Tổ công tác mới được thành lập nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các dự án năng lượng có vốn đầu tư Thái Lan
Bộ Công Thương vừa công bố quyết định thành lập Tổ công tác làm việc với các nhà đầu tư Thái Lan trong lĩnh vực năng lượng, nhằm tháo gỡ khó khăn liên quan đến chính sách giá điện đang áp dụng cho các dự án điện gió và điện mặt trời tại Việt Nam. Động thái này được đánh giá là bước đi cần thiết trong bối cảnh một loạt dự án có vốn nước ngoài đứng trước nguy cơ không được hưởng cơ chế giá ưu đãi như trước đây.
![]() |
Bộ Công Thương thành lập Tổ công tác làm việc với các nhà đầu tư Thái Lan để giải quyết các vấn đề còn khúc mắc với các dự án điện gió và điện mặt trời |
Ông Trần Hoài Trang, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) được cử làm Tổ trưởng Tổ công tác. Mục tiêu chính là đối thoại, trao đổi với các nhà đầu tư Thái Lan để tìm ra giải pháp hài hòa lợi ích và giảm thiểu rủi ro phát sinh do thay đổi chính sách.
16 dự án năng lượng gặp khó khăn về giá điện
Hiện có 4 tập đoàn Thái Lan đang đầu tư vào tổng cộng 16 dự án điện gió và điện mặt trời tại Việt Nam. Cụ thể:
Tập đoàn B.Grimm Renewable có 2 dự án với tổng công suất 496 MW.
Gulf Energy Development Public Company Ltd triển khai 2 dự án công suất 98 MW.
Gunkul Engineering Public Company Ltd đang thực hiện 4 dự án với quy mô 160 MW.
Super Energy Corporation PCL nắm 8 dự án có tổng công suất lên tới 686,72 MW.
Các dự án này đang trong giai đoạn vận hành hoặc chuẩn bị đi vào vận hành, nhưng đồng thời cũng đối mặt với rủi ro lớn về cơ chế giá điện. Vấn đề chủ yếu nằm ở thời điểm cấp chứng nhận nghiệm thu hoàn thành (CCA) của các dự án không còn nằm trong hiệu lực của các quyết định về giá FIT1 hoặc FIT2 – hai mức giá ưu đãi dành cho điện năng lượng tái tạo.
Đề xuất tạm thời và phản hồi từ nhà đầu tư
Tại buổi làm việc vào đầu tháng 3/2025, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Công ty Mua bán điện (EPTC) đã đưa ra đề xuất tạm tính giá điện. Theo đó:
Các dự án đang áp dụng giá FIT1 (9,35 US cent/kWh) nhưng có ngày CCA sau khi Quyết định giá FIT1 hết hiệu lực, và vẫn nằm trong hiệu lực của Quyết định FIT2 (7,09 US cent/kWh), sẽ được tính tạm theo giá FIT2.
Trường hợp ngày CCA nằm ngoài cả hai khung FIT1 và FIT2, các dự án sẽ được áp dụng mức giá tạm gọi là “giá các dự án chuyển tiếp” (1.184,9 đồng/kWh).
Tuy nhiên, phía nhà đầu tư không đồng tình với cách tiếp cận này. Các doanh nghiệp cho rằng, việc chậm trễ trong thủ tục nghiệm thu hoàn toàn không do lỗi của họ. Vì vậy, nếu áp dụng giá tạm thời thấp hơn so với kỳ vọng ban đầu, các dự án sẽ gặp rủi ro tài chính nghiêm trọng. Ngoài ra, các nhà đầu tư còn kiến nghị rằng nếu sau này cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh giá, EVN phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu việc tính giá tạm thời dẫn đến thất thoát cho doanh nghiệp.
Bài toán pháp lý và sự chậm trễ trong hướng dẫn
Trước buổi đối thoại, vào giữa tháng 2/2025, EVN đã chủ động gửi văn bản đề nghị Bộ Công Thương làm đầu mối đề xuất phương án giá điện, trình lên cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để làm cơ sở thanh toán tiền điện. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có văn bản hướng dẫn chính thức nào được ban hành. Việc thành lập Tổ công tác được xem là bước đi đầu tiên nhằm giải quyết vấn đề trong khi chờ quy định cụ thể từ cơ quan có thẩm quyền.
Đáng chú ý, các nhà đầu tư Thái Lan đã thông qua các kênh chính thức kiến nghị với Chính phủ Thái Lan, và các cơ quan này đã chuyển đơn kiến nghị đến phía Việt Nam. Điều này cho thấy mức độ quan tâm và kỳ vọng lớn của nhà đầu tư đối với việc tháo gỡ vướng mắc nhằm bảo vệ hiệu quả đầu tư lâu dài của các dự án đã triển khai.
![]() | Việt Nam đẩy mạnh điện gió ngoài khơi, nhưng nhà đầu tư cần thêm những quy định gì? Theo Nghị định 58/2025/NĐ-CP, nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam phải liên doanh với ... |
![]() | Chấm dứt hoạt động dự án điện gió hơn 3.200 tỷ đồng tại Hậu Giang UBND tỉnh Hậu Giang vừa quyết định chấm dứt hoạt động dự án Nhà máy điện gió Long Mỹ 1, tổng vốn đầu tư hơn ... |
Tuấn Anh