ...

Tiểu Vy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán