Bình Dương: Tập huấn nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất

12/09/2023 - 05:02
(Bankviet.com) Bộ Công Thương vừa phối hợp với tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị Tập huấn nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất trong nước.
Quy định và thực tiễn về phòng vệ thương mại trong bối cảnh mới Bộ Công Thương lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về các biện pháp phòng vệ thương mại Doanh nghiệp phải chủ động phòng tránh các biện pháp phòng vệ thương mại

Theo đó, Hội nghị “Tập huấn nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất trong nước ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại” do Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Bình Dương tổ chức.

Cục Phòng vệ thương mại cho biết, đây là hoạt động nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và cơ quan quản lý nhà nước chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài cũng như sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại được pháp luật cho phép để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.

Bình Dương: Tập huấn nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất
Hội nghị “Tập huấn nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất trong nước ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại” tại Bình Dương

Hội nghị có sự tham gia của ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương, ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương và các diễn giả đến từ Vụ Chính sách thương mại đa biên, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại cùng sự tham dự rất nhiều đại biểu đến từ các sở ban ngành, các cơ quan, đơn vị, hội, hiệp hội ngành nghề và các doanh nghiệp trên địa bàn.

Thông tin về hội nghị, Cục Phòng vệ thương mại cho hay, Cục tập trung cung cấp tới cộng đồng doanh nghiệp các nội dung: Ứng phó với các vụ, việc điều tra phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam; Quy định pháp luật và thực tiễn điều tra, tính toán biên độ chống bán phá giá và lưu ý cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu; Phổ biến nội dung Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA); Hướng dẫn thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), Form E, Form Rcep cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Qua hội nghị, các diễn giả cũng giải đáp thắc mắc của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp trong việc nắm bắt, triển khai, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, từ đó từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển ổn định. Đồng thời, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước trong việc hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước để chủ động ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại trong và ngoài nước.

Thời gian qua, cùng với sự tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu trong thời gian qua, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài, đặc biệt là các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Số liệu từ Cục Phòng vệ thương mại cho thấy, tính đến hết tháng 6/2023, hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 231 vụ việc phòng vệ thương mại do các nước khởi kiện; trong đó, có 128 vụ chống bán phá giá, 47 vụ tự vệ, 33 vụ chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và 23 vụ chống trợ cấp. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, các nước đã khởi kiện 4 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, giảm nhẹ so với 5 vụ việc trong cùng kỳ của năm 2022.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, tình hình khu vực và thế giới các tháng cuối năm 2023 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ nay đến cuối năm sẽ chậm lại đáng kể do những tác động kéo dài và liên tục của chính sách thắt chặt tiền tệ cũng như các điều kiện tín dụng hạn chế, khiến xu thế bảo hộ tại nhiều nền kinh tế, khu vực gia tăng. Bên cạnh đó, việc ta tiếp tục thực hiện các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu của ta có lợi thế quan trọng tại các thị trường xuất khẩu, nhưng cũng sẽ khiến sức ép cạnh tranh tại thị trường trong nước gia tăng, xuất hiện một số hành vi lợi dụng xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi bất hợp pháp.

Vì vậy, tại hội nghị, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với điều tra phòng vệ thương mại và đấu tranh chống lẩn tránh như trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại, xây dựng chiến lược xuất khẩu, chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện phòng vệ thương mại, theo dõi các thông tin cảnh báo của Bộ Công Thương trong quá trình xuất khẩu sang các nước, tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, tham gia hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong quá trình xử lý vụ việc. Đồng thời, các hiệp hội, doanh nghiệp trong thời gian tới cần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm theo cả chiều rộng và chiều sâu; thận trọng trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất, xuất khẩu.

Hội nghị đã nhận được sự quan tâm của các đại biểu, đặc biệt là các doanh nghiệp, hiệp hội. Với các thông tin được cung cấp tại hội nghị được các doanh nghiệp, hiệp hội và các cơ quan quản lý nhà nước cùng nhìn nhận về cơ hội và thách thức mà các FTA mang lại. Từ đó giúp các doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại ở nước ngoài, đồng thời hạn chế những thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước và bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Cục Phòng vệ thương mại đã và đang tiếp tục chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xử lý hiệu quả các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động đa dạng như: Cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch xử lý; trao đổi kịp thời với hiệp hội, doanh nghiệp để cung cấp thông tin cập nhật giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc; tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, hướng xử lý cụ thể cho doanh nghiệp…

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương