Bộ Công Thương: Tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng cạnh tranh cho doanh nghiệp Bình Dương: Tập huấn nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất |
Kết quả tích cực từ tuyên truyền về phòng vệ thương mại
Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương vừa phối hợp Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo “Tuyên truyền, phổ biến về các biện pháp phòng vệ thương mại”. Hội thảo được tổ chức nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và cơ quan quản lý nhà nước chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài cũng như sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại được pháp luật cho phép để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.
Tại hội thảo này, các báo cáo viên đã trình bày và cung cấp thông tin đối với một số nội dung như: Tổng quan về pháp luật phòng vệ thương mại; ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam; hướng dẫn sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Qua hội thảo, các báo cáo viên cũng giải đáp thắc mắc của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp trong việc nắm bắt, triển khai, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, từ đó từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển ổn định. Đồng thời, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước trong việc hợp tác với cơ quan điều tra phòng vệ thương mại để chủ động xử lý, ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại trong và ngoài nước.
Việc bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ tác động tới hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp |
Cùng với tỉnh Thái Nguyên, từ đầu năm đến nay, Cục Phòng vệ thương mại đãi phối hợp cùng Sở Công Thương một số địa phương như Bình Dương, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Trị… tổ chức các hội nghị, buổi tập huấn về phòng vệ thương mại thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội ngành hàng trên các địa bàn.
Đánh giá về các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách phòng vệ thương mại, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, các hoạt động hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp thông qua đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách phòng vệ thương mại đã đem lại những kết quả tích cực. Trong đó, các doanh nghiệp đã hiểu hơn về công tác phòng vệ thương mại và cách thức xử lý khi trở thành đối tượng bị điều tra phòng vệ thương mại.
Đặc biệt, theo ông Chu Thắng Trung, trong nhiều vụ việc, các doanh nghiệp Việt Nam nhờ kịp thời chuẩn bị nguồn lực đã thành công trong việc chứng minh không bán phá giá hay không nhận trợ cấp. Chính phủ Việt Nam trong nhiều vụ việc đã chứng minh không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu. “Nhờ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp so với cáo buộc ban đầu hoặc so với các nước khác cùng bị áp thuế, góp phần giữ vững nhiều thị trường xuất khẩu”- ông Trung nhấn mạnh.
Đơn cử một số kết quả đạt được trong năm 2022 và đầu năm 2023 như: Australia chấm dứt điều tra chống bán phá giá với amoni nitrat; Hoa Kỳ sơ bộ kết luận Việt Nam không lẩn tránh thuế với thép dây không gỉ và tạm thời miễn thuế phòng vệ thương mại đối với pin mặt trời; Ấn Độ dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá với thép mạ hợp kim nhôm kẽm của Việt Nam; Australia chấm dứt thuế chống bán phá giá với nhôm định hình; Philippines không gia hạn biện pháp tự vệ với hạt nhựa HDPE và xi măng nhập khẩu của Việt Nam, đồng thời giảm thuế chống bán phá giá đối với xi măng so với lệnh áp thuế trước đó; Mexico đánh giá ngành thép Việt Nam hoạt động theo cơ chế thị trường và giảm thuế chống bán phá giá với thép mạ trong kết luận cuối cùng so với kết luận sơ bộ trước đó.
Cải thiện năng lực ứng phó phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp
Cùng với sự tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu trong thời gian qua, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài, đặc biệt là các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Ông Chu Thắng Trung nhấn mạnh, việc hàng xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với nhiều cuộc điều tra phòng vệ thương mại là một hệ quả tất yếu khi doanh nghiệp tăng cường tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động.
Trong bối cảnh đó, đánh giá về năng lực ứng phó trước các biện pháp phòng vệ thương mại của cộng đồng doanh nghiệp, ngành hàng ở các địa phương, ông Chu Thắng Trung cho hay, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam thường phải đối mặt với một số hạn chế khi bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại, như: Đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa nắm rõ về pháp luật phòng vệ thương mại, các nguyên tắc, quy trình, thủ tục, nghĩa vụ và quyền lợi khi tham gia vào các vụ việc điều tra về phòng vệ thương mại; nhiều doanh nghiệp thiếu đội ngũ cán bộ, chuyên gia có những hiểu biết về luật pháp, để có thể theo dõi, chuẩn bị ứng phó một cách linh hoạt; hệ thống sổ sách kế toán, truy xuất nguồn gốc nguyên vật liệu còn chưa hoàn thiện.
Bên cạnh đó, việc tham gia điều tra đòi hỏi các doanh nghiệp phải phân bổ nguồn lực tài chính cũng như con người trong thời gian khá lâu (thường là hơn 1 năm). Ngoài ra, còn có những trở ngại khác như ngôn ngữ khi các thông tin liên quan đến vụ việc đều sử dụng tiếng bản địa, những yêu cầu về hợp pháp hóa lãnh sự, cung cấp nhiều thông tin, số liệu, tài liệu... phục vụ điều tra trong thời hạn ngắn từ cơ quan điều tra nước ngoài.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, tình hình khu vực và thế giới các tháng cuối năm 2023 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ nay đến cuối năm sẽ chậm lại đáng kể do những tác động kéo dài và liên tục của chính sách thắt chặt tiền tệ cũng như các điều kiện tín dụng hạn chế, khiến xu thế bảo hộ tại nhiều nền kinh tế, khu vực gia tăng.
Bên cạnh đó, việc tiếp tục thực hiện các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có lợi thế quan trọng tại các thị trường xuất khẩu, nhưng cũng sẽ khiến sức ép cạnh tranh tại thị trường trong nước gia tăng, xuất hiện một số hành vi lợi dụng xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi bất hợp pháp.
Vì vậy, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài và coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của Cục. Đồng thời, Cục sẽ tiếp tục sử dụng hệ thống cảnh báo sớm để đưa ra những dự báo từ sớm, từ xa giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc chuẩn bị nguồn lực, xây dựng kế hoạch ứng phó hiệu quả với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài.
“Đặc biệt, công tác tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về phòng vệ thương cũng sẽ được tăng cường trên cơ sở phối hợp với các hiệp hội, địa phương nhằm nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho các doanh nghiệp”- ông Trung nhấn mạnh.
Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị, việc bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ tác động tới xuất khẩu của ta. Nếu các doanh nghiệp xử lý không tốt, hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp sẽ bị áp dụng thuế phòng vệ thương mại ở mức cao, làm giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu. Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải hiểu rõ về tầm quan trọng của việc xử lý tốt các vụ việc phòng vệ thương mại và vai trò then chốt của doanh nghiệp khi tham gia xử lý các vụ việc. Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng cần đánh giá và dự báo trước nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại để chuẩn bị sớm và chủ động xử lý khi có vấn đề phát sinh. |
Bảo Thoa